11:09, 03/09/2015

Góp ý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định hình phạt trục xuất vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung.

Vấn đề 5: Hình phạt trục xuất


Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định hình phạt trục xuất vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung. Dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định hình phạt trục xuất áp dụng theo hai phương án: một, là giữ nguyên như BLHS hiện hành; hai, chỉ là hình phạt bổ sung.



Về vấn đề này, bạn đọc có thể góp ý theo hai loại ý kiến:


- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nên giữ như quy định hiện hành, theo đó, hình phạt trục xuất vừa có thể áp dụng là hình phạt chính, có thể là hình phạt bổ sung để bảo đảm sự linh hoạt cho tòa án trong việc cân nhắc áp dụng trong từng trường hợp phạm tội cụ thể và từng đối tượng phạm tội cụ thể.


- Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ nên áp dụng hình phạt này với tư cách là hình phạt bổ sung vì cho rằng, người phạm tội (dù là công dân Việt Nam hay người nước ngoài) khi bị đưa ra xét xử tại Tòa án Việt Nam theo pháp luật hình sự Việt Nam thì cần phải bình đẳng, trong đó bao hàm cả sự bình đẳng về việc áp dụng loại, mức hình phạt và nghĩa vụ chấp hành hình phạt. Sẽ bất công nếu công dân Việt Nam phạm một tội cụ thể trên lãnh thổ Việt Nam thì phải chịu cả hình phạt chính lẫn hình phạt bổ sung và các nghĩa vụ dân sự khác, trong khi đó, nếu đối tượng phạm tội là người nước ngoài (cũng phạm tội đó) lại có thể chỉ bị áp dụng hình phạt trục xuất (với ý nghĩa là hình phạt chính) mà không phải chịu thêm một nghĩa vụ nào khác. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy, khi công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài thì thông thường phải chấp hành xong hình phạt và các nghĩa vụ thì mới bị trục xuất.


LÊ MINH

 




Cần chuyển đổi hình phạt để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật


Theo dõi việc góp ý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tôi tán thành quy định về chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù. Trên thực tế, có nhiều vụ án, tòa án tuyên mức phạt tiền bên cạnh hình phạt chính nhưng những người phạm tội không có khả năng trả. Vì thế, những người này không chấp hành việc trả tiền thì chỉ xem như là một yếu tố để không xem xét việc giảm án mà thôi. Khi chấp hành xong hình phạt chính họ được trả tự do nhưng không chấp hành phần phạt tiền mà vẫn không bị áp dụng biện pháp chế tài nào. Vì thế theo tôi, việc đưa quy định này vào Bộ luật Hình sự là một cách để buộc người phạm tội chấp hành tốt hơn các hình phạt của tòa tuyên.


Hồng Quang (Cam Lâm)




Cần quy định cụ thể các tội danh trong lĩnh vực kinh tế


Theo tôi Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cần thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế. Quy định như vậy nhằm tăng cường tính minh bạch, nhất là khi nước ta đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ cơ chế tập trung sang cơ chế thị trường và hội nhập sâu. Quy định chung như hiện nay chẳng khác nào cái rổ, tội phạm gì cũng để vào đó, điều này sẽ khiến cho các nhà đầu tư, nhà quản lý e ngại vì sợ vi phạm vào các dấu hiệu cấu thành tội “cố ý làm trái”.


Bên cạnh đó, tôi rất đồng tình về việc bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng. Điều này rất cần thiết, mang tính nhân văn cao, tạo sự nghiêm minh của pháp luật. Ngoài ra, việc bổ sung một số tội danh mới cũng rất cần thiết như rải đinh. Đây là hành vi tuy nhỏ nhưng tiềm ẩn sự nguy hiểm cho xã hội và hậu quả có thể là rất lớn.


Bà Lâm Thị Ngọc Trâm
(Giám đốc Trung tâm Khoa học phụ nữ và trẻ em)

 

V.G (Ghi)