10:08, 27/08/2015

Góp ý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định chế định này. Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định về cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù như sau

Vấn đề 4: Chuyển phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành phạt tù


Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành không quy định chế định này. Dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định về cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù như sau:


a) Về chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù có thời hạn, dự thảo quy định:


Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, Tòa án tuyên nếu trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án không chấp hành thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù, đồng thời ấn định mức phạt tù mà người đó phải chấp hành theo nguyên tắc sau:


a) Nếu khung hình phạt áp dụng không có quy định hình phạt tù thì mức phạt tù cao nhất không quá 3 năm tù;


b) Nếu khung hình phạt được áp dụng có quy định hình phạt tù lựa chọn với phạt tiền thì mức phạt tù cao nhất không quá mức cao nhất của hình phạt tù tại khung hình phạt tương ứng;


c) Trường hợp người bị kết án đã chấp hành một phần hình phạt tiền thì căn cứ vào phần hình phạt còn lại phải chấp hành, Tòa án quyết định chuyển đổi thành mức hình phạt tù tương ứng.


Không áp dụng quy định tại khoản này đối với pháp nhân, người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng.


b) Về chuyển hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn, dự thảo quy định:


“Khi tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ, Tòa án tuyên trong bản án trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù theo nguyên tắc 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày tù.


Không áp dụng quy định này đối với người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng”.


Bạn đọc có thể góp ý theo 2 loại ý kiến:


- Ý kiến tán thành việc bổ sung cơ chế chuyển đổi từ hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù có thời hạn, vì:


Thứ nhất, một trong những định hướng lớn sửa đổi BLHS lần này là giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số tội phạm theo tinh thần Nghị quyết 49 của Đảng về cải cách tư pháp. Theo đó, dự thảo đã bổ sung hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ vào nhiều điều luật. Tuy nhiên, kết quả tổng kết thực tiễn hơn 14 năm thi hành BLHS cho thấy, hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ tính khả thi không cao, hiệu quả kém, vì thế đã phần nào làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, cần thiết bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án để bảo đảm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hình phạt này. Nếu để xử lý về tội không chấp hành án thì quá lâu và còn làm nặng thêm tình trạng của người bị kết án (đồng thời phải chấp hành hai bản án). Việc chuyển đổi này cũng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.


Thứ hai, việc quy định chuyển đổi hình phạt là nhằm bảo đảm tính khả thi của hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ trên thực tế. Khi chuyển đổi thì người bị kết án phạt tiền, cải tạo không giam giữ chỉ phải chấp hành hình phạt tù (hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ được quy đổi). Nếu không quy định trường hợp này, người bị kết án không chịu chấp hành án có thể bị truy tố về tội không chấp hành án. Điều này xảy ra tình trạng cùng một lúc người bị kết án phải đồng thời chấp hành hai loại hình phạt chính khác nhau.


- Ý kiến không tán thành với quy định việc chuyển hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù vì cho rằng, không nên cùng một lúc áp dụng hai loại hình phạt khác nhau. Nếu người bị kết án không chấp hành hình phạt sẽ bị truy tố về tội không chấp hành án; việc chuyển đổi này sẽ làm xấu hơn tình trạng của bị cáo (là đang từ không tước tự do là phạt tiền và cải tạo không giam giữ bị chuyển thành hình phạt tù).


LÊ MINH


 




Không nên bỏ án tử hình với tội cướp tài sản


Theo dõi việc góp ý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tôi thấy việc bỏ án tử hình đối với một số tội danh là thỏa đáng. Tuy nhiên, không nên bỏ án tử hình với tội cướp tài sản. Trên thực tế, hành vi cướp tài sản luôn đi đôi với vũ lực. Kẻ cướp dùng hung khí có thể tấn công hoặc uy hiếp nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy không có ý định xâm phạm đến tính mạng của người bị cướp nhưng việc dùng các hung khí có độ sát thương rất cao như súng, dao, lê, mã tấu... hành vi của người phạm tội là rất nguy hiểm. Còn nhớ vụ án Hồ Duy Trúc chém nạn nhân trước rồi mới ra tay cướp xe tay ga từng làm dư luận rúng động về sự tàn ác của băng cướp này. Rõ ràng, hành vi của chúng dù không xâm phạm tính mạng nạn nhân nhưng mức độ rất nghiêm trọng và trên thực tế thì Tòa án cũng đã tuyên tử hình với Trúc. Vì thế, hành vi cướp tài sản rất nguy hiểm nên cần phải có mức răn đe tương xứng. Ngoài ra, việc giữ mức án tử hình cũng là “liều thuốc” đủ mạnh để phòng ngừa sự manh động đang có xu hướng ngày càng gia tăng của một số thanh niên.


Hùng Anh (Sinh viên Trường Đại học Nha Trang)