03:10, 20/10/2013

Thách đố và ngộ nhận

Phiên xét xử sơ thẩm tội hiếp dâm trẻ em vừa diễn ra sẽ là phiên tòa ảm đạm nếu người dự không nghe lời khai của bố mẹ người bị hại. Thì ra, bị cáo Phan Văn Dũng (Diên Khánh, Khánh Hòa) là anh em con chú, con bác với cha bị hại.

Phiên xét xử sơ thẩm tội hiếp dâm trẻ em vừa diễn ra sẽ là phiên tòa ảm đạm nếu người dự không nghe lời khai của bố mẹ người bị hại. Thì ra, bị cáo Phan Văn Dũng (Diên Khánh, Khánh Hòa) là anh em con chú, con bác với cha bị hại. Mẹ bị hại giãi bày: “Khi sự việc xảy ra, tôi tới gia đình bên đó nói chuyện phải trái, nhưng đã không bồi thường, họ còn nói con tôi bị té mà lại đổ vấy cho con họ và thách đố tôi”. Cha bị hại nói thêm: “Tôi chỉ muốn dàn hòa vì nghĩ hai gia đình có họ hàng. Nhưng mẹ Dũng thách thức: “Mày muốn thì kiện đi, tao theo hầu, tao thắng chứ mày không thắng đâu!”. Hàng xóm nghe sơ sơ, cũng cho là gia đình bị hại “dựng chuyện”. Không thể chịu oan, hai vợ chồng đã tố cáo. Chưa từng tới chốn công đường, cũng gần như mù tịt về pháp luật, nhưng người cha bị hại vẫn nói được những lời nhân văn: “Giờ Tòa đã làm rõ mười mươi. Nhưng dù sao Dũng cũng là anh em con chú bác với tôi, mong Tòa xem xét giảm nhẹ cho em nó!”. 14 năm tù dành cho Dũng đủ khiến bà mẹ ngộ ra con mình đã sai, nhưng bà còn sai hơn khi thách đố người khác!


Một phiên tòa khác, phiên xử đòi tài sản diễn ra tại Tòa án nhân dân tỉnh ít ngày sau đó cũng bắt đầu với vẻ đĩnh đạc, tự tin của bị đơn. Lần này, ông Tính tiếp tục bị kiện vì mượn danh “luật sư” để tạo niềm tin, khiến ông Lê ủy quyền cho ông tham gia tố tụng trong vụ án đòi lại tài sản (năm 2008). Tài sản đòi chưa thấy, nhưng “thân chủ” đã phải chuyển cho ông này 1.950 USD, 1.500 Euro và 73 triệu đồng. Sau khi phát hiện sự thật, ông Lê đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền.


Khá tự tin, ông Tính phân bua, ông chưa bao giờ nói mình là luật sư, hợp đồng cũng không thể hiện điều này. Tuy thừa nhận có lấy tổng số tiền như ông Lê nói, nhưng ông Tính cho rằng đó không phải tiền vay mượn nên nhất quyết không trả! Chẳng những vậy, ông còn yêu cầu ông Lê hoàn trả tiền tạm ứng án phí và vé máy bay trị giá 1.233,3 USD. Ông cũng yêu cầu Tòa bác yêu cầu khởi kiện của ông Lê vì không có hợp đồng vay mượn, buộc ông Lê phải thực hiện đúng văn bản đã thỏa thuận và giấy ủy quyền.


Nhưng ông Lê cho rằng ông không có thư, điện mời hay cam kết mời ông Tính sang Phần Lan xác minh nên ông không có trách nhiệm hoàn trả. Vị chủ tọa, chính là người đang thụ lý giải quyết vụ án đòi lại tài sản của ông Lê khẳng định, không có cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nào yêu cầu ông Tính phải sang Phần Lan lấy lời khai hay xác minh đối tượng liên quan. Tờ cam kết viết tay của ông Lê cho ông Tính được toàn quyền sở hữu một căn nhà ở Nha Trang mà ông Tính đưa ra cũng không được Tòa chấp nhận bởi căn nhà chưa thuộc sở hữu của ông Lê. Chỉ có ông Lê là té ngửa khi biết đây chính là tờ giấy trắng mà ông đã ký khống và chuyển về theo yêu cầu của ông Tính để làm bản khai nộp cho Tòa trong vụ án đòi nhà. Việc ông Lê đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền với ông Tính cũng không trái luật, Tòa án đã thông báo tới ông Tính nên không có cơ sở buộc ông Lê phải tiếp tục thực hiện hợp đồng ủy quyền.


Hơn một lần khiến người khác tin mình là luật sư, quen biết rộng, rành pháp luật nên nhờ cậy, lần này, ông Tính lại bị Tòa buộc trả 68 triệu đồng (đã cấn trừ tiền tạm ứng án phí trong vụ án của ông Lê), 1.950 USD và 1.500 Euro cho ông Lê. Không hiểu đến khi nào, “thầy cãi” này mới thôi ngộ nhận để tránh bị thua kiện?


TAM THUẬT


* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi