20:30, 03/04/2024

Bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ

HẢI LĂNG

Cùng với các hoạt động tuyên truyền, tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp khai thác thủy sản theo cách hủy diệt ở vùng biển ven bờ…, việc huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng ngư dân tham gia thả con giống hàng năm cũng góp phần không nhỏ chung tay tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Đã thả hàng chục triệu con giống thủy sản 

Sáng 1-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển Khánh Hòa nông thôn phối hợp với UBND huyện Vạn Ninh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nghề cá tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Thủy sản tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào (huyện Vạn Ninh). Tại đây, gần 2,5 triệu con giống thủy sản các loại, gồm: 1,2 triệu con tôm sú; gần 1,3 triệu con ngao 2 cồi và ốc hương; 25.000 con cá biển (cá mú, cá cam, cá chim vây vàng, cá bớp, cá hồng mỹ, cá chẽm) đã được thả xuống vùng lõi khu bảo vệ hệ sinh thái biển này. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, hoạt động tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được thực hiện tại Rạn Trào.

Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực biển Rạn Trào.
Thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực biển Rạn Trào.

Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, liên tục từ năm 1992 đến nay, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp và ngư dân tiến hành nhiều đợt thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào dịp Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1-4). Hàng chục triệu con giống các loài thủy sản đã được thả xuống để tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các vùng đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này còn góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng, ngư dân về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ đa dạng sinh học…

Liên tục những năm gần đây, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ, trong đó có khu vực vịnh Nha Trang được nhiều đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng, nhất là vào các kỳ Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa. Hoạt động này có sự chung tay của các đơn vị, doanh nghiệp như: Ban Quản lý vịnh Nha Trang, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Vega City… góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản trong vịnh.

Bảo vệ nguồn lợi ven bờ

Trước đây, các khu vực đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh có nguồn lợi thủy sản rất phong phú. Tuy nhiên, do khai thác quá mức (cao điểm đội tàu hoạt động vùng ven bờ lên đến hơn 5.530 chiếc); người dân sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt (như: Đăng đáy, giã cào...) nên nguồn lợi thủy sản suy giảm nhanh chóng, ở mức báo động. Chính vì vậy, song song với các hoạt động thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhiều giải pháp bảo vệ khác cũng đã được triển khai, trong đó có việc huy động cộng đồng ngư dân ven biển tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Ông Huỳnh Ngọc Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng kiêm Trưởng Ban đại diện Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Rạn Trào cho biết: Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào có tổng diện tích 89ha, là nơi có hệ sinh thái biển đặc trưng, hệ động - thực vật phong phú, đa dạng và độ phủ san hô khá cao so với nhiều khu vực khác trong vịnh Vân Phong. Số loài thủy sinh phát hiện ở khu vực Rạn Trào chiếm hơn 50% tổng số loài ở vịnh Vân Phong. Vì vậy, trước đây, khu vực này bị các đối tượng sử dụng nghề cấm để khai thác thủy sản theo cách tận diệt. Từ khi Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào được thành lập, Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Rạn Trào đi vào hoạt động, khu vực Rạn Trào đã được chính cộng đồng ngư dân chung tay bảo vệ. Hệ sinh thái khu vực này đang phát triển tốt; các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản tại vùng lõi đã chấm dứt; các nghề lặn, lờ dây, giã cào tại vùng đệm cũng không còn.

Theo ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản ven bờ ở các địa phương trong tỉnh đã có nhiều kết quả tích cực. Cụ thể như số lượng tàu khai thác giảm từ hơn 5.530 chiếc xuống còn 1.810 chiếc; nhận thức của ngư dân được nâng lên, hoạt động khai thác bằng nghề cấm, trong vùng cấm đã giảm mạnh, nhiều người chuyển đổi nghề sang nuôi trồng thủy sản; 15 tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ tại các địa phương ven biển được thành lập, phát huy hiệu quả; nguồn lợi thủy sản ở nhiều khu vực phục hồi tốt như ở Rạn Trào hay khu vực Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa)…; đời sống ngư dân vùng ven bờ cũng được cải thiện.

HẢI LĂNG