11:10, 06/10/2021

Định hướng phát triển nông nghiệp

Cùng với nâng cao chất lượng, thúc đẩy chế biến, việc chăm lo cho đầu ra ổn định, bền vững cho nông sản là định hướng chính trong kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, nhất là ở lĩnh vực trồng trọt.

Cùng với nâng cao chất lượng, thúc đẩy chế biến, việc chăm lo cho đầu ra ổn định, bền vững cho nông sản là định hướng chính trong kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, nhất là ở lĩnh vực trồng trọt.


Tiêu thụ nông sản gặp khó


Ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 8.600ha xoài, chủ yếu tập trung ở huyện Cam Lâm. Trong đó, gần 7.000ha đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm. Hàng năm, xoài Khánh Hòa hầu như chỉ bán trái tươi nên khi vào chính vụ thu hoạch thường bị rớt giá. Vụ xoài năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người trồng xoài thua lỗ vì không tiêu thụ được; mưa trái mùa làm nhiều diện tích xoài chưa kịp thu hái đã bị nứt trái, hư hỏng…

 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi với người dân Ninh Hòa về chuyển đổi cây trồng (ảnh chụp tháng 3-2021).

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi với người dân Ninh Hòa về chuyển đổi cây trồng (ảnh chụp tháng 3-2021).


Đối với bưởi da xanh, toàn tỉnh có hơn 1.400ha, chủ yếu tập trung ở huyện Khánh Vĩnh, trong đó gần 450ha cho thu hoạch. Thời gian gần đây, giá bưởi có xu hướng giảm, đầu ra khó khăn hơn, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do phụ thuộc lớn vào các tiểu thương, diện tích bưởi đạt chuẩn VietGAP chưa đáng kể. Tương tự, hơn 1.860ha sầu riêng với khoảng 780ha đang cho thu hoạch, sản lượng hơn 6.200 tấn/năm cũng thường xuyên đối diện với nỗi lo được mùa mất giá và bấp bênh đầu ra khi mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa thực sự chặt chẽ.


Đối với cây hàng năm, điều đáng ghi nhận là phần lớn diện tích lúa của Khánh Hòa đã được áp dụng máy móc ở hầu hết các công đoạn sản xuất, đầu ra sản phẩm khá ổn định. Tuy vậy, diện tích lúa trong tỉnh không nhiều nên không phải là nguồn thu nhập chính cho các hộ nông dân. Diện tích trồng tỏi tại Khánh Hòa có 538ha, sản lượng gần 2.600 tấn/năm. Sau một thời gian phát triển nóng, đầu ra của tỏi Khánh Hòa gặp khó khăn, mất giá trong vụ thu hoạch vừa qua. Trong khi đó, hơn 10.000ha mía đường đang kém hiệu quả so với các cây trồng khác, nhất là trong điều kiện hầu hết diện tích trồng mía đều chưa chủ động được nước tưới…


Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết


Trong Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh ban hành, nhiệm vụ chính của ngành trong 10 năm tới là phải nâng cao hơn nữa giá trị nông sản để nông dân không còn nỗi lo thường trực về bấp bênh đầu ra, giá cả.


Ở lĩnh vực cây trồng, sẽ hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, thâm canh đối với cây lúa. Trong đó, đặc biệt là sản xuất lúa giống chất lượng cao ở huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa. Với rau màu, ngoài việc trồng rau cung cấp cho các chợ truyền thống, trong giai đoạn tới, định hướng mở rộng hơn nữa các mô hình sản xuất rau sạch, an toàn, đạt chuẩn VietGAP… để phục vụ cho các khu đô thị, khu du lịch, siêu thị, nhà hàng... Đây là những thị trường đòi hỏi rau chất lượng cao, qua đó sẽ mang lại giá trị cao nhằm đảm bảo gia tăng thu nhập cho người trồng rau.


Với cây ăn quả, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ phát triển lên khoảng 10.000ha xoài. Trao đổi về nội dung này, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Những diện tích đất lúa 1 vụ, đất trồng mì, mía kém hiệu quả được khuyến khích chuyển sang trồng xoài với vùng trồng tập trung tại Cam Lâm và Cam Ranh. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hình thành các cơ sở sơ chế, tiêu thụ, chế biến xoài sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong giai đoạn này. Tương tự, diện tích sầu riêng được định hướng nâng lên 2.000ha, chủ yếu ở Khánh Sơn và khoảng 1.500ha bưởi da xanh, chủ yếu ở Khánh Vĩnh sẽ được tập trung xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ… nhằm ổn định hơn nữa đầu ra của loại nông sản có giá trị kinh tế cao này”.


Đối với cây công nghiệp ngắn ngày, sẽ đầu tư vùng mía đường tập trung, thâm canh cao ở thị xã Ninh Hòa với diện tích khoảng 7.000ha. Các công trình thủy lợi phục vụ tưới mía sẽ được đầu tư để đạt mục tiêu đến năm 2030, có hơn 1.000ha mía đường bảo đảm được nước tưới từ hệ thống thủy lợi.


Để triển khai kế hoạch này, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì; đồng thời cũng chủ trì trong việc tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế đặc thù để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.


HỒNG ĐĂNG