10:09, 10/09/2018

Tiềm năng, lợi thế của khu vực Bắc Vân Phong

Khu vực Bắc Vân Phong nằm ở vị trí cực Đông trên đất liền của Việt Nam, gần ngã ba các tuyến hàng hải quan trọng như: châu Âu - Bắc Á, châu Úc - Đông Bắc Á, và Đông Nam Á - Đông Bắc Á; là cửa mở hướng ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả bán đảo Đông Dương nói chung đối với hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây.

Vị trí địa lý, chiến lược về kinh tế:


Khu vực Bắc Vân Phong nằm ở vị trí cực Đông trên đất liền của Việt Nam, gần ngã ba các tuyến hàng hải quan trọng như: châu Âu - Bắc Á, châu Úc - Đông Bắc Á, và Đông Nam Á - Đông Bắc Á; là cửa mở hướng ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả bán đảo Đông Dương nói chung đối với hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây. Nằm ở khu vực tâm điểm tỏa đến hầu hết các trung tâm kinh tế lớn của khu vực; là điểm hội tụ của các cảng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ vịnh Vân Phong vượt Thái Bình Dương là ngắn nhất và thuận lợi hơn so với nhiều quốc gia khác. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1353/QĐ-TTg, ngày 23-9-2008 xác định sẽ xây dựng Khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hòa trở thành cửa mở hướng ra biển và theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam.


Khả năng sẵn sàng, kết nối hạ tầng kỹ thuật quốc gia và quốc tế:


Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đã được quy hoạch), đường sắt Bắc - Nam chạy xuyên suốt qua khu vực; Quốc lộ 26 kết nối vùng Tây Nguyên thuận lợi hơn so với nhiều địa phương khác. Kết nối giao thông với sân bay Tuy Hòa, Phú Yên qua hầm Đèo Cả với khoảng cách hợp lý khoảng 35km. Có cảng biển tổng hợp Bắc Vân Phong có thể kết nối vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường biển cả trong nội địa và quốc tế; các điều kiện hạ tầng khác như: cấp nước, cấp điện, viễn thông, hạ tầng khu tái định cư đã sẵn sàng.


Ngoài ra, khu vực Bắc Vân Phong nhiều vùng có mật độ dân số thấp, nhiều đất trống chưa xây dựng nên rất thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng và triển khai các dự án có quy mô lớn.


Lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu để phát triển ngành kinh tế biển; dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao:


Vịnh Vân Phong có diện tích lớn khoảng 46.000ha, độ sâu trung bình từ 20 đến 30m, tương đối kín và chắn gió tốt, thuận lợi để phát triển cảng biển quốc tế và các dịch vụ hậu cần cảng. Địa hình phong phú, hệ sinh thái đa dạng; các đảo, bán đảo có cảnh quan đẹp và hấp dẫn, ít chịu ảnh hưởng của bão do được các dãy núi và các đảo che chắn nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành các khu du lịch, đô thị biển có tầm cỡ quốc tế. Đặc biệt, khu vực này có một số nơi có địa hình tương đối biệt lập như: bán đảo Hòn Gốm, đảo Hòn Lớn, đảo Điệp Sơn,… để tổ chức triển khai các dự án có quy mô lớn như: casino, khu nghỉ dưỡng,… Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khu vực vịnh Vân Phong nói chung và khu vực Bắc Vân Phong nói riêng là nơi có tài nguyên du lịch biển độc đáo cả về cảnh quan và môi trường, một vị trí lý tưởng về du lịch, ít nơi nào ở Việt Nam có được.


Ngoài ra, với lợi thế kết nối giao thông với khu vực và quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho việc kết nối các tour - tuyến điểm du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại đây. Diện tích quỹ đất còn rộng, ít bị chia cắt, thuận lợi cho việc đầu tư các khu vui chơi giải trí, mua sắm, thể thao và các công trình công cộng để phục vụ du khách và người dân tại địa phương.


Vị trí khu vực Bắc Vân Phong đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tổ chức khảo sát và đánh giá cao khả năng hội đủ các điều kiện lý tưởng về vị trí địa lý để xây dựng và phát triển một đặc khu kinh tế và đã đề xuất xây dựng mô hình đặc khu tại đây từ năm 2012.


P.V (Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)