10:05, 31/05/2017

Giải quyết nhiều vướng mắc của doanh nghiệp

Ngày 31-5, các ông: Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2017. 

Ngày 31-5, các ông: Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) lần thứ nhất năm 2017. Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến thẳng thắn nêu ra những bất cập, vướng mắc của các DN, nhất là trong lĩnh vực thuế.

Nóng vấn đề thuế


Ông Lê Văn Viên - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn quản lý DN đã làm “nóng” hội nghị với việc phản ánh nhiều bất cập trong công tác quản lý thuế. Mỗi năm, công ty cung cấp dịch vụ cho hơn 1.000 DN nên có thể coi những vướng mắc, bức xúc mà công ty nêu là đại diện cho số đông DN trên địa bàn tỉnh. Theo ông Viên, ở Nha Trang hiện nay có rất nhiều công ty làm dịch vụ kế toán chui, trốn thuế… Vấn đề giải thể DN cũng có nhiều vướng mắc. Khi DN đăng ký giải thể, Sở Kế hoạch - Đầu tư chỉ cần xác nhận không còn nợ thuế là cho giải thể trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh không cắt mã số thuế ngay khiến DN gặp nhiều rắc rối phát sinh. Bên cạnh đó, quy định mỗi năm một DN chỉ bị kiểm tra một lần, mỗi lần không quá 5 ngày, nhưng cán bộ thuế không kiểm tra 5 ngày liên tục mà kéo dài cả tháng. “Nhiều DN bức xúc vì có ngày cán bộ thuế đến vài tiếng, rồi cả tuần sau mới đến lại khiến đợt kiểm tra kéo dài cả tháng hoặc 2 tháng. Có DN còn bị cán bộ thuế mượn hồ sơ về nghiên cứu cả tháng sau mới trả”, ông Viên đặt vấn đề.

 

Giải đáp vấn đề này, ông Trần Sỹ Quân - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng, hiện nay ở Nha Trang, các công ty dịch vụ kế toán triển khai tràn lan, trong đó có nhiều đơn vị không có giấy phép. Ngành Thuế không quản lý được các đơn vị không đăng ký mà làm dịch vụ kế toán. Ông Lê Đức Vinh cắt lời: “Ông là cơ quan quản lý thuế, họ là các đối tượng trốn thuế, vậy ông phải xử lý thế nào?”. Đáp lại, ông Quân đề nghị ông Viên chỉ thẳng tên đơn vị nào trốn thuế? “Cục Thuế tỉnh nói thế là không được. Họ chỉ phản ánh có tình trạng, sao lại bắt họ chỉ rõ ông A, ông B trốn thuế? Trách nhiệm của Cục Thuế tỉnh là phải rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng trên”, ông Lê Đức Vinh chỉ đạo.  

 

Đồng chí Lê Đức Vinh phát biểu tại hội nghị.

Ông Lê Đức Vinh phát biểu tại hội nghị

 

Cũng về vấn đề thuế, ông Lê Bền - Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín cho biết, do không đủ nguyên liệu tự trồng để sản xuất rong nho nên công ty ông có mua nguyên liệu của người dân để phục vụ sản xuất. Theo quy định thì việc tự trồng hay mua nguyên liệu từ người dân đều không phải tính thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã kiểm tra và truy thu thuế đối với số lượng nguyên liệu công ty mua từ người dân. Công ty vẫn đóng đầy đủ, nhưng sau đó có làm văn bản kiến nghị. Chi cục Thuế TP. Nha Trang có văn bản trả lời là nguyên liệu công ty mua từ người dân không bị tính thuế, nhưng chưa hoàn trả thuế cho công ty. Trả lời vấn đề này, ông Quân cho biết sẽ chỉ đạo ngay Chi cục Thuế TP. Nha Trang hoàn trả thuế đã thu không đúng quy định cho Công ty TNHH Trí Tín.

 

Ông Lê Bền phản ánh bất cập trong thu thuế

Ông Lê Bền phản ánh bất cập trong thu thuế

 

Chuyện di dời cơ sở sản xuất nước mắm


Quy hoạch tập trung làng nghề sản xuất nước mắm là vấn đề khá cũ nhưng tiếp tục được nêu tại hội nghị lần này. Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, hiện nay, Khánh Hòa vẫn chưa có một khu quy hoạch cho làng nghề sản xuất nước mắm. Công ty Thủy sản 584 đang phát triển rất tốt nhưng lại gặp khó khăn về mặt bằng để mở rộng sản xuất. Công ty phải đầu tư tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận). Trong tương lai, công ty vẫn muốn tập trung đầu tư tại Nha Trang.

Ông Diệp cho biết: “Tôi có nghe tỉnh quy hoạch làng nghề nước mắm tại xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh. Khu vực này xa khu dân cư, xa vùng nguyên liệu, không phù hợp để phát triển. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 68 về quản lý và phát triển cụm công nghiệp, trong đó có nhiều ưu đãi. Tôi nghĩ tỉnh áp dụng nghị định này sẽ giải quyết được vấn đề xây dựng cụm công nghiệp cho làng nghề nước mắm”.

 

Trả lời vấn đề này, ông Trần Sơn Hải khẳng định, đây là một bài toàn khó, bởi nước mắm gây ô nhiễm về mùi không thể giải quyết triệt để, gây xung đột với những ngành nghề khác. Trong khi đó rất khó để xây dựng một cụm công nghiệp riêng cho các cơ sở sản xuất nước mắm. “Hiện nay, một cụm công nghiệp rộng khoảng 50ha, vốn đầu tư ít nhất là 150 tỷ đồng. Hiệp hội Nước mắm Nha Trang có đảm bảo là xây xong cụm công nghiệp thì các nhà máy sản xuất vào lấp đầy không? Tỉnh không thể bỏ ra số tiền lớn như thế rồi lại ngồi chờ các nhà máy vào”, ông Hải phân tích.


Ông Lê Đức Vinh cho biết, hiện nay, tỉnh đang thực hiện giải quyết di dời các cơ sở giết mổ heo gây ô nhiễm trong nội thành Nha Trang ra khỏi trung tâm thành phố. Sau đó, các cơ sở sản xuất nước mắm trong nội thành cũng phải di dời. Tỉnh sẽ tìm quỹ đất thích hợp và tổ chức họp bàn với Hiệp hội Nước mắm để đưa ra phương án cũng như lộ trình di dời thích hợp nhất. Trước ngày 30-6, Sở Tài nguyên - Môi trường phải có báo cáo cho tỉnh về vấn đề này.


Phải coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ


Tại hội nghị, bà Lê Thị Kim Hiền - Trưởng phòng Kế toán Công ty TNHH Steinsvik (Khu công nghiệp Suối Dầu) cho biết, hiện nay, công ty đang bị VCCI Khánh Hòa làm khó nhiều thủ tục về giấy chứng nhận xuất xứ (CO). Cụ thể, về số lượng mặt hàng đăng ký trên CO, VCCI Khánh Hòa yêu cầu DN không được đăng ký quá 3 mã sản phẩm trên một tờ khai xuất. Nếu tờ khai xuất có 8 mã thì phải tách làm 3 tờ, trong khi công ty làm việc với VCCI Hà Nội và VCCI TP. Hồ Chí Minh thì được biết không có quy định nào bắt buộc như thế. Bên cạnh đó, Sở Công Thương không yêu cầu cung cấp tờ khai nhập gốc xin CO nhưng VCCI Khánh Hòa lại yêu cầu cả bản sao và bản gốc để đối chiếu. Đây là yêu cầu vô lý vì tất cả các tờ khai đều được quản lý chung trên một hệ thống của hải quan.

 

Tình hình sản xuất tại Công ty TNHH Steinsvik

Tình hình sản xuất tại Công ty TNHH Steinsvik


Vấn đề này, bà Đặng Thị Thu Nguyệt - Trưởng VCCI Khánh Hòa cho rằng, bộ khai CO của Công ty TNHH Steinsvik quá phức tạp, nhiều nội dung khiến cán bộ chuyên môn của VCCI Khánh Hòa lúng túng. Bên cạnh đó, do VCCI Khánh Hòa chưa liên thông hải quan điện tử nên cán bộ chuyên môn cần đối chiếu và quản lý bằng bản giấy.


Ông Lê Đức Vinh cho rằng: “Không liên thông hải quan điện tử được là do nội bộ VCCI, chứ không phải lỗi của DN. Mình làm mấy thủ tục hồ sơ mà than khó, phức tạp, trong khi DN họ phải làm trăm công nghìn việc để tạo ra sản phẩm cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động. Tôi đề nghị VCCI Khánh Hòa tiếp thu ý kiến và có biện pháp khắc phục”.  


Kết luận buổi đối thoại, ông Lê Đức Vinh yêu cầu các sở, ban, ngành tiếp thu và khẩn trương giải quyết các kiến nghị, phản ánh của DN, nhất là trong lĩnh vực thuế. Theo ông Lê Đức Vinh, tổ chức đối thoại thì phải giải quyết các vấn đề cụ thể mà DN đưa ra, theo dõi kết quả giải quyết; đồng thời coi DN là khách hàng, là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý.  


VĂN KỲ

 

Ông Lê Văn Viên Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn quản lý DN: Sở Kế hoạch - Đầu tư có tình trạng cán bộ, chuyên viên nhận làm thủ tục cho DN và nhận tiền chui.

___________________________________


Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư: Tôi không hiểu DN nói cán bộ, chuyên viên làm dịch vụ, thu tiền riêng là như thế nào? Ở Sở Kế hoạch - Đầu tư, việc cán bộ, chuyên viên hướng dẫn thủ tục cho DN là nhiệm vụ.

_____________________________________


Ông Lê Đức Vinh: Phản ánh của DN có nghĩa là nhận tiền riêng để giải quyết thủ tục cho nhanh đó. Có thì DN mới phản ánh. Sở Kế hoạch - Đầu tư nên tiếp thu và khẩn trương rà soát, xử lý tình trạng tiêu cực này.