11:04, 24/04/2008

Thiếu phương tiện vận chuyển mía

Những người dân Ninh Tân cũng đang có tâm trạng “nóng như lửa đốt” khi hàng trăm tấn mía đã chặt từ nhiều ngày nay chưa được vận chuyển đang chất đống và quắt queo đầy đường...

Sau 1 tuần bị cháy, mía của hộ ông Lê Đình Sơn vẫn nằm nguyên trên rẫy.

Đã một tuần nay, gia đình ông Lê Đình Sơn (xã Ninh Tân) như ngồi trên đống lửa vì 2 ha mía cháy đã chặt phơi trên rẫy dưới cái nắng thiêu đốt của mùa hè mà không có xe vận chuyển. Những người dân Ninh Tân cũng đang có tâm trạng “nóng như lửa đốt” khi hàng trăm tấn mía đã chặt từ nhiều ngày nay chưa được vận chuyển đang chất đống và quắt queo đầy đường.

° QUẮT QUAY VÌ MÍA

Ngày 21-4, chúng tôi có mặt tại xã Ninh Tân (Ninh Hòa) khi người dân trong vùng đang cuống lên vì mía. 1 tuần sau khi 2 ha mía bị cháy, gia đình ông Lê Đình Sơn đã tìm đủ mọi cách để xin xe nhưng không ai chịu chở. Những vụ trước, xe tải vẫn vào tận ruộng chở mía, nay lại chê dơ và xa! Điện thoại đến Nhà máy (NM) Đường Khánh Hòa xin xe nhưng NM cứ hẹn lần hẹn lữa. Đến sáng nay, chịu hết nổi, ông Sơn phải vào tận NM năn nỉ xin xe, còn vợ ông từ mờ sáng đã trực đón xe đến tận 1 giờ trưa nhưng chẳng được. Theo hợp đồng với NM, trường hợp mía của bên B (hộ trồng mía) rủi ro bị cháy trong thời gian NM đường của bên A (NM Đường Khánh Hòa) hoạt động, bên A sẽ tạo điều kiện để ưu tiên tiếp nhận số lượng mía cháy của bên B trước. Giá mía cháy được bên A thanh toán theo khung giá: Mía cháy được nhập về trước 48 giờ sau khi cháy: Bên A trừ 6% tổng giá trị thực nhập của từng chuyến xe mía; lần lượt từ 48 đến 72 giờ sau khi cháy: trừ 10%, từ 72 đến 96 giờ sau khi cháy: trừ 15%, từ 96 đến 120 giờ sau khi cháy: trừ 20%. Mía cháy nhập về NM của bên A sau 72 giờ thì không được bên A bảo hiểm giá mua tối thiểu như mía không cháy và chỉ thanh toán theo chữ đường thực tế nhân với giá mua tại thời điểm mua, sau đó trừ phần trăm chất lượng mía cháy như đã nêu trên. Từng ngày qua đi, nhìn những đống mía cháy đã chặt, vợ chồng ông Sơn thêm khô héo. “Đã 1 tuần mà mía cháy vẫn nằm đấy. Giờ nếu chở mía vô NM cũng còn gì nữa đâu” - vợ ông Sơn nói như khóc.

Dọc theo Tỉnh lộ 5, đoạn chạy qua xã Ninh Tân, mía chất thành từng đống, được chống nắng bằng đủ loại cây cỏ. Những cành dừa, lá cây dùng để che cũng đã khô lại dưới cái nắng gay gắt. Những cây mía cứ khô héo dần, quắt queo như ruột gan người dân vùng mía. Ít cũng 1 tuần, nhiều đến hơn 20 ngày, hàng trăm tấn mía của người dân Ninh Tân đã chặt không kịp vận chuyển đang khô lại. Nhiều hộ dân bất lực nhìn mía phơi như củi dưới trời nắng. Theo ông Nguyễn Sĩ Liễm, Chủ tịch UBND xã Ninh Tân, khoảng 50 xe mía đã tập kết ra mặt đường, chưa kể chừng ấy xe mía còn nằm trên rẫy. Trước đây, NM chủ động trong việc điều xe nhưng hiện nay, xe vận tải rất ít và chuyên chở lộn xộn, không theo lịch. Mía chặt rồi nhưng không có xe vận chuyển nên ứ lại nhiều ngày. Hàng trăm tấn mía tươi biến thành… mía khô khiến người dân rất bức xúc.

Vụ này, anh Đặng Văn Phúc (thôn Trung, Ninh Tân) hợp đồng bán cho NM Đường Khánh Hòa toàn bộ số mía trồng trên diện tích 1,96 ha. Anh Phúc cho biết đã thu hoạch được 3 xe, khối lượng khoảng 30 tấn. Hiện anh còn 2 xe, khối lượng khoảng 20 tấn đã chặt theo lịch của NM vẫn nằm khô trên rẫy từ nhiều ngày nay. Hộ anh Nguyễn Tấn Ngà (thôn Bắc) có lịch chặt mía từ ngày 7-4. 2 xe mía đã chặt vẫn nằm nguyên trên rẫy đến nay. Hộ chị Nguyễn Thị Phượng (thôn Trung) cũng còn hàng chục tấn mía đã chặt từ tuần trước trên rẫy. Lượng mía nhà chị khoảng 200 tấn, trồng tận Suối Cát (Ninh Tân). Cứ tốc độ thu gom mía như hiện nay, chị lo lắng cuối tháng mưa xuống, xe tải không vào được tận rẫy, chị sẽ mất thêm khoản tiền không nhỏ để trung chuyển mía về nơi tập kết. Đây không phải là lo lắng của riêng gia đình chị Phượng. Theo ông Nguyễn Sĩ Liễm, toàn xã có khoảng 1.300 ha mía. Đến cuối tháng 4, dự kiến chỉ thu hoạch được khoảng 500 ha. So với năm trước, tốc độ thu hoạch mía năm nay rất chậm. Cùng kỳ năm trước, lượng mía thu hoạch khoảng 60 - 70% nhưng năm nay ước khoảng 40%. Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thu hoạch mía là lượng xe vận chuyển rất ít. Mía chặt ra rồi nằm đó chờ xe.

° NGƯỜI DÂN PHẢI “CHUNG CHI”?

NM có lịch chặt nhưng lại không có xe để chở mía cho dân khiến nhiều hộ dân rất bất bình. Họ phải xoay xở mọi cách để vận chuyển được mía kể cả việc chung chi cho tài xế. Theo nhiều hộ dân xã Ninh Tân, nóng ruột, họ đã phải chung chi cho tài xế từ 200.000 - 300.000 đồng để được vận chuyển. Trước đây, thấy cánh tài xế khá vất vả, có người tự nguyện bồi dưỡng bao thuốc hay vài chục ngàn để uống nước nhưng nay một số tài xế làm giá thẳng thừng. Họ đòi từ 200.000 - 300.000 đồng/xe.

Vợ chồng anh V.V.L (Ninh Tân) bức xúc: “Xe mía mới đây, chúng tôi năn nỉ chi 200.000 đồng nhưng tài xế không chịu, cuối cùng cũng phải chi 300.000 đồng, thêm 120.000 đồng cho 4 người bốc vác nữa. Ngoài ra, mất thêm 25.000 đồng tiền nước. Như thế, 1 xe đã mất đứt gần 450.000 đồng. Giờ vẫn còn 2 xe mía khô. Nói bồi dưỡng 100.000 đồng mà tài xế còn không chịu, đòi 250.000 đồng gia đình không đồng ý, tài xế liền quay đầu xe đi thẳng”.

Người dân Ninh Tân rất mong có đủ phương tiện vận chuyển mía.

Việc khó khăn về phương tiện vận chuyển khiến người dân phải chung chi cho cánh tài xế không phải là cá biệt. Ông Nguyễn Duy Xuyên, Chủ tịch UBND xã Ninh Sim (Ninh Hòa) cho biết: Mấy ngày nay, xe vận chuyển mía rất thưa thớt, hầu như không có. Vì cần xe vận chuyển, người dân chấp nhận bù thêm từ 200.000 - 500.000 đồng/xe. Cuộc trao đổi của chúng tôi gián đoạn vì ông Xuyên phải liên lạc với một hộ dân đang thu hoạch mía trong xã. Dứt cuộc điện thoại, ông ngán ngẩm cho biết: Người này từ chối tiếp xúc với nhà báo vì đang dẫn tài xế lên rẫy để thỏa thuận giá cả. Nghe đâu đã thỏa thuận 200.000 đồng/xe nhưng tài xế vẫn chưa chịu.

Theo hợp đồng, NM Đường Khánh Hòa mua mía theo phương thức “trên xe tại ruộng”. Nghĩa là bên A sẽ mua mía tại ruộng của bên B nơi xe vận chuyển (xe cơ giới) vào được. Nếu phải trung chuyển thì chi phí trung chuyển bên B chịu. Chi phí bốc xếp mía lên xe bên B chịu. Bên A chịu chi phí vận chuyển mía từ ruộng mía của bên B hoặc từ nơi bên B tập kết mía mà xe tải vào được về nhà máy và bốc dỡ mía xuống xe. Căn cứ lịch thu hoạch tổng thể đã được bên A cấp cho bên B, bên A sẽ cung cấp xe để chở mía cho bên B đúng khớp với lịch thu hoạch, bên A có trách nhiệm vận chuyển hết số lượng mía mà bên B đã thu hoạch theo đúng lịch thu hoạch quy định. Bên A không để mía của bên B chờ lâu quá 48 giờ so với lịch thu hoạch (sau khi đã thu hoạch theo lịch thu hoạch). Nếu bên B đã thu hoạch mía đúng lịch thu hoạch và phải chờ quá 48 giờ mà bên A không vận chuyển được do lỗi bên A là do bên A không có xe vận chuyển thì bên A sẽ bồi thường cho bên B như sau: Trong 4 ngày trễ đầu tiên so với quy định trên (4 ngày trễ này tính sau 48 giờ) thì bồi thường 25 ngàn đồng/tấn cho 1 ngày trễ. Từ ngày trễ thứ 5 so với quy định nêu trên thì bồi thường 40 ngàn đồng/tấn cho 1 ngày trễ.

Đến nay, trễ nhiều ngày nhưng tiến độ vận chuyển của Nhà máy vẫn ì ạch khiến người dân vùng mía điêu đứng và bức xúc. Không dám mơ được Nhà máy bồi thường, người dân vùng mía chỉ mong muốn Nhà máy Đường Khánh Hòa đã có lịch chặt mía thì phải hợp đồng nghiêm túc với các chủ phương tiện vận chuyển để vận chuyển mía cho kịp thời gian, tránh tình trạng ì ạch và lộn xộn như hiện nay. 

KHÁNH NINH