04:04, 24/04/2008

Bắt hải sâm ở đảo Sinh Tồn

Xuống biển bắt hải sâm! Điều tưởng chừng phi lý ấy lại hoàn toàn có thật đối với tôi- người chưa bao giờ đi mò cua bắt ốc! Và điều đó còn diễn ra tại một nơi rất xa...

“Nhìn xem, con bạch tuộc này dài đến nửa mét!”.

Xuống biển bắt hải sâm! Điều tưởng chừng phi lý ấy lại hoàn toàn có thật đối với tôi- người chưa bao giờ đi mò cua bắt ốc! Và điều đó còn diễn ra tại một nơi ở cách xa đất liền hàng trăm hải lý: đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa!

 Giữa biển trời bao la lộng gió, tự nhiên tôi có ao ước được lội xuống mép nước trong xanh của đảo Sinh Tồn một lát để thỏa cảm giác nhúng đôi chân trần của mình xuống nước, một chút thôi cũng được. Đúng lúc tôi đang ao ước được đến bãi san hô quyến rũ thì anh Ngô Xuân Quản, Phó Văn phòng UBND tỉnh, người cùng đi trong chuyến công tác của tỉnh ra quần đảo Trường Sa rủ: “Tối nay có ai đi bắt hải sâm với tôi không?”. Tôi mừng quá, xung phong liền: “Cho em đi với!”.

Khoảng 22 giờ đêm, chúng tôi - tốp 5 người, trong đó có một chiến sĩ của đảo - nai nịt gọn gàng, chân mang giày vải để tránh bị san hô cắt chân, cùng xuất phát tiến ra biển, mang theo đèn pin, xiên sắt, bao tải - đồ nghề do lính đảo trang bị, chuyên dùng cho việc bắt hải sản.

Hải sâm bắt ở đảo Sinh Tồn rất to.

Nói là “tiến ra biển”, kỳ thực, chúng tôi chỉ xuống bãi san hô cách bờ khoảng 50 - 100m. Lúc này, nước biển chỉ ở dưới đầu gối. Biển về đêm mát lạnh. Những chú cá nhỏ bằng ngón tay út cứ vờn bên, khiến đôi chân nhồn nhột. Kẹp bao tải bên nách, tôi cúi xuống, chụm đôi bàn tay, vốc lấy những chú cá đáng yêu. Nhưng không sao bắt được những chú cá tinh nghịch luôn mềm mại uốn lượn thoát khỏi tay tôi. Anh Quản thấy vậy liền nhắc: “Đừng bắt cá nhỏ! Có một chú hải sâm đây này!”. Cả nhóm lập tức xúm lại, cùng reo lên: “Ô, con hải sâm to quá!”. Quả là con hải sâm to thật, ước phải bằng bắp chân! Nó nằm ngay trên bãi san hô bằng phẳng, màu trắng hồng, rất dễ nhận ra. Lội thêm vài bước, tôi lại nghe tiếng gọi của các anh chị trong đoàn: “Mau mang bao tải đến đây, cầu gai nhiều lắm, mấy con liền nè!”. Những con cầu gai to bằng cái chén nằm cạnh những hòn đá san hô, trông thật thích! 2 cái xiên được dịp phát huy hết công suất! Không chỉ có hải sâm, cầu gai, chúng tôi còn bắt được bạch tuộc, ốc nón, thậm chí cả rắn biển, thân nhỏ bằng 1/3, chiều dài bằng 2/3 chiếc đũa. Rắn biển tuy độc nhưng lại là con vật dùng ngâm rượu rất tốt. Tôi có cảm giác như những hải sản này được sống trong môi trường khá lý tưởng, bởi con nào cũng to, tròn. Mải mê bắt hải sản được khoảng 1 giờ, chúng tôi chợt nhận ra nước thủy triều đã lên quá đầu gối. Sản phẩm của biển mà chúng tôi thu hoạch được cũng đã kha khá: nửa bao hải sâm, cầu gai, bạch tuộc, ốc nón. Quá đủ để quay về! Các chiến sĩ trên đảo đã chờ sẵn với mấy chiếc chậu đựng hải sâm và bạch tuộc, số còn lại trút ra nền xi măng.

Niềm vui khi mang “sản phẩm” từ biển về.

Nửa đêm đó, trên đảo Sinh Tồn có một nồi cháo hải sản nóng để ăn khuya. Cháo hải sâm ăn cùng bạch tuộc hấp chấm mắm, tuy không đầy đủ gia vị như trên đất liền, nhưng vẫn ngon tuyệt! Tô cháo ngọt lừ, đậm đà hương vị biển. Râu bạch tuộc vừa dai, vừa ngọt, lại thơm thơm. Ngồi trên đảo giữa đêm thanh vắng, nhâm nhi hải sản cùng chút rượu quả là cái thú của cánh mày râu. Hơn thế, đó là bữa cháo hải sản đầy ấm áp mà chúng tôi được thưởng thức cùng các chiến sĩ, trên một hòn đảo ngoài khơi xa của Tổ quốc, giữa tiếng sóng ì oạp vỗ bờ cùng những cơn gió biển phóng khoáng. Khoảng cách giữa đảo với đất liền dường như ngắn lại rất nhiều. Giờ thì tôi đã hiểu, Trường Sa không chỉ có nắng, gió, có những cây bàng vuông cùng những người lính kiên trung, mà còn có những thú vui nho nhỏ. Thú vui ấy, đất liền khó mà có được! Đêm ở đảo Sinh Tồn ăm ắp kỷ niệm trong hành trang trở về của tôi…

PHƯƠNG TRANG