08:11, 02/11/2020

Tìm hướng phát triển du lịch cộng đồng

Huyện Khánh Vĩnh vừa có báo cáo đề xuất gửi Sở Du lịch Khánh Hòa về chính sách phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

 

Huyện Khánh Vĩnh vừa có báo cáo đề xuất gửi Sở Du lịch Khánh Hòa về chính sách phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng nhưng chưa được khai thác hiệu quả.


Nhiều tiềm năng chưa khai thác


Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, trên địa bàn huyện có nhiều khu vực đồi núi cao, khí hậu nhiệt đới ôn hòa, mát mẻ, không có các hiện tượng thời tiết như: Gió nóng, sương muối; tại những vùng cao hơn, sương mù thường xuất hiện vào sáng sớm, mức độ không dày, tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái. Huyện có các sản phẩm nông sản như: Sầu riêng, chôm chôm, mít nghệ, bưởi da xanh, cam xoàn... là lợi thế trong việc khai thác du lịch tham quan nhà vườn, thưởng thức trái cây. Huyện cũng có điều kiện phát triển các nghề thủ công truyền thống như: Đan lát, thủ công mỹ nghệ, làm nhạc cụ... là điều kiện để hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Nét văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai cũng là lợi thế để huyện phát triển du lịch cộng đồng.

 

Huyện Khánh Vĩnh vừa có báo cáo đề xuất gửi Sở Du lịch về chính sách phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Đánh mã la - một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Vĩnh.


Tuy tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng rất lớn nhưng thời gian qua, huyện chưa khai thác được tiềm năng này; nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chính, đồng bào dân tộc còn nghèo, trình độ dân trí thấp, nhận thức của người dân về du lịch cộng đồng chưa cao. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế; hệ thống giao thông tiếp cận các điểm dự kiến khai thác du lịch chưa thuận lợi; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương còn đơn giản, thô sơ nên thị trường tiêu thụ thấp. Các điểm nhà hàng, điểm dừng chân, điểm bán hàng lưu niệm còn nhỏ lẻ, rời rạc; khu - điểm vui chơi giải trí chưa có. Một số hộ đã hình thành vườn cây ăn quả theo hướng trang trại nhưng việc vận động liên kết tham gia hình thành điểm đến của tour du lịch để phục vụ du khách còn nhiều khó khăn, trở ngại... Cùng với đó, công tác khảo sát, quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ các tài nguyên du lịch chưa được triển khai; trong khi đó, hoạt động khai thác rừng, xâm lấn rừng làm nương rẫy trái phép vẫn diễn ra đã phá vỡ cảnh quan thiên nhiên tại một số điểm du lịch tiềm năng.


Đề xuất các chính sách hỗ trợ


Để từng bước phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, vừa qua, huyện đã có báo cáo đề xuất với Sở Du lịch chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Theo đó, huyện đề xuất hỗ trợ các trang thiết bị ban đầu tại các điểm du lịch đã hình thành sẵn có như: Hỗ trợ 4 bảng chỉ dẫn đến điểm du lịch Suối Lách - Giang Ly; 5 bảng chỉ dẫn đến điểm quy hoạch du lịch Sông Máu - Khánh Thượng; 5 bảng chỉ dẫn và 22 bảng thuyết minh đến nơi dựng Bia di tích cách mạng Hòn Dữ - Khánh Đông; xây dựng 1 nhà dài truyền thống (nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên) của dân tộc Raglai để đón tiếp, trưng bày các hiện vật truyền thống, các hoạt động văn hóa tại thôn Tà Gộc, xã Khánh Thượng. Huyện cũng đề nghị hỗ trợ trang thiết bị ban đầu (ga, màn, gối đệm, tủ đồ, giường...) cho 10 hộ làm du lịch cộng đồng trên địa bàn các xã: Khánh Thượng, Khánh Phú, Liên Sang, Giang Ly.


Để phát triển các sản phẩm du lịch, địa phương đề xuất hỗ trợ 1 bộ âm thanh, ánh sáng tại nhà dài xã Khánh Thượng; 20 bộ trang phục truyền thống Raglai cho đội văn nghệ biểu diễn phục vụ khách du lịch ở nhà dài xã Khánh Thượng với tổng kinh phí 120 triệu đồng; hỗ trợ đội biểu diễn nghệ thuật truyền thống của xã Sơn Thái và Khánh Bình, Khánh Phú mỗi đội 20 bộ trang phục truyền thống và các nhạc cụ dân tộc để biểu diễn với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Cùng với đó, mở các lớp dạy múa hát, đào tạo hình thành đội văn nghệ chuyên nghiệp biểu diễn phục vụ khách du lịch tại nhà dài, lớp dạy đánh mã la cho thanh, thiếu niên, các lớp dạy nghề đan lát thủ công mỹ nghệ (gùi, nỏ, đàn Chapi...).


“Song song đó, huyện đã đề xuất chính sách hỗ trợ xúc tiến các sản phẩm du lịch cộng đồng để nhiều người biết đến như: Biên soạn, in ấn và phát hành cẩm nang du lịch huyện Khánh Vĩnh; sổ tay giới thiệu về văn hóa ẩm thực dân tộc Raglai, xây dựng clip, bản đồ du lịch, ảnh bìa quảng bá giới thiệu về các điểm du lịch, văn hóa và con người Raglai... Từ đó, từng bước phát triển loại hình du lịch cộng đồng, kết hợp gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của huyện”, bà Mến cho biết.


Vĩnh Thành