09:02, 12/02/2016

Về thăm làng đá Phong Phú

Những người thợ ở làng đá Phong Phú (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) dù chưa được học hội họa căn bản, không một ai biết về trường phái gotic hay điêu khắc đương đại... nhưng mỗi tác phẩm từ những bàn tay thô ráp, quê mùa ấy vẫn thấm đẫm chất nghệ thuật.

Những người thợ ở làng đá Phong Phú (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) dù chưa được học hội họa căn bản, không một ai biết về trường phái gotic hay điêu khắc đương đại... nhưng mỗi tác phẩm từ những bàn tay thô ráp, quê mùa ấy vẫn thấm đẫm chất nghệ thuật.

 
Về Ninh Giang, vùng đất nằm bên dòng sông Dinh thơ mộng trong một chiều cuối năm, không khí đã trở nên rộn rã. Ghé thăm làng đá Phong Phú, đi đến đâu cũng nghe tiếng máy cắt, máy mài chạm vào đá thô ráp vang lên chát chúa; xen vào đó là tiếng lách cách khoan thai phát ra từ mũi chạm của người thợ. Tất cả như tạo nên những bản nhạc đa tiết tấu, đa gam điệu.

 

Mỗi tác phẩm là tâm huyết của người thợ làng đá
Mỗi tác phẩm là tâm huyết của người thợ làng đá


Làng đá Phong Phú tuy không nổi tiếng bằng làng đá Non Nước ở Đà Nẵng, nhưng những người thợ ở đây đi đến đâu cũng được trọng dụng. Đặc biệt, những tác phẩm nghệ thuật từ đá đặt ở dọc công viên bờ biển Nha Trang, ở các resort hay những bức phù điêu, tượng đài ở công viên 23 tháng10, tượng bán thân bác sĩ Yersin đặt ở công viên Yersin, phía nam cầu Trần Phú... đều có bàn tay của thợ đá Phong Phú.


Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Song - người có 30 năm tuổi nghề ở làng đá Phong Phú. Ông cũng vừa có tác phẩm “Bộ đèn đá” được nhận giải thưởng hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2015.

 

Để có một trụ đèn hoàn chỉnh, người thợ tốn không ít công sức
Để có một trụ đèn hoàn chỉnh, người thợ tốn không ít công sức


Vừa tiếp chuyện chúng tôi, ông vừa tỉa tót lại bộ trụ đèn giả cổ. Nhìn những đường nét uốn lượn đã hằn trên phiến đá, chúng tôi càng khâm phục sự tài tình, khéo léo và cả tính kiên trì của người thợ đá. Ông Song cho biết, để có được những đường nét, hoa văn độc đáo trên hàng chục khối đá, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn từ phá thô, vẽ, đục, khắc, chạm... Bởi vậy, thợ đá phải là người có tính kiên trì, bền bỉ, có khiếu thẩm mỹ và hơn hết phải có niềm đam mê với nghề.


“Tuy có hơn 30 năm tuổi nghề nhưng tôi chỉ là lớp thợ thứ 3 của làng đá này. Cũng không ít lần định bỏ nghề vì quá vất vả nhưng mỗi khi nghe tiếng đục, tiếng chạm của thợ bạn chân tay lại bứt rứt không yên”, ông Song tâm sự.

 

 


Cùng làm với ông Song còn có 4 thợ đá cùng làng. Ông Trần Văn Ân đã hơn 10 năm làm thợ đá tâm sự: “Khi làm một tác phẩm, người thợ phải đem tất cả tâm huyết của mình đặt vào khối đá. Ngay từ khi chẻ đá, nếu bất cẩn, thiếu tính toán thì coi như mất khối nguyên liệu. Khi tác phẩm thành hình, những đường nét uốn lượn đã hằn trên phiến đá nhưng chỉ cần thiếu tinh tế trong khâu đánh bóng, làm gãy đứt hoa văn coi như tác phẩm làm cả tháng trời bị phế”.


Quả thật, nhìn những họa tiết nổi trên những khối sơn thạch mới thấy hết được sự tài tình của người thợ làng đá. Những đóa cúc trong bức tranh tứ bình nổi lên với chằng chịt gân đá nhưng vẫn mềm mại uyển chuyển nhờ những đường nét sống động. Một cặp nghê đá với những họa tiết cách điệu, song vẫn lột tả hết được thần thái của con vật thiêng...


Đến làng đá Phong Phú, chúng tôi cũng nghe nhắc nhiều đến Nguyễn Khương - một trong những thợ trẻ nhất làng nhưng có tay nghề cao. Tuy không phải con nhà nghề nhưng Khương may mắn có được đôi bàn tay tài hoa khéo léo và đôi mắt tinh tường của người thợ đá. Theo những thợ có thâm niên, Khương là một trong 3 truyền nhân trẻ nhất của làng. Tuy mới 26 tuổi nhưng không có tác phẩm nào là Khương không làm được. Các đường nét điêu khắc tinh xảo như vân phù, phong vũ, đều được anh thể hiện trên phiến đá đầy uyển chuyển. Tuy chưa qua bất cứ trường lớp nào nhưng những chân dung bán thân Phật tổ Như Lai, Quan Thế Âm Bồ Tát hay những tượng danh nhân... đều được Khương thể hiện đầy tinh tế, truyền thần một cách xuất sắc. Bất ngờ hơn, những tác phẩm: “Mẹ bồng con”, “Vọng phu”, “Khát vọng” đều được người thợ trẻ thể hiện bằng trường phái trừu tượng. Có những tác phẩm tuy chỉ là những hình khối đơn giản, những vòng tròn thô mộc nhưng bằng sự khéo léo của Khương, nó đã trở thành những vòng tay của người mẹ, toát lên tình mẫu tử thiêng liêng. Ngoài Khương, làng đá còn có những thợ đá trẻ nổi tiếng khác như Huỳnh Chiếm Say, Trần Văn Công... Tất cả các tác phẩm nghệ thuật do họ làm đều được một số khách hàng đến từ Nhật Bản, Úc, Nga đánh giá rất cao. Các tác phẩm: “Sư tử hí cầu”, “Đại bàng tung cánh”... tất cả đều ẩn chứa tâm huyết, mang dáng dấp và sự đột phá táo bạo trong nghệ thuật của những thợ trẻ làng đá.


Nói về những lớp thợ trẻ của làng, cụ Ba Cang (73 tuổi, lớp thợ đầu tiên ở làng đá Phong Phú) cười đầy mãn nguyện: “Tụi trẻ bây giờ giỏi lắm! Đúng là hậu sinh khả úy. Thời bọn tôi, chỉ biết đục cối, sau đó có đục một số tác phẩm trang trí đình chùa nhưng phần lớn là các họa tiết thô sơ dễ làm. Giờ cánh thợ trẻ của làng làm được tất cả các tác phẩm một cách tinh xảo”. Qua lời kể của cụ Ba Cang, làng đá Phong Phú được hình thành bởi những người thợ cối Quảng Nam. Ban đầu cả làng chỉ có 3 người được truyền nghề. Công việc chỉ đơn giản là làm cối xay. Theo năm tháng, lớp thợ ngày một đông, cả làng giờ nhà nào cũng biết làm nghề. 10 năm trở lại đây, làng chuyển dần sang làm đá mỹ nghệ để phục vụ cho thị trường. Những thợ có tay nghề cao thì đi khắp vùng miền để làm tượng, làm phù điêu. “Đá ở Non Nước vừa mềm vừa dễ làm, còn đá Khánh Hòa rất cứng nên thợ của Ninh Giang đi đến đâu cũng được trọng dụng. Tác phẩm từ đá Phong Phú được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng” - cụ Ba Cang nói với giọng đầy tự hào.


Chia tay làng đá, khi Tết đã cận kề. Cả làng đâu đâu cũng rộn ràng nhịp điệu đá, tiếng đục đẽo vang lên khắp nơi tạo nên những thanh âm rộn ràng trước ngưỡng cửa mùa xuân.


Đình Lâm