07:02, 12/02/2016

Khi đàn voọc trở về

Nhiều lần cất công ra Ninh Vân (Ninh Hòa, Khánh Hòa) để tìm xem đàn voọc chà vá chân đen trên dãy Hòn Hèo, nhưng chưa lần nào tôi được mãn nguyện. Vì thế, lần này tôi lại khoác ba lô lên đường…

Nhiều lần cất công ra Ninh Vân (Ninh Hòa, Khánh Hòa) để tìm xem đàn voọc chà vá chân đen trên dãy Hòn Hèo, nhưng chưa lần nào tôi được mãn nguyện. Vì thế, lần này tôi lại khoác ba lô lên đường…


Tìm voọc trên núi cao


Vầng đông vừa hé, tôi cùng anh Phạm Văn Trung (người dẫn đường) có mặt ở bìa rừng, rồi men theo con đường mòn hướng về thùng (thung lũng nhỏ) Cây Trang, nơi người đi rừng nhiều lần bắt gặp loài voọc chà vá chân đen quý hiếm. Đường đến thùng Cây Trang càng lúc càng khó đi, những bụi gai nhọn kết thành từng mảng, những con dốc dựng đứng như thách thức quyết tâm của chúng tôi. Theo lời kể của anh Trung, khi đi rừng tìm cây cảnh, anh đã từng nhìn thấy đàn voọc lên đến hàng chục con. Anh nói: “Đàn voọc này sinh hoạt có giờ giấc lắm! Khoảng từ 9 -10 giờ sáng chúng chuyền cành đi tìm thức ăn (các loại lá như: ngũ gia bì, lá cóc, trái say...), đến trưa ngủ vắt vẻo trên các cành cây cao, rậm lá rất khó quan sát. Muốn thấy voọc phải đến được thùng Cây Trang khi chúng đi kiếm ăn”.

 

Một góc Hòn Hèo, nơi cư ngụ của voọc chà vá chân đen
Một góc Hòn Hèo, nơi cư ngụ của voọc chà vá chân đen


Hơn 3 giờ đồng hồ vượt rừng, đến được thùng Cây Trang, đôi chân tôi căng cứng, hơi thở phì phò. Chúng tôi ngụy trang và im lặng “mật phục” trên một gộp đá, căng mắt quan sát gần 1 tiếng đồng hồ khắp các sườn núi nhưng không thấy dấu hiệu của voọc chà vá chân đen. Đang uể oải, bất chợt anh Trung bảo: “Tôi thấy có động ở phía bên kia sườn núi. Hình như  đàn voọc đang di chuyển qua mấy tảng đá”. Đảo mắt xung quanh, tôi không thấy voọc mà chỉ thấy mấy con dê hoang đang nhởn nhơ gặm lá bên vách núi.


Hòn Hèo mùa này, những cơn mưa rừng cứ đỏng đảnh, chợt đến, chợt đi. Chờ mãi chẳng thấy, tôi chán nản, định bỏ cuộc thì anh Trung reo lên: “Voọc kìa! Voọc kìa, một đàn luôn!”. Nhìn về phía anh Trung chỉ, tôi tận mắt chứng kiến đàn voọc quý ở Hòn Hèo, với đặc trưng là chiếc đuôi dài, trắng tinh và tứ chi một màu đen tuyền. Thế nhưng, mất cả ngày trời để chỉ nhìn thấy những con voọc bé như con sóc nhảy nhót trên ngọn cây xa tít, tôi không cam lòng. “Có cách nào tiếp cận với chúng không?”, tôi hỏi. Anh Trung bảo tôi kiên nhẫn đợi, ngụy trang thật khéo, thế nào chúng cũng di chuyển từ dưới thung lũng lên phía trên đỉnh núi và sẽ đi qua những cây trang cách chúng tôi chừng hai, ba trăm mét.  

 

Voọc chà vá chân đen đang tìm kiếm thức ăn
Voọc chà vá chân đen đang tìm kiếm thức ăn

 

Và rồi... những con voọc di chuyển lên đỉnh núi Cây Trang một lúc một nhiều, khoảng hơn 50 con. Còn chúng tôi cứ mải mê đuổi theo đàn voọc từ thùng Cây Trang sang thùng Cây Cừa cho đến khi chiều nhạt nắng, những làn gió biển từ đầm Vân thổi vào mát rượi.



“Voọc đã sinh sôi trở lại”


Đêm ở làng chài thôn Đông êm ả, lũ trẻ con chơi trò đuổi bắt trên bãi biển, tiếng sóng vỗ bờ hòa cùng tiếng gió. Trò chuyện với lãnh đạo và người dân xã Ninh Vân, chúng tôi được nghe họ kể nhiều câu chuyện về loài voọc.

 

Voọc chà vá chân đen ở Hòn Hèo
Voọc chà vá chân đen ở Hòn Hèo


Bà Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân chia sẻ: “Ngày xưa, rừng Hòn Hèo có rất nhiều voọc, hàng chục bầy. Chỉ tính riêng bầy voọc sống ở mũi Hòn Cỏ gần làng còn nhiều hơn số dân trong xã”. Từ khi cánh thợ săn lên núi Hòn Hèo lùng bắn voọc về nấu cao thì đàn voọc bị đe dọa dữ dội, số lượng cá thể giảm sút nghiêm trọng. Đàn voọc “biến mất” trong một thời gian dài! Bây giờ đàn voọc đã quay trở lại, ngày một nhiều hơn. Hiện ở Ninh Vân có 5 đàn voọc, 2 đàn ở mũi Đá Chồng - thùng Cây Trang, 2 đàn ở thùng Ba Dao - suối Cát, 1 đàn ở mũi Cỏ, số lượng cá thể mỗi đàn khoảng 50 - 60 con.


Tìm hiểu thêm về voọc chà vá chân đen, tôi lại được nghe câu chuyện thú vị về “ông Tây kiểm lâm” có tên là Syvio Lamarche, người Canada; hiện là chủ của Khu du lịch Jungle Beach (Ninh Tịnh, Ninh Phước, Ninh Hòa), nằm ngay dưới chân Hòn Hèo.


Nhiều lần bắt gặp cánh thợ săn đi đánh bẫy về, mang thú rừng đi ngang nhà, ông Syvio Lamarche đều hỏi mua bằng được và đưa chúng thả lại vào rừng. Năm 2007, chính ông là người đã phát hiện Hòn Hèo là nơi cư ngụ của loài voọc chà vá chân đen có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Ông từng viết thư gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh và không ít lần lên tiếng kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này. Ông cũng từng cùng các chuyên gia thuộc Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng (Hội Động vật Frankfurt - Cộng hòa Liên bang Đức) ở Vườn Quốc gia Cúc Phương tiến hành khảo sát, đánh giá tình trạng của loài voọc chà vá chân đen nhằm tìm cách bảo vệ. Thậm chí, ông từng đề nghị Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cấp đồng phục để tham gia bảo vệ voọc chà vá chân đen.


Cùng với tâm huyết của “ông Tây kiểm lâm” và những người yêu động vật hoang dã, sự vào cuộc của cơ quan chức năng, sự nghiêm minh của pháp luật khi trừng trị những kẻ săn voọc mà đàn voọc ở Hòn Hèo đã trở về và sinh sôi trở lại. Ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Voọc chà vá chân đen (tên khoa học là Pygathrix nigripes) tại Hòn Hèo phân bố chủ yếu ở địa phận 3 xã Ninh Phước, Ninh Vân và Ninh Phú với số lượng hàng trăm cá thể. Đây là loài động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ. Hiện nay, số lượng cá thể và bầy đàn của quần thể voọc chà vá chân đen ngày càng phát triển nhờ được bảo vệ tốt hơn, môi trường sống được cải thiện”.


Trên đường rời Ninh Vân, ngang qua mũi Cỏ, tôi lại may mắn bắt gặp đàn voọc chà vá chân đen. Chúng nhảy nhót trên những cây cóc, cây say để kiếm ăn. Một số người dân Ninh Vân thấy vậy cũng dừng lại xem đàn voọc. Có người thốt lên: “Lâu lắm rồi đàn voọc mới trở về. Hy vọng, đàn voọc quý sẽ phát triển trở lại!”.


H.L