11:07, 18/07/2022

Giữ màu xanh cho núi rừng

Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều điểm nóng về phá rừng. Tình trạng đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích có chiều hướng gia tăng...

Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều điểm nóng về phá rừng. Tình trạng đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích có chiều hướng gia tăng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 23 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích rừng bị thiệt hại hơn 20,2ha; 2 vụ khai thác rừng trái pháp luật, tổng khối lượng gỗ bị khai thác hơn 11,8m3. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm trong tỉnh đã phát hiện 181 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Qua đó, đã khởi tố 10 vụ án hình sự, xử phạt vi phạm hành chính 47 vụ.
 
Để kịp thời xử lý nghiêm, răn đe các đối tượng vi phạm, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng, chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra hiện trường, xác minh, điều tra làm rõ các vụ phá rừng, khai thác rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đặc biệt là các vụ án hình sự trong lĩnh vực lâm nghiệp. UBND tỉnh còn yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
 
Bên cạnh xử lý các vụ việc vi phạm, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các địa phương, đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; xây dựng Dự án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2030 nhằm bổ sung nguồn lực, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với thực tế của địa phương. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là những diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý; kiên quyết thu hồi các dự án lâm nghiệp, diện tích rừng đã giao, cho thuê hoạt động không hiệu quả, chủ rừng không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng, để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.
 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 46,5%. Muốn thực hiện được mục tiêu này, bảo vệ và giữ vững diện tích rừng hiện có, đồng thời triển khai tốt việc trồng rừng thay thế các diện tích rừng đã chuyển mục đích để tăng diện tích rừng trồng phòng hộ, tăng cường trồng mới rừng là những giải pháp quan trọng hàng đầu. 
 
Hy vọng, với những chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, màu xanh của núi rừng trên địa bàn tỉnh luôn bình yên và ngày càng phủ rộng.
 
BÍCH LA