10:04, 06/04/2023

Phát huy tiềm năng, thế mạnh khoáng sản

Để hiện thực hóa khát vọng đến năm 2030 Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều dự án, công trình trọng điểm đã và đang được tỉnh triển khai.

Để hiện thực hóa khát vọng đến năm 2030 Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều dự án, công trình trọng điểm đã và đang được tỉnh triển khai. Theo đó, nhu cầu sử dụng khoáng sản rất lớn. Vì vậy, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh đang nỗ lực để tận dụng thế mạnh về tài nguyên, khai thác có hiệu quả, bền vững cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.


Thời cơ và thách thức


Với lợi thế thiên nhiên ưu đãi cho Khánh Hòa có núi, rừng, biển và nguồn khoáng sản dồi dào. Hiện nay, trên bản đồ địa chất, khoáng sản tỉnh có 6 khu vực khoáng sản do Chính phủ quản lý, gồm: Cát trắng ở huyện Cam Lâm, cát vàng ở Đầm Môn (huyện Vạn Ninh) và đá ốp lát ở các huyện, thành phố: Cam Ranh, Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm; có 108 khu vực khoáng sản do UBND tỉnh quản lý với tổng diện tích 7.825ha, định hướng đến năm 2030 có thêm 12 khu vực với tổng diện tích 1.980ha. Trên địa bàn tỉnh có 1.727 khu vực, vị trí, tuyến cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích hơn 360.322ha, liên quan đến các diện tích đất thuộc khu vực di tích lịch sử - văn hóa, đất rừng, đất quốc phòng, an ninh…

 

Khai thác khoáng sản tại mỏ đá núi Sầm (thị xã Ninh Hòa).

Khai thác khoáng sản tại mỏ đá núi Sầm (thị xã Ninh Hòa).


Trong giai đoạn phát triển mới, Khánh Hòa có nhiều công trình xây dựng hạ tầng giao thông, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế đã và đang được triển khai nên đòi hỏi lượng vật liệu san lấp rất lớn. Ví dụ như các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông với chiều dài dự kiến: Đoạn Chí Thạnh (Phú Yên) - Vân Phong 51km, Vân Phong - Nha Trang 83km, Nha Trang - Cam Lâm 49km, Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận) 101km; tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột khoảng 130km và tuyến Nha Trang - Liên Khương (Lâm Đồng) dự kiến 85km (đầu tư sau năm 2030). Cùng với đó là tổ hợp dịch vụ du lịch, thương mại, vui chơi giải trí tại huyện Cam Lâm quy mô khoảng 2.608ha; dự án khu đô thị sân bay tại huyện Cam Lâm quy mô khoảng 11.336ha; dự án khu đô thị công nghiệp tại huyện Cam Lâm diện tích khoảng 2.905ha…


Theo dự báo của Sở TN-MT, để san lấp và tôn cao nền các khu du lịch, thương mại, công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị, sân bay lên 0,5m thì trong giai đoạn 2021-2030, cần sử dụng khối lượng vật liệu san lấp hơn 110 triệu m3; để làm mới khoảng 500km đường giao thông, rộng 12m, dày 1,5m cần 9 triệu m3 vật liệu san lấp… Như vậy, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh khoảng 360 triệu m3, trung bình mỗi năm cần khoảng 36 triệu m3. Đây là thách thức, nhưng cũng là điều kiện thuận lợi cho ngành khai khoáng của tỉnh có cơ hội phát triển.


Khai thác hiệu quả, bền vững


Theo ông Vũ Chí Hiếu - Phó Giám đốc phụ trách Sở TN-MT tỉnh, để đáp ứng nhu cầu lớn về sử dụng khoáng sản phục vụ cho việc xây dựng, phát triển của tỉnh, trong Quy hoạch khoáng sản tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được bổ sung 10 điểm mỏ đất san lấp trên diện tích 237,9ha, với tài nguyên dự tính cấp 334ha là hơn 10,9 triệu m3. Về cơ bản, tiềm năng và sản lượng khai thác đá xây dựng trên địa bàn tỉnh hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng đến năm 2030. UBND tỉnh đang tiếp tục hoàn thành công tác điều tra, đánh giá làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác và nhu cầu sử dụng trên địa bàn; thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến đến năm 2050 đối với các loại khoáng sản: Đá ốp lát, đất đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Đến năm 2050, tỉnh sẽ chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường; hình thành các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản.

 

Khai thác khoáng sản tại mỏ đá núi Sầm (thị xã Ninh Hòa).

Một mỏ khoáng sản được cấp phép trên địa bàn huyện Diên Khánh.


Hiện nay, phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh do Sở TN-MT tham mưu đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nêu rõ, để bảo vệ, quản lý hoạt động khoáng sản, thu hút đầu tư, thăm dò cần có sự thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản; có chế tài đủ mạnh để kiểm tra, giám sát sau khi đã cấp phép khai thác; rà soát lại các văn bản của tỉnh có liên quan đến công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những văn bản không còn phù hợp và ban hành văn bản mới theo quy định. Những dự án chậm tiến độ, khai thác không có hiệu quả, làm ảnh hưởng đến môi trường, trật tự an toàn xã hội thì không gia hạn giấy phép hoặc thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản.


Sau khi Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở TN-MT sẽ phối hợp với các ban, ngành tham mưu UBND tỉnh khai thác nguồn lực đất đai, khoáng sản để phục vụ bền vững cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.


THÁI THỊNH