00:00, 26/04/2024

Kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Báo Khánh Hòa (26-4-1947 - 26-4-2024)
Báo Khánh Hòa - Hành trình 77 năm 

THÀNH NGUYỄN 

Tháng 4-1947, Báo Thắng (tiền thân của Báo Khánh Hòa) xuất bản số đầu tiên tại chiến khu Hòn Dữ (huyện Khánh Vĩnh), đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng tỉnh. 77 năm qua, nhiều thế hệ phóng viên Báo Khánh Hòa đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, xây dựng tờ báo ngày càng vững mạnh, xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Từ một tờ báo in thủ công, đến nay, Báo Khánh Hòa đã phát triển vượt bậc, trở thành tờ báo đa phương tiện lan tỏa rộng khắp...

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh trao giải tập thể Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh năm 2023 cho Báo Khánh Hòa và các đơn vị báo chí trong tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh trao giải tập thể Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh năm 2023 cho Báo Khánh Hòa và các đơn vị báo chí trong tỉnh.

Từ tờ báo in thủ công

Theo hồi ức của các cán bộ cách mạng lão thành như: Nguyễn Minh Vỹ, Lý Văn Sáu, Võ Văn Sung… được in trong tập “Chúng tôi làm Báo Khánh Hòa”, ngày 26-4-1946, tại hội nghị mở rộng ở thôn Đại Điền Đông (Diên Điền, Diên Khánh), Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có nghị quyết về xuất bản tờ báo của Đảng bộ tỉnh lấy tên là Báo Thắng. Tên báo thể hiện quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Sau 1 năm chuẩn bị, tháng 4-1947, Báo Thắng ra đời số đầu tiên tại chiến khu Hòn Dữ. Buổi đầu, đội ngũ làm Báo Thắng chỉ có 5 người, do đồng chí Nguyễn Minh Vỹ - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh phụ trách. Báo được làm bằng kỹ thuật in đá (in thạch bản) với mực sác-bô-ne, mỗi tháng ra 2 - 3 số, mỗi số có 4 trang với khoảng 600 - 700 bản in nhưng đã có sức ảnh hưởng rất lớn đối với quần chúng. “Trên măng sét tờ báo, dưới chữ Thắng, tôi còn nhớ có ghi “Cơ quan T.T.K.C tỉnh Khánh Hòa (từ cơ quan tuyên truyền kháng chiến). Bài viết trên báo rất ngắn, viết những cái sát sườn của cuộc kháng chiến: Viết về kháng chiến, vạch mặt những tên Việt gian, viết chống lại chính sách thu thuế. Báo cũng có xã luận đàng hoàng, có bình luận thời sự, có tranh… Bà con trong thành (Nha Trang) nhận được báo rất phấn khởi. Người có công là các bà, các cô liên lạc. Chỉ cần nhờ các chị cầm vài tờ báo xuống chợ Đầm, xóm Cồn đưa cho bà con là mừng lắm. Họ quý trọng và bí mật chuyền tay nhau đọc. Tờ báo còn là cách mạng còn…”, đồng chí Nguyễn Minh Vỹ nhớ lại trong bài viết Báo Thắng đã ra đời như thế đấy.

Phóng viên Báo Khánh Hòa nhận giải nhất Giải báo chí tỉnh năm 2023. Ảnh: Nhân Tâm
Phóng viên Báo Khánh Hòa nhận giải nhất Giải báo chí tỉnh năm 2023. Ảnh: Nhân Tâm

Trong ký ức của cố nhà báo Lý Văn Sáu (Nguyễn Bá Đàn), để làm ra Báo Thắng, ngoài nỗ lực của đội ngũ làm báo còn có công sức của đồng bào yêu cách mạng. Bia đá được lấy từ Diên Khánh gùi lên núi; giấy trắng, mực in và ống ru lô in được các cơ sở ở nội thành Nha Trang mua, gửi lên. Giấy phải mua từng phần một chứ không thể mua nhiều cùng một lúc, nhiều phụ nữ đã phải bó giấy vào đùi rồi lấy dây thun cột lại để qua các trạm gác mà không bị địch phát hiện. Xăng dầu được thu gom rồi đựng vào trong ống tre nứa gùi lên chiến khu để chạy máy nổ thu tin tức phục vụ cho việc làm báo… Báo in xong lại được chuyển về các huyện và thành phố Nha Trang. “Sự ra đời của Báo Thắng là một cố gắng lớn, không phải của một hay một nhóm người, mà là của hàng chục, hàng trăm người có tên và không tên, là kết quả của một hệ thống tổ chức tinh vi và có hiệu quả, từ chiến khu xuống nông thôn, về thành phố và ngược lại…”, nhà báo Lý Văn Sáu hồi tưởng lại trong bài viết Thắng - Tờ báo của một thời.

Cũng vì yêu mến Báo Thắng, gửi thơ đăng báo, ông Nguyễn Sung (tức nhà thơ Giang Nam) đang làm cán bộ thông tin xã Ninh Bình (Ninh Hòa) đã được điều lên chiến khu làm Báo Thắng, được kết nạp vào Đảng. Theo hồi ức của nhà thơ Giang Nam, từ khi ra đời đến năm 1951, Báo Thắng đã di dời 6 địa điểm khác nhau thuộc địa bàn Khánh Vĩnh và Ninh Hòa. Theo sự phát triển của phong trào cách mạng, giai đoạn từ năm 1951 đến 1975, tờ báo cách mạng của Tỉnh ủy Khánh Hòa lần lượt được đổi tên thành Thông tin, Gió mới, Giải phóng Khánh Hòa. Dù với tên gọi nào, những người làm báo cách mạng ở Khánh Hòa vẫn giữ vững ngọn lửa đấu tranh từ thời Báo Thắng.

Tháng 7-1997, nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có thư gửi chúc mừng báo. Trong thư, Tổng Bí thư Đỗ Mười đánh giá: “Là một trong những tờ báo Đảng bộ địa phương xuất bản sớm nhất trên đất nước ta, Báo Khánh Hòa qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân Khánh Hòa”.

Vượt qua gian khó

Cuối năm 1975, cùng với việc sáp nhập 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành Phú Khánh, 2 tờ báo Giải phóng Phú Yên và Giải phóng Khánh Hòa cũng được hợp nhất thành Báo Phú Khánh. Đội ngũ những người làm báo từ chiến khu trở về cùng những người mới tiếp nhận sau giải phóng đã chung sức xây dựng tờ báo. Mọi thứ vẫn còn rất khó khăn nên báo chỉ phát hành 10 ngày/kỳ, mỗi số 4 trang, in bằng máy in ty-pô nên rất chậm. Do địa bàn của tỉnh Phú Khánh rất rộng nên phóng viên của báo nhiều khi đi cả ngày mới về được cơ sở. Từ Nha Trang, nhiều phóng viên bắt xe đò đi công tác ở tận Tuy An, Đồng Xuân (phía bắc tỉnh Phú Yên), khi đi phải mang theo xe đạp để có phương tiện đi tiếp về các xã. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, báo vẫn có những bài phản ánh các điển hình tiên tiến góp phần cổ vũ thi đua lao động sản xuất…

Bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Cao Lịt, một hộ đồng bào dân tộc thiểu số cận nghèo ở thôn Suối Lau 3 (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm).
Bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Cao Lịt, một hộ đồng bào dân tộc thiểu số cận nghèo ở thôn Suối Lau 3
(xã Suối Cát, huyện Cam Lâm).

Sang thập niên 1980, Báo Phú Khánh đã có nhiều bước phát triển, các tin bài ngày càng bám chặt vào hiện thực đời sống. Đặc biệt, báo đã khởi xướng việc tổ chức hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần đầu tiên vào năm 1983, mở ra một hoạt động truyền thống cho báo chí trong khu vực. “Với sự chuẩn bị chu đáo về công tác tiếp đón, bố trí nơi ăn nghỉ, tham quan cùng chủ đề nóng hổi “Lập lại trật tự trong lĩnh vực phân phối lưu thông”, hội thảo báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất đã thành công lớn, gây được hiệu ứng tích cực trong giới báo chí. Đến bây giờ, báo chí miền Trung vẫn nhắc đến Báo Khánh Hòa với tình cảm yêu mến, trân trọng bởi sự kiện này”, cố nhà báo Nguyễn Ngọc -  nguyên Tổng Biên tập Báo Phú Khánh (sau này là Báo Khánh Hòa) từng chia sẻ.

Năm 1989, sau khi chia tách tỉnh, Báo Khánh Hòa được tái lập. Ngay trong thời điểm khó khăn ấy, báo đã có một bước đi táo bạo khi ra Báo Khánh Hòa Chủ nhật. Tờ báo có 16 trang khổ 28 x 20cm với nhiều chuyên mục về kinh tế - xã hội, văn hóa - thể thao, an ninh - trật tự, truyện ngắn... được độc giả ủng hộ; có thời điểm, Báo Khánh Hòa Chủ nhật phát hành lên đến 8.000 - 10.000 tờ/kỳ. Mạng lưới phát hành mở rộng ở TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Bình Định... Có thể nói, sự thắng lợi của ấn phẩm Khánh Hòa Chủ nhật đã đưa Báo Khánh Hòa phát triển lên một giai đoạn mới, với cách làm báo ngày càng hiện đại.

… đến tờ báo đa phương tiện

Thời gian trôi qua, Báo Khánh Hòa không ngừng phát triển. Từ chỗ xuất bản 3 kỳ/tuần, đến nay, Báo Khánh Hòa đã phát hành 6 kỳ/tuần, mỗi số 12 trang. Cùng với báo in, Báo Khánh Hòa điện tử với giao diện mới liên tục cập nhật tin, bài, đăng tải các clip, phóng sự ảnh, E-Magazine… rất hấp dẫn. Để tiếp cận bạn đọc, báo còn lập thêm Fanpage, mở kênh youtube, tiktok… để đăng tải, chia sẻ tin bài. Nhờ đó, Báo Khánh Hòa đưa tin tức sự kiện nóng hổi, phản ánh khá toàn diện tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh, thông tin có sức lan tỏa sâu rộng. 

Phóng viên tác nghiệp livestream tại Hội thảo “100 năm hành trình lịch sử: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa,  con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố” do UBND TP. Nha Trang tổ chức.
Phóng viên tác nghiệp livestream tại Hội thảo “100 năm hành trình lịch sử: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố” do UBND TP. Nha Trang tổ chức.

Không tự bằng lòng với chính mình, Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Khánh Hòa luôn trăn trở để nâng cao chất lượng tờ báo. Bên cạnh các bài viết theo tình hình thời sự của tỉnh, thời gian gần đây, báo còn thực hiện các chuyên đề về những vấn đề trọng tâm, trọng điểm như: Công tác quy hoạch, giao thông, chuyển đổi xanh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đào tạo nhân lực… để hướng đến mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Phóng viên của báo đã không ngại khó khăn, bỏ nhiều công sức thực hiện nhiều bài phóng sự điều tra về nạn phá rừng phòng hộ đầu nguồn ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, khai thác khoáng sản trái phép ở Khánh Vĩnh, phá núi Hòn Rồng ở Cam Lâm, tình trạng phân lô bán nền, việc quên tái bổ nhiệm hàng chục hiệu trưởng, hiệu phó ở các trường học tại thị xã Ninh Hòa… gây được sự chú ý của dư luận. Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, Báo Khánh Hòa đã làm tốt công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Bên cạnh đó, báo cũng có những bài viết đầy xúc cảm về thế hệ đảng viên cao tuổi một lòng tin theo Đảng; các bài viết phản ánh đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở Trường Sa, ngư dân ra khơi bám biển… góp phần truyền thêm tình yêu biển, đảo đối với bạn đọc. Báo cũng có những bài viết giới thiệu gương điển hình tiên tiến, những việc làm hay, nghĩa cử cao đẹp như gương người tự nguyện hiến đất làm đường, tình người trong dịch Covid-19… góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống. 

Với nỗ lực đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng nội dung, bám sát hiện thực cuộc sống, Báo Khánh Hòa ngày càng được bạn đọc tin yêu. Đáp lại niềm tin yêu của bạn đọc, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, Báo Khánh Hòa còn đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội thông qua việc phối hợp với các doanh nghiệp, mạnh thường quân để xây nhà cho người nghèo, trao học bổng cho con em ngư dân, vận động giúp đỡ cho các trường hợp bệnh nhân nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn… Nhiều tổ chức, cá nhân đã chủ động chọn lựa, kết nối với Báo Khánh Hòa để triển khai các chương trình từ thiện xã hội. 

Từ Báo Thắng năm xưa đến Báo Khánh Hòa hôm nay là một chặng đường dài. Trên hành trình 77 năm ấy, những người làm báo Khánh Hòa từ thế hệ bút sắt bản in đá năm xưa đến thế hệ làm báo đa phương tiện hôm nay đều chung một lòng vì tờ báo, luôn nỗ lực phấn đấu để xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa.

Những năm gần đây, Báo Khánh Hòa liên tục đạt nhiều giải thưởng cao tại Giải báo chí tỉnh, Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh; có tác phẩm đạt Giải báo chí quốc gia và Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (giải Búa liềm vàng); nhiều lần đạt giải bìa báo Tết ấn tượng tại các kỳ Hội báo toàn quốc do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Năm 2023, Báo Khánh Hòa được xếp vị trí thứ 3 ở Khối báo chí địa phương về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.

THÀNH NGUYỄN