16:05, 30/05/2023

Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa:
Cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023

Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, mặc dù trong bối cảnh tình hình trong nước và ngoài nước hết sức khó khăn, có nhiều rủi ro, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đảng và những quyết sách linh hoạt, kịp thời, đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô của Quốc hội và Chính phủ. Kết thúc năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì (một số lĩnh vực tăng khá như: ngành nông nghiệp tăng 6,79%, đóng góp 95,9% tăng trường của cả nền kinh tế; du lịch và dịch vụ phục hồi nhanh, tích cực tăng 12,8%, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 26,7%...); thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, tỷ giá ổn định, bảo đảm an toàn, thanh khoản hệ thống ngân hàng. An sinh xã hội, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Nhiều dự án công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia được triển khai và đẩy nhanh tiến độ.

Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cả năm 2023, qua nghiên cứu, txct và phản biện từ xã hội, tôi thấy có một số vấn đề quan tâm đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp, các ngành cần chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả hơn:

Một là, có giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; phải có giải pháp bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Đây là yêu cầu đặt ra rất khó khăn trong khi chúng ta vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải bảo đảm lãi suất phù hợp với nền kinh tế và diễn biến của thị trường.  

Tôi đề nghị cần điều hành chính sách tài khoá có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá, chính sách vĩ mô khác hợp lý để bảo đảm vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa kiểm soát được lạm phát; cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn và hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Hai là, cần có giải pháp hữu hiệu, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật để khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém của công tác đầu tư công vốn đã kéo dài nhiều năm. Đầu tư công được xem là công cụ dẫn dắt, vốn mồi, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của UBKT, UBTCNS cho thấy: Công tác này còn nhiều tồn tại, yếu kém kéo dài (từ công tác xây dựng kế hoạch, lập dự án đầu tư, phân bổ vốn, triển khai thi công, giải ngân quyết toán vốn,...) có tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của nền kinh tế.  Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ yêu cầu làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp xử lý, không để tình trạng này tiếp tục kéo dài, tạo hệ lụy xấu đến điều hành kinh tế vĩ mô và tài chính ngân sách nhà nước.

Ba là, cần có biện pháp thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính ngân sách nhà nước. Trong đó, cần có biện pháp quyết liệt để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong nhiệm vụ lập dự toán ngân sách nhà nước ở từng cấp; cần có chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác hợp lý, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm khai thác hiệu quả, lâu dài tài nguyên đất; đồng thời việc sử dụng nguồn thu từ đất phải tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội.  Kiên quyết không cho chuyển nguồn khi chưa làm rõ nguyên nhân và không chuyển nguồn trái quy định của pháp luật, khắc phục tình trạng chuyển nguồn vốn qua các năm khá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn, công tác điều hành tài chính ngân sách và điều hành kinh tế vĩ mô.  Rà soát, làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không để tiếp tục làm lãng phí nguồn lực, vốn nhà nước; cần xác định và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước chậm triển khai, vi phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.  Có giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai; nhất là tình trạng bỏ hoang hoá đất nông nghiệp, lãng phí đất đai, tài sản của các dự án do chậm thi hành án, chậm thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra...Có giải pháp chấn chỉnh triệt để các hiện tượng, các yếu tố gây lãng phí ngân sách nhà nước, khg để các yếu tố, hiện tượng này tiếp tục kéo dài.

Bốn là, có giải pháp căn cơ để khắc phục những tồn tại, vướng mắc vấn đề xăng dầu, điện...nhất là việc tăng giá điện, xăng dầu trong bối cảnh doanh nghiệp và đời sống nhân dân đang gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế thế giới. Cần thiết phải làm rõ tính chính xác, nguyên nhân của khoản lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng năm 2022 của EVN để sớm có biện pháp tháo gỡ bất cập và tạo đồng thuận trong nhân dân cũng như có cơ chế minh bạch " quỹ bình ổn xăng dầu ".

Năm là, có biện pháp chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của bộ máy nhà nước các cấp, nhất là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói chung và cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý nói riêng có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh, không giải quyết các thủ tục hành chính hoặc gây ách tắc, kéo dài khi gq các thủ tục hành chính của dân và doanh nghiệp. Đồng thời, khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật không rõ ràng, khó thực hiện trên thực tiễn, thiếu đồng bộ, xung đột pháp luật nhằm tháo gỡ kịp thời các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật gây ách tắc, điểm nghẽn hiện nay trên nhiều lĩnh vực; đây là yêu cầu rất quan trọng, không những cả trước mắt và cả lâu dài để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sxkd, gqt kịp thời các vấn đề xã hội phát sinh.

Sáu là, tập trung giải quyết sớm các vấn đề mà xã hội có nhiều bức xúc như: tình trạng chậm thi hành hoặc không thi hành các bản án hành chính, dân sự đã có hiệu lực pháp luật gây nhiều khó khăn, thiệt hại và mất lòng tin của nhân dân đối với nhà nước; tình trạng mất việc làm có xu hướng tăng cao; số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng; vấn đề bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội, buôn lậu, lừa đảo với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp...

 

Lê Hữu Trí 

Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa