11:03, 14/03/2023

Cần điều chỉnh một số quy định cụ thể hơn

L.T.S: Từ ngày 1-3, Báo Khánh Hòa đã mở chuyên mục Góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên các số báo hàng ngày nhằm phản ánh ý chí, nguyện vọng, phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân góp ý cho dự thảo. Đến ngày 15-3 (thời điểm kết thúc việc lấy ý kiến theo quy định và khép lại chuyên mục), chuyên mục đã đăng tải nhiều nội dung góp ý tâm huyết, chất lượng, tập trung vào những vấn đề trọng tâm lấy ý kiến của dự thảo.

L.T.S: Từ ngày 1-3, Báo Khánh Hòa đã mở chuyên mục Góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên các số báo hàng ngày nhằm phản ánh ý chí, nguyện vọng, phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân góp ý cho dự thảo. Đến ngày 15-3 (thời điểm kết thúc việc lấy ý kiến theo quy định và khép lại chuyên mục), chuyên mục đã đăng tải nhiều nội dung góp ý tâm huyết, chất lượng, tập trung vào những vấn đề trọng tâm lấy ý kiến của dự thảo.

UBMTTQ Việt Nam huyện Cam Lâm và TP. Nha Trang vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của người dân trên địa bàn.


Theo đó, đa số ý kiến của người dân huyện Cam Lâm cho rằng, bố cục của dự thảo luật chặt chẽ; các chương, mục được sắp xếp theo từng nhóm vấn đề cần điều chỉnh, giúp người dân dễ tiếp thu. Tuy nhiên, trong dự thảo luật còn một số nội dung cần quy định cụ thể hơn. Ví dụ, đối với các dự án nhà ở thương mại, các dự án kinh tế nói chung do các nhà đầu tư thực hiện thì nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với người sử dụng đất để bồi thường giá trị đất bị thu hồi; dự án vì mục đích công cộng, cộng đồng, quốc phòng... mới do Nhà nước thu hồi.


Ngoài ra, dự thảo cần cụ thể các tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ” vì khi người dân bàn giao đất để Nhà nước thực hiện các dự án, họ đều mong muốn đảm bảo các điều kiện cụ thể về hỗ trợ tái định cư. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, dự thảo cần có quy định cụ thể về điều kiện tối thiểu ở nơi tái định cư, như: Diện tích nhà ở tối thiểu/người; mức thu nhập bao nhiêu; điều kiện sinh hoạt, học tập… Đồng thời, cần thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi.


Tại TP. Nha Trang, nhiều ý kiến của người dân cho rằng, Điều 83 dự thảo luật quy định hình thức thông báo thu hồi đất bằng cách gửi văn bản thông báo cho người có đất bị thu hồi có khả năng gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nếu người bị thu hồi đất không hợp tác trong việc giao nhận thông báo bằng việc lẩn tránh, không thừa nhận chủ quản lý, sử dụng đất. Vì vậy, ý kiến đề nghị quy định thông báo thu hồi đất phải được cung cấp cho người dân trong khu vực giải tỏa biết bằng các hình thức như: Họp dân, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị thu hồi, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.


Tại khoản 1 Điều 90 dự thảo luật về điều kiện bồi thường đối với hộ gia đình, ý kiến đề nghị thêm cụm từ quy định thời gian cụ thể “tính đến trước thời điểm có thông báo thu hồi đất”. Tại khoản 1 Điều 94, ý kiến đề nghị đối với trường hợp thu hồi đất ở phải được bồi thường bằng đất ở để đảm bảo điều kiện an cư cho người bị thu hồi đất, bỏ cụm từ “hoặc nhà ở hoặc bằng tiền, bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất”.


Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm không phù hợp, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; nhất là đối với các dự án đầu tư công. Thực tế, nhiều dự án công tác giải tỏa 1 năm không xong, qua năm thứ 2 giá đất thay đổi sẽ phát sinh khiếu nại vì người dân ngộ nhận trong cùng 1 dự án giá đền bù khác nhau. Vì vậy, ý kiến đề nghị giá đất được xây dựng định kỳ từ 2 đến 3 năm, cuối mỗi năm nên rà soát lại, nếu giá đất khu vực nào có biến động hơn 5% thì điều chỉnh, bổ sung.


Đối với thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, các ý kiến đều đề nghị giữ nguyên như Điều 203 Luật Đất đai 2013. Vì thực tế hiện nay, Tòa án nhân dân TP. Nha Trang đang quá tải, mỗi năm xét xử gần 2.000 vụ. Nếu theo quy định tại dự thảo, toàn bộ các vụ việc tranh chấp đất đai giao cho tòa án xét xử sẽ rất chậm, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và quyền lợi của các bên.


C.V (Ghi)