10:03, 29/03/2022

Hội thảo phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045: Cần hệ thống các giải pháp đồng bộ

Sáng 29-3, UBND TP. Nha Trang tổ chức hội thảo phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Văn Mừng - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang chủ trì hội thảo.

Sáng 29-3, UBND TP. Nha Trang tổ chức hội thảo phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Văn Mừng - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang chủ trì hội thảo.


Ông Hồ Văn Mừng nhấn mạnh: Hội thảo lần này là dịp để chúng tôi lắng nghe, cầu thị và nhận được nhiều đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý để xây dựng thành từng giải pháp cụ thể trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển thành phố. Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và nền tảng phát triển, Nha Trang có đủ điều kiện để tiếp tục phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận khách quan, thành phố còn nhiều vấn đề cần quan tâm, nhất là những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn: quy hoạch, tái cơ cấu nền kinh tế, phát huy tiềm năng lợi thế, phát triển hạ tầng đô thị… Đầu năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nha Trang được xác định là đô thị hạt nhân của tỉnh. Đây là cơ sở, là động lực để thành phố nỗ lực hơn nữa vươn lên phát triển mạnh mẽ.

 

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.


Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn đại dương toàn cầu cho rằng, Nha Trang là thành phố “đầu não” của tỉnh với nhiều lợi thế vượt trội. Để Nha Trang phát triển xứng tầm, trong quá trình điều chỉnh, mở rộng không gian đô thị cần chú ý kết nối hợp lý các mảng không gian đô thị ven biển; bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo vệ, đặc biệt là bảo tồn các giá trị di sản trong vịnh Nha Trang với việc phát triển các ngành kinh tế dựa vào bảo tồn, thân thiện với môi trường; kiểm soát hiệu quả các nguồn phát thải, các loại chất thải từ đất liền đổ vào vịnh Nha Trang. Đồng thời, giám sát hiệu quả mức độ tuân thủ của các nhà đầu tư phát triển trong quá trình triển khai các dự án, các khu đô thị ven biển, ven sông, trên núi và trên đảo; phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị, chú trọng phát triển các dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao, ít chất thải, hướng tới đô thị thông minh, sinh thái, an ninh, an toàn và an sinh cho cộng đồng.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam nhấn mạnh, tài nguyên di sản biển, đảo là giá đỡ cho Nha Trang hưng thịnh. Vì vậy, phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo tồn biển. Quá trình quy hoạch phát triển đô thị biển cần có những nghiên cứu toàn diện về các giá trị đặc thù của tài nguyên; về hình thái, cấu trúc của các yếu tố cấu thành nên các giá trị đó và các xu hướng biến đổi trước tác động của thời gian và con người; tiếp tục triển khai các dự án khảo sát, nghiên cứu bảo tồn từng khu vực, từng đối tượng di sản, cảnh quan. Để khai thác hiệu quả các giá trị chức năng tiềm ẩn, vô cùng quý giá, cần sử dụng hàm lượng chất xám cao hơn với các tiếp cận của “Tư duy đột phá”, tạo nên những sản phẩm du lịch mới, độc đáo và mang bản sắc riêng của vùng biển, đảo Nha Trang - Khánh Hòa.


Theo Tiến sĩ Phạm Hồng Mạnh - Trường Đại học Nha Trang, để phát triển TP. Nha Trang bền vững cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp để thực hiện mô hình này như: Hoàn thiện khung pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chuyển hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào truyền thống sang sử dụng các loại nguyên liệu thay thế; ưu tiên các dự án “xanh” và các dự án thân thiện môi trường; các ngành kinh tế của thành phố nên xây dựng lộ trình và kế hoạch triển khai cụ thể việc sử dụng công nghệ tuần hoàn tài nguyên - là yếu tố đầu vào trong quá trình sản xuất; xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh với một số lĩnh vực, trong đó ưu tiên các ngành kinh tế biển…


Hội thảo cũng thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học hiến kế trong các lĩnh vực như: Giải pháp hạn chế tình trạng ngập úng do nước lũ ở khu vực phía Tây Nha Trang; các giải pháp hướng đến xây dựng thành phố thông minh và bền vững; phát triển du lịch bền vững TP. Nha Trang; bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống Nha Trang - Khánh Hòa trong quá trình phát triển và hội nhập…

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Yêu cầu TP. Nha Trang cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ về đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó tập trung phát triển kinh tế biển bền vững; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công nghệ thông tin, hạ tầng số, hạ tầng cho giáo dục, y tế; thu hút hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng phát triển chính quyền số, nâng cao thứ hạng chỉ số cải cách hành chính của thành phố; tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh, nhất là trong xúc tiến và thương mại, kết nối du lịch, giáo dục, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; phát triển, đổi mới giáo dục, y tế, văn hóa, quản lý bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu…


THÀNH NAM