Xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ "then chốt", trong đó công tác cán bộ là nhiệm vụ "then chốt của then chốt", có ý nghĩa quyết định mọi thành công cả trước mắt và lâu dài, những năm qua, Khánh Hòa luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ “then chốt”, trong đó công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”, có ý nghĩa quyết định mọi thành công cả trước mắt và lâu dài, những năm qua, Khánh Hòa luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
Trong công tác chính trị, tư tưởng, tỉnh đã chú trọng đổi mới cả hình thức và phương pháp tổ chức, sát với tình hình thực tế của tỉnh, chất lượng và hiệu quả được nâng lên. Các cấp, ngành chú trọng đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, gắn với đấu tranh, chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tích cực đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất trong Đảng bộ, đồng thuận trong xã hội.
Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức đảng, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, Đảng bộ tỉnh có 15 đảng bộ trực thuộc, 686 tổ chức cơ sở đảng với tổng số 45.239 đảng viên; 100% thôn, tổ dân phố đều có chi bộ độc lập, làm hạt nhân lãnh đạo ngay từ cơ sở. Số đảng viên được kết nạp hàng năm đều vượt chỉ tiêu đề ra, bình quân hàng năm kết nạp 1.870 đảng viên, trong đó hơn 60% trong độ tuổi thanh niên; đã xóa “vùng trắng” đảng viên và khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố, trường học, đơn vị trực thuộc cơ sở chưa có đảng viên hoặc tổ chức đảng.
Việc lãnh đạo hoạt động đối với hệ thống chính trị đã chú trọng đổi mới phương thức, vừa đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc, chọn lọc những nội dung, khâu còn yếu, vấn đề dư luận quan tâm để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài. Tỉnh đã duy trì, thực hiện tốt phương châm “tỉnh sát xã, huyện sát thôn, xã sát từng hộ dân”; phát huy dân chủ cùng với xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền, hoạt động của các tổ chức, đoàn thể.
Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, giảm đáng kể đầu mối bên trong, đơn vị trung gian, giảm số lượng cấp phó, khắc phục tình trạng chồng chéo nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý; đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Toàn tỉnh đã sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã thành 1 xã mới; sắp xếp 26 thôn, 12 tổ dân phố, giảm 19 thôn, tổ dân phố; giảm 7 vị trí lãnh đạo cấp phó, 28 phòng của khối các cơ quan, đơn vị thuộc Tỉnh ủy và MTTQ, đoàn thể cấp tỉnh; khối sở, ban, ngành cấp tỉnh giảm 33 phòng; khối sự nghiệp thuộc sở và UBND cấp huyện giảm 65 đơn vị; số biên chế khối hành chính giảm 11,35%; số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập giảm 16,46%.
Coi trọng chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên
Xác định công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, có ý nghĩa quyết định thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ đề ra, vì thế, công tác cán bộ được triển khai đồng bộ, hiệu quả với nhiều giải pháp thiết thực. Các quy định về quản lý, đề bạt, bổ nhiệm... cán bộ được nghiên cứu điều chỉnh với tiêu chí ngày càng rõ ràng, minh bạch hơn, với hệ thống quy trình chặt chẽ, vừa góp phần đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ, vừa tăng cường kiểm soát quyền lực, tiêu cực trong công tác cán bộ. Các khâu từ phát hiện, tuyển chọn, nhận xét, đánh giá đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; cơ cấu cán bộ nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số, cán bộ cơ sở được chú trọng hơn; công tác quy hoạch cán bộ chuyển biến tích cực, gắn với đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo ngày một nâng cao cả về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và năng lực quản lý điều hành, kỹ năng thực thi công vụ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh vẫn còn một số mặt hạn chế như: Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã có những chuyển biến tích cực nhưng còn một số mặt, nội dung chưa đạt yêu cầu đề ra; chất lượng sinh hoạt ở một số chi bộ chưa cao; công tác phát triển đảng viên còn nhiều khó khăn, hạn chế... Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cán bộ ở một số nơi còn thiếu tính liên thông, chưa đảm bảo phương châm “động” và “mở”; một số nơi chưa quan tâm đúng mức công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ...
Trong thời gian tới, toàn tỉnh quan tâm triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, công tác tự phê bình và phê bình; chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu, theo hướng cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải gương mẫu. Cùng với đó, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tinh thần của Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Thứ hai, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, vừa quyết liệt, vừa kiên trì, từng bước, vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tế và gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ; tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ; quan tâm cán bộ nữ, cán bộ trẻ, có cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực vì lợi ích chung.
Thứ tư, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ bảo đảm cân đối, hài hòa giữa luân chuyển với phát triển nguồn tại chỗ. Quy hoạch phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn công tác, bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, “vừa động, vừa mở”, “có vào, có ra”.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của đảng, nhất là công tác tự kiểm tra, tự giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh; phát huy vai trò của cơ quan dân cử, MTTQ và các đoàn thể trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và công tác tổ chức cán bộ; sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, kịp thời miễn nhiệm, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, vi phạm.
Tính đến nay, có 97,3% cán bộ, công chức, viên chức khối hành chính, sự nghiệp có trình độ đại học trở lên; 62,47% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Toàn tỉnh có 97,75% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ trung cấp trở lên; 90,4% cán bộ, công chức, viên chức khối Đảng, MTTQ và các đoàn thể có trình độ đại học trở lên, trong đó 93% cán bộ trong quy hoạch có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 100% cán bộ lãnh đạo cấp sở có trình độ cao cấp, quản lý nhà nước từ chuyên viên chính trở lên; hơn 40% cấp trưởng, 30% cấp phó sở, ngành có trình độ thạc sĩ trở lên; hơn 26% trưởng phòng cấp sở có trình độ thạc sĩ trở lên, hơn 57% có trình độ cao cấp lý luận chính trị. 99% cấp ủy viên cấp huyện và tương đương có trình độ đại học trở lên, trong đó 16,86% thạc sĩ trở lên; 88,67% có trình độ cao cấp lý luận chính trị. |
MINH QUANG