Những năm qua, Hội Phụ nữ xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm) đã hỗ trợ nhiều gia đình hội viên nghèo trên địa bàn vượt khó vươn lên lao động sản xuất, trở thành tấm gương trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con tốt.
Những năm qua, Hội Phụ nữ (PN) xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm) đã hỗ trợ nhiều gia đình hội viên nghèo trên địa bàn vượt khó vươn lên lao động sản xuất, trở thành tấm gương trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con tốt.
Những phụ nữ vượt khó
Với mô hình trồng rau sạch, chị Đinh Thị Duân - Chi hội PN thôn Suối Cát là một trong những hội viên tiêu biểu trong sản xuất, phát triển kinh tế. Trước đây, gia đình chị thuộc hộ nghèo của xã. Một mình chị bôn ba mưu sinh để nuôi 2 con nhỏ và chạy chữa cho chồng bị liệt sau cơn bạo bệnh. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau an toàn trên thị trường rất lớn nên năm 2020, chị vay Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện 100 triệu đồng đầu tư trồng rau. “Hội PN xã tạo điều kiện, giúp tôi tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, vốn quay vòng giảm nghèo, vốn PN giúp nhau và trao tặng thêm cây giống rau, gia đình tôi đã thoát nghèo, xây được căn nhà cấp 4 khang trang hơn” - chị Duân bộc bạch.
Vượt khó, nuôi dạy con tốt, đó là tấm gương PN tiêu biểu Phan Thị Lan Chi (51 tuổi) - Chi hội phó Chi hội PN thôn Quảng Đức. Năm 2004, chồng chị lâm bệnh nặng qua đời để lại cho chị 4 đứa con thơ dại. Thấy hoàn cảnh gia đình chị Chi khó khăn, Hội PN xã đã hỗ trợ chị tiếp cận nguồn vốn vay hộ nghèo 50 triệu đồng để trồng xoài. “Tôi luôn nhắc nhở, bảo ban các con muốn thoát nghèo thì phải cố gắng học. Đến nay, 2 con đầu của tôi đều là bác sĩ đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh, cháu thứ 3 học Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa, cháu út đang học lớp 12 Trường THPT Trần Bình Trọng với thành tích 11 năm qua luôn là học sinh giỏi” - chị Chi cho biết.
Nhiều hoạt động hỗ trợ
Bà Cao Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội PN xã Cam Hiệp Nam cho biết, ngay từ đầu năm, hội đã rà soát, phân loại hộ nghèo và xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp PN nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều. Năm 2021, trên địa bàn xã còn 16 hộ nghèo, giảm 10 hộ so với năm 2020. Hội đã đăng ký nhận giúp trực tiếp 2 hộ nghèo do PN làm chủ hộ để thoát nghèo. Thông qua phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, hội tiếp tục tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho 4 hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với dư nợ 200 triệu đồng để trồng xoài; hỗ trợ hơn 80 triệu đồng, 110 con giống, 600kg gạo và nhiều phần quà khác cho hội viên PN có hoàn cảnh khó khăn; giới thiệu 2 PN nghèo làm việc tại công ty may thời trang trên địa bàn xã…
Tính đến nay, tổng các nguồn vốn do hội quản lý hơn 12 tỷ đồng với 368 thành viên. Nhằm nâng cao hiệu quả việc sử dụng các nguồn vốn vay, hội đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra các tổ vay vốn. Qua kiểm tra, cơ bản các tổ thực hiện tốt các nội dung ký ủy thác, không xảy ra sai phạm trong quản lý, không có nợ quá hạn.
“Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình “Đan giỏ cần xé” tại thôn Suối Cát với 10 thành viên; mô hình “Phụ nữ thêu ren” thôn Vĩnh Thái với 30 thành viên; tổ “Dịch vụ nấu đám tiệc”; tiếp tục cùng Hội Nông dân duy trì tổ hội nghề nghiệp “May mặc thời trang”; thành lập và ra mắt tổ liên kết “Trồng rau an toàn” có 7 thành viên; vận động, hỗ trợ chị Đinh Thị Duân tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp với mô hình “Trồng rau và laghim sạch”…” - bà Trang cho biết.
THANH TRÚC