09:04, 04/04/2021

Hướng dẫn biên tập thông tin tiểu sử tóm tắt của người ứng cử và lập danh sách cử tri đi bỏ phiếu nơi khác

Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn hướng dẫn UBBC các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về biên tập thông tin tiểu sử tóm tắt của người ứng cử và việc lập danh sách cử tri đi bỏ phiếu nơi khác. UBBC tỉnh đề nghị UBBC cấp huyện nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương trên địa bàn để thực hiện theo đúng hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

 

Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn hướng dẫn UBBC các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về biên tập thông tin tiểu sử tóm tắt của người ứng cử và việc lập danh sách cử tri đi bỏ phiếu nơi khác. UBBC tỉnh đề nghị UBBC cấp huyện nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương trên địa bàn để thực hiện theo đúng hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia.


Đối với việc biên tập thông tin tiểu sử tóm tắt của người ứng cử, Tiểu ban Nhân sự Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn: Để tạo điều kiện cho công tác niêm yết, thông tin, tuyên truyền và phù hợp với tình hình thực tế có thể biên tập lại cho phù hợp với nội dung của tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đã được khai theo mẫu.


Đối với việc lập danh sách cử tri đi bỏ phiếu nơi khác, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn: Việc lập danh sách cử tri không căn cứ nơi cử tri công tác, làm việc mà căn cứ vào nơi cử tri thường trú hoặc tạm trú, 1 công dân chỉ được ghi tên vào 1 danh sách cử tri nơi thường trú hoặc tạm trú. Cử tri là Công an xã hoặc cán bộ, công chức, viên chức công tác, làm việc tại đơn vị hành chính khác với nơi mình đăng ký thường trú thì việc lập danh sách cử tri được thực hiện như sau: Trường hợp cử tri đang cư trú tại nơi đăng ký thường trú thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để tham gia bầu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND ở tất cả các cấp. Trường hợp cử tri đã đăng ký tạm trú tại nơi đang công tác, làm việc khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì có thể đăng ký ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú để thuận tiện cho việc tham gia bỏ phiếu. Nếu thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng thì được tham gia bầu ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh và đại biểu HĐND cấp huyện nơi mình đang tạm trú. Nếu thời gian đăng ký tạm trú từ đủ 12 tháng trở lên thì được tham gia bầu ĐBQH, đại biểu HĐND ở tất cả các cấp như đối với người thường trú. Trường hợp cử tri là cán bộ, công chức, viên chức trong ngày bầu cử được cử đi công tác tại nơi khác thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử người đi công tác cần tạo điều kiện, bố trí công việc hợp lý để cử tri có thể bỏ phiếu tại nơi đã có tên trong danh sách cử tri. Trường hợp vì lý do công tác mà cử tri không thể về bỏ phiếu tại nơi đã có tên trong danh sách cử tri thì cần chủ động xin giấy chứng nhận của UBND xã nơi mình đã đăng ký và có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri tại địa phương nơi đến công tác và tham gia bầu ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh tại nơi đến công tác.


H.L