11:10, 09/10/2020

Tạo sức hút cho đầu tư

Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 360.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm hơn 12%. Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh đề ra những giải pháp cụ thể nhằm thu hút những dự án lớn.

 

Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 360.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm hơn 12%. Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh đề ra những giải pháp cụ thể nhằm thu hút những dự án lớn.

 
Chú trọng quảng bá, giới thiệu tiềm năng


Theo đánh giá của UBND tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh tuy chưa đạt như kỳ vọng nhưng vẫn gặt hái một số kết quả. 5 năm qua, Khánh Hòa đã thu hút được 187 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký gần 105.000 tỷ đồng. Trong đó, có 97 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 3,6 tỷ USD (tương đương 78.750 tỷ đồng). Giai đoạn này, có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến các dự án trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Tập đoàn Osnova (Nga), Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) và Tập đoàn Dầu khí Millenium (Hoa Kỳ) đang đặt vấn đề đầu tư vào khu vực Vân Phong; Tập đoàn Nanotek (Nhật Bản) nghiên cứu đầu tư các dự án phát triển công nghiệp, động cơ điện tại Khu Công nghiệp Dốc Đá Trắng và Công ty Cổ phần Đầu tư KCN Vinhomes nghiên cứu đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Nam Cam Ranh…

 

Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có 41 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có 41 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.


Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 đạt kết quả tốt, sở đề nghị tập trung vào các định hướng cơ bản. Trong đó, chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đến các đối tác, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường. Giai đoạn 2021 - 2025, cần chú ý thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, sản xuất năng lượng sạch, ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao và các dự án có nhu cầu sử dụng lao động lớn để giải quyết việc làm cho nguồn lao động địa phương. Riêng thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong, cần tập trung kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực kinh nghiệm, tài chính, đầu tư vào các dự án lớn, quan trọng. Các dự án đó phải có tính động lực, liên quan đến kinh tế biển như: Cảng trung chuyển quốc tế, khu phi thuế quan, Khu phức hợp công nghiệp Ninh Hải, trung tâm điện khí và các dự án thứ cấp tại khu công nghiệp. Đối với TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm, cần nhanh chóng thu hút đầu tư để hình thành trung tâm du lịch - thể thao - giải trí biển hiện đại với hệ thống khách sạn dịch vụ cao cấp. Phát triển dịch vụ vận tải biển, vận tải hàng không trở thành ngành thế mạnh của khu vực. Bên cạnh đó, tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Nam Cam Ranh, thu hút các ngành công nghiệp cơ khí, chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp may mặc...


Nhiều giải pháp then chốt


Để thu hút đầu tư đạt kết quả cao nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một số giải pháp trọng yếu. Theo đó, sở đề nghị đổi mới trong tổ chức, xây dựng và triển khai thực hiện kêu gọi xúc tiến đầu tư. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện có hiệu quả nội dung cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư ngoài ngân sách. Song song đó, cần tháo gỡ các nút thắt trong triển khai thực hiện dự án và sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai có hiệu quả các dự án trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, ngoài những giải pháp đã nêu, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện, hoàn thành và trình Chính phủ thông qua cơ chế chính sách đặc thù phát triển khu vực vịnh Vân Phong; cùng với tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Đề án liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh, việc tăng cường thu hút đầu tư là hết sức quan trọng và cần thiết. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các kế hoạch tái khởi động và phát triển kinh tế - xã hội theo lộ trình phù hợp. Tỉnh sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính cho DN. “UBND tỉnh đang xem xét tận dụng tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm, thu hút khách du lịch trong nước trong thời kỳ dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tập trung thu hút các dự án công nghiệp lớn trong lĩnh vực điện mặt trời, điện khí, kho khí hóa lỏng, kinh doanh hạ tầng KCN. Đặc biệt, tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho phép xây dựng Đề án cơ chế, chính sách phát triển Khu Kinh tế Vân Phong trong tình hình mới với một số cơ chế, chính sách đặc thù để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vịnh Vân Phong”, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.


Đình Lâm