10:05, 02/05/2018

Việc bố trí địa điểm kinh doanh tại chợ Đầm: Báo cáo tỉnh trước ngày 15-5

Chiều 2-5, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp nghe UBND TP. Nha Trang và Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang (chủ đầu tư Dự án Chợ Đầm) báo cáo phương án bố trí địa điểm kinh doanh trong chợ mới cho các hộ chưa có địa điểm kinh doanh và việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho tiểu thương.

 

Chiều 2-5, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp nghe UBND TP. Nha Trang và Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang (chủ đầu tư Dự án Chợ Đầm) báo cáo phương án bố trí địa điểm kinh doanh trong chợ mới cho các hộ chưa có địa điểm kinh doanh và việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho tiểu thương.

 

zzChợ Đầm Nha Trang.

Chợ Đầm Nha Trang.


Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang, khu vực chợ tươi sống của chợ Đầm mới có 335 lô sạp, đã bố trí 308 hộ vào kinh doanh. Hiện nay, còn 27 lô sạp nhưng có tới 210 hộ có nhu cầu vào kinh doanh nên không còn vị trí để sắp xếp. Chủ đầu tư cho rằng, trong 210 hộ này, chỉ có 65 hộ thuộc diện phải bố trí, còn lại không có trong danh sách phải bố trí ở Dự án Chợ Đầm mới. Bởi phần lớn các hộ kinh doanh mặt hàng tự tiêu ở những tuyến đường xung quanh chợ, chứ không kinh doanh ở chợ tươi sống. Song, do UBND TP. Nha Trang yêu cầu phải đưa các hộ này vào kinh doanh ổn định trong chợ tươi sống nên chủ đầu tư đã tiến hành khảo sát và lên phương án sắp xếp. Qua khảo sát và đối chiếu với thực tế, chỉ có 108/210 hộ đủ điều kiện được bố trí địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, để tìm được khu vực thích hợp cho các hộ này là hết sức khó khăn.

 

Tại cuộc họp, chủ đầu tư cùng UBND thành phố đã đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất, sẽ bố trí 108 hộ kinh doanh tại khu vực vỉa hè đường Nguyễn Hồng Sơn và khu vực tiếp giáp giữa chợ mới và chợ Đầm tròn (khu vực cổng số 7, gần chung cư A). Phương án thứ hai là bố trí tập trung ngay khu vực tiếp giáp giữa chợ Đầm mới và chợ Đầm tròn. Tuy nhiên, Sở Công Thương không đồng tình, cho rằng không phù hợp, rất lộn xộn, nhếch nhác, làm xấu chợ truyền thống. Sở Công Thương đề nghị UBND TP. Nha Trang và Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang phải cùng các sở, ngành tổ chức khảo sát tìm địa điểm thích hợp để bố trí hoặc chỉ giải quyết các hộ được phê duyệt trước tháng 9-2015, các hộ phát sinh sau này không giải quyết.


Đại diện Sở Xây dựng cũng đồng tình với quan điểm của Sở Công Thương. Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư và UBND thành phố chốt lại con số chính xác các hộ cần phải bố trí địa điểm kinh doanh. Bên cạnh đó, khi bố trí các hộ kinh doanh cần lấy ý kiến cơ quan phòng cháy chữa cháy. Bởi hiện nay, hệ thống phòng cháy chữa cháy đã được nghiệm thu, nay phát sinh các vị trí kinh doanh thì liệu có đảm bảo an toàn hay không?


Ông Trần Sơn Hải cho rằng, việc để xảy ra tình trạng 108 hộ chưa có địa điểm kinh doanh có một phần lỗi của UBND TP. Nha Trang. Khi dự án chưa thi công thì không lên phương án bố trí các hộ này, đến khi dự án hoàn thành hạng mục xây dựng cơ bản mới đưa 108 hộ vào nên sẽ rất khó xử lý. Ông cũng không đồng ý với cả 2 phương án sắp xếp mà UBND thành phố và chủ đầu tư đưa ra. Đồng thời, đề nghị UBND TP. Nha Trang phải rà soát lại 108 trường hợp này xem trường hợp nào đủ điều kiện thì mới bố trí vị trí kinh doanh. Sau đó, TP. Nha Trang chủ trì bàn với Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy về phương án bố trí địa điểm kinh doanh và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15-5.

 

Các tiểu thương kinh doanh ở chợ mới.

Các tiểu thương kinh doanh ở chợ mới.

 

Tại cuộc họp, bên cạnh vấn đề sắp xếp các vị trí kinh doanh, UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư làm rõ tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ thêm 3,6 triệu đồng đối với tất cả các hộ kinh doanh đã di dời vào chợ Đầm mới như tinh thần chỉ đạo của tỉnh tại cuộc họp ngày 16-8-2017. Đây là vấn đề có nhiều ý kiến phản ánh trong thời gian qua. Các tiểu thương cho rằng chủ đầu tư đã không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh.


Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Phương Bắc - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang cho rằng, vấn đề hỗ trợ theo thông báo của UBND tỉnh trước đây chỉ nhằm khuyến khích các hộ kinh doanh ở chợ tròn nhanh chóng chuyển vào chợ mới kinh doanh. Riêng 600 hộ đã vào kinh doanh tại chợ mới, họ đã được hỗ trợ theo quy định 1 triệu đồng. “Ngoài ra, công ty chúng tôi tự nguyện hỗ trợ thêm tiền, biển báo, hiện vật, miễn các loại phí, tổng mức hỗ trợ 4,5 triệu đồng/hộ nên không có lý gì phải hỗ trợ nữa. Chỉ đạo của UBND tỉnh chủ yếu là hỗ trợ các hộ kinh doanh trong chợ Đầm tròn để họ nhanh chóng di dời. Song đến nay, phương án này đã thất bại, không có hộ nào vào. Vì vậy, chúng tôi không hỗ trợ được”, ông Bắc nói.  


Đại diện Sở Tài chính cho rằng, ý kiến này không chính xác. Trước đây, tỉnh có giao cho sở phối hợp với công ty để hỗ trợ thêm cho các hộ kinh doanh tại chợ Đầm mới theo đề nghị của UBND thành phố với mức 3,6 triệu đồng. Tất cả các văn bản đều thể hiện phải hỗ trợ cho tất cả tiểu thương đã chuyển vào chợ mới chứ không riêng gì các hộ ở chợ tròn. Bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Nha Trang cũng khẳng định: “Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang hiểu như vậy là không đúng. Thành phố đã nhắc nhở chủ đầu tư rất nhiều lần nhưng không hiểu tại sao công ty không thực hiện”.   


Kết luận vấn đề này, ông Trần Sơn Hải chỉ đạo: “Việc thực hiện chính sách hỗ trợ thêm theo chỉ đạo của UBND tỉnh phải thực hiện với tất cả các tiểu thương đã chuyển vào chợ mới kinh doanh, đề nghị Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang nghiêm túc thực hiện và giao cho TP. Nha Trang giám sát. Công ty được phép lên phương án và thỏa thuận tiến độ cũng như hình thức hỗ trợ với các tiểu thương. Đến ngày 30-5 phải báo cáo UBND TP. Nha Trang, sau đó thành phố báo cáo tỉnh; yêu cầu chủ đầu tư làm việc với Sở Xây dựng để hoàn chỉnh hồ sơ nghiệm thu công trình theo quy định”.


Đình Lâm