06:11, 20/11/2015

Quốc hội thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội, HĐND chất vấn.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội, HĐND chất vấn.


Sáng nay (20-11), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND gồm 5 chương 91 điều đã được Quốc hội thông qua với 83,2% tổng số đại biểu biểu quyết tán thành.


Nghị quyết giám sát có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện


Nhằm bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát, Luật quy định chương trình, kế hoạch giám sát, báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát, kết luận, kiến nghị giám sát và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát hoặc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp phải bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.


Nghị quyết về giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện.


Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐNDvà đại biểu HĐND có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

 

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết


Không được ủy quyền cho người khác trả lời thay


Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Luật quy định rõ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể.


Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có).


Về chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp, Luật quy định người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời bằng văn bản. Văn bản trả lời chất vấn phải được gửi trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày chất vấn, trừ tài liệu mật theo quy định của pháp luật. Với văn bản trả lời gửi đến đại biểu Quốc hội đã chất vấn, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội.


Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Quốc hội đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội gần nhất hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.


Chưa quy định thời điểm, mức tín nhiệm


Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín, Luật lần này đã bổ sung một số quy định mang tính ổn định của Nghị quyết số 85/2014/QH13 như đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và hậu quả pháp lý của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; còn về thời điểm, mức tín nhiệm là những vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau, cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để quy định phù hợp hơn.


Do đó, trước mắt về hai vấn đề này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội, sau một thời gian thực hiện sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội để quy định vào Luật.


Đồng thời, để tránh trùng lặp trong các quy định giữa 2 văn bản, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ rà soát Nghị quyết số 85/2014/QH13 và trình Quốc hội sửa đổi cho phù hợp./.


Theo VOV