12:02, 07/02/2019

Giữ gìn một chút nghề xưa

Trong ký ức nhiều người chắc vẫn thường nhớ về những món đồ chơi quê kiểng, giản dị là những con tò he, con cào cào lá dừa… Khi bất chợt gặp lại những hình ảnh đó, một thế giới tuổi thơ như ùa về trước mắt.

Trong ký ức nhiều người chắc vẫn thường nhớ về những món đồ chơi quê kiểng, giản dị là những con tò he, con cào cào lá dừa… Khi bất chợt gặp lại những hình ảnh đó, một thế giới tuổi thơ như ùa về trước mắt.


Một vé đi về tuổi thơ


Có một thời trẻ thơ trở về từ trong hoài niệm, nơi có những buổi chiều rong ruổi trên cánh đồng quê; có những trưa hè ngụp lặn trong dòng nước mát; có những nỗi niềm mong ngóng mẹ về từ chợ xa… Hạnh phúc của một thuở vô ưu, vô lo nhiều khi chỉ đơn giản được gói trọn trong những món quà quê là chiếc bánh đa vừng, gói kẹo bột hay những thứ đồ chơi mộc mạc mà thôi. Tôi đã lớn lên cùng hình ảnh những con tò he ngộ nghĩnh, những con vật được làm từ lá dừa rất đỗi thân quen. Những hình ảnh đó, ghi ghim, như níu chặt vào tâm hồn trong trẻo của một cậu bé quê. Để giờ đây, những ký ức đẹp đẽ như bến đậu bình yên mà ta tìm về sau những bôn ba.

 

Nghệ nhân Nguyễn Yến đang thao tác làm một chú cào cào lá dừa.

Nghệ nhân Nguyễn Yến đang thao tác làm một chú cào cào lá dừa.


Ngày đó, lũ trẻ quê chúng tôi thích nhất là mỗi lần theo chân mẹ đi chợ huyện. Chợ huyện nghèo mà sao có sức lưu luyến tâm hồn đến lạ. Nơi ấy, hội tụ những sắc màu, hình ảnh vừa mang nét thân thuộc, vừa có chút hơi thở của cuộc sống thị thành. Nhưng ai cần bận tâm đến những điều đó. Bọn trẻ chúng tôi đi chợ là để được thỏa sức chạy nhảy, ngắm nghía khám phá cái không gian đông đúc đó. Chợ huyện tháng họp hai phiên, nên mỗi lần họp người dân của toàn huyện đều đổ dồn về để mua qua, bán lại những thứ mình có, mình cần. Với chúng tôi, điểm đến cuối cùng sau một vòng dạo chợ luôn là khoảng đất trống ở góc chợ. Nơi đó, như một thiên đường của trẻ thơ với hàng loạt những ô hàng quà đầy hấp dẫn. Chỗ này là chú bán kem, nơi kia cô bán kẹo, bên trái bà cụ bán đồ mỹ ký, bên phải là chị bán chè… Nơi thu hút lũ trẻ con nhiều nhất vẫn là nơi có những người ngồi nặn tò he, làm các con vật bằng lá dừa. Những con tò he hình rồng, phượng hay các loài vật, hình các nhân vật trong truyện được bàn tay của người nghệ nhân già thoăn thoắt nặn ra với những màu xanh đỏ tím vàng đẹp mắt. Chỉ với một cây kéo trên tay, thoáng chốc những con cá, con cào cào, con trâu… cũng được hiện ra có hồn có dáng.  


Truyền chút niềm vui


Bẵng đi một thời gian dài, tôi tình cờ gặp lại hình ảnh người nặn tò he, làm con vật bằng lá dừa ngay trong khuôn viên của một khu du lịch sang trọng ở Nha Trang. Người nghệ nhân già ấy, âm thầm, tỉ mẫn ngồi làm những sản phẩm đầy màu sắc hoài niệm để dành tặng cho du khách. Đồ nghề của ông thật giản dị: một chiếc thùng giấy, trên đó đặt một tấm xốp để cắm những que tre nhỏ có gắn hình các con giáp, hình Quan Công, hình Tôn Ngộ Không, cào cào, châu chấu, cua cá... Cũng với những mẩu bột gạo nếp được tẩm màu, những cọng lá dừa, người nghệ nhân khéo léo tạo hình người, hình vật. Ngồi nhìn ông làm, cả một thế giới tuổi thơ như chợt ùa về trong tôi.

 

Nghệ nhân Nguyễn Yến đang trình diễn nặn tò he cho du khách xem.

Nghệ nhân Nguyễn Yến đang trình diễn nặn tò he cho du khách xem.


Lân la trò chuyện cùng ông, tôi được biết ông là Nguyễn Yến, nhà ở số 34 đường Phan Đình Giót (TP. Nha Trang). Hơn 10 năm nay, ông dành nhiều thời gian, công sức để theo đuổi nghề làm những món đồ chơi dân gian này. “Tôi biết nghề này cũng là do tự học. Bởi tôi thấy nó như chút văn hóa của người xưa muốn truyền lại cho mai sau. Nếu để đánh mất thì sẽ rất thiệt thòi cho lớp trẻ sau này. Vì thế khi thạo nghề, tôi đã luôn cố gắng tìm cách để giới thiệu nét đẹp của nghề đến với đông đảo mọi người”, nghệ nhân Nguyễn Yến cho biết.


Trong suốt những năm qua, hàng tuần ông đều đến các khách sạn, khu nghỉ dưỡng để trình diễn việc nặn tò he cho du khách trong và ngoài nước thưởng thức. “Chúng tôi thường mời nghệ nhân Nguyễn Yến đến trình diễn bởi du khách nước ngoài rất thích các sản phẩm ông làm. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn để du khách còn có thể tự tay làm ra những sản phẩm cho mình”, đại diện khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay cho biết. Đối với ông Yến, trong những chuyến đi ấy, chuyện tiền bạc thường không quan trọng. Ông chỉ lấy tiền của các cơ sở du lịch hoặc các đơn vị tổ chức sự kiện mời ông đến. Còn các sản phẩm làm ra, ông dành tặng lại cho khách. Ông thường làm sẵn rất nhiều con tò he, con vật bằng lá dừa để có thể tặng được nhiều người. Với tình cảm đó, nên trong những năm qua ông Yến đã đến trình diễn nghề nặn tò he ở nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn như: Six Senses Ninh Van Bay, Amiana Resort, Mia Resort, Vinpearl Land Nha Trang, Sunrise Nha Trang… Nhìn vào lịch đi trình diễn trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 của ông mới thấy được sự quan tâm của nhiều người dành cho nghề dân gian này. “Tôi rất thích xem làm tò he và con vật bằng lá dừa. Chỉ với những vật dụng và thao tác đơn giản, nhưng đã tạo nên những sản phẩm thật đẹp. Nhìn thấy nó, những ký ức tuổi thơ như trở về”, bạn Nguyễn Kim Cương - nhân viên một công ty du lịch chia sẻ.


Trong niềm vui với nghề, ông Yến vẫn canh cánh nỗi lòng vì nghề xưa đang dần mai một. Mong muốn của ông là vào những dịp lễ, Tết, hay các sự kiện lớn, những người như ông có một không gian để trình diễn, như là cách lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.


Giang Đình