Mỗi ngôi nhà đều có một cái bếp. Bếp tùy vùng miền, tùy thôn quê hay thành thị mà có thay đổi khác nhau. Nếu bếp ở những ngôi nhà chung cư chiếm một phần nhỏ bé trong nhà, thì những ngôi nhà được xây dựng rộng, bếp giống như một chỗ riêng cho sự tụ họp của gia đình.
Mỗi ngôi nhà đều có một cái bếp. Bếp tùy vùng miền, tùy thôn quê hay thành thị mà có thay đổi khác nhau. Nếu bếp ở những ngôi nhà chung cư chiếm một phần nhỏ bé trong nhà, thì những ngôi nhà được xây dựng rộng, bếp giống như một chỗ riêng cho sự tụ họp của gia đình. Đó là nói về cái bếp chung trong gia đình người Việt. Bếp ngày Tết lại là một chuyện khác. Người xưa vẫn thường nói: Bếp là nơi giữ lửa trong gia đình. Bếp còn là nơi người phụ nữ chế biến món ăn, tạo ra những bữa cơm gia đình, gắn kết những con người sống chung một mái nhà lại với nhau.
Bếp có thể hiện đại với thiết kế đẹp, đồ dùng sang trọng, với gas tự động, lò nướng, lò vi sóng và nhiều thứ máy đa dụng giúp cho người nội trợ trong gia đình giảm bớt thời gian nấu nướng. Bếp đôi khi chỉ là một chái nhà tách rời với nhà chính như ở các làng quê vẫn thường xây dựng, có thể dùng củi tìm được từ những nhánh khô trong vườn nhà, khói mù bay lên mỗi khi nhóm bếp. Nhưng bếp phải cháy lửa hàng ngày, bữa cơm gia đình mỗi ngày cần phải có.
Bước chân vào bếp những ngày cuối năm, không phân biệt nhà giàu hay nghèo, nơi đó trở thành một chỗ dự trữ thực phẩm. Giờ đây, nhu cầu “ăn” đã giảm, ngày Tết chuyển qua thành đi chơi Tết, nhưng bếp Tết luôn đầy ắp thức ăn dự trữ.
Bếp ngày Tết ấm ngay từ sáng mùng một. Theo phong tục xưa thì lửa phải được giữ từ ngày đầu năm. Ở thôn quê còn dùng củi, than làm nhiên liệu nấu nướng thì ủ cục than lớn trong lớp tro. Buổi sáng mùng một, thường thì người lớn tuổi thức dậy, khêu cục than hồng, bỏ ít rơm rạ khô vào mà thổi bùng ngọn lửa đầu năm. Nồi nước bắc lên đầu tiên để pha trà rót cúng bàn thờ Phật, cúng ông bà tổ tiên trước khi xuất hành đầu năm.
Bếp quanh năm bụi bặm, đôi khi mạng nhện, bồ hóng do nấu nướng quanh năm giăng đầy, những ngày cuối năm được dọn sạch để đón một năm mới mẻ. Những nồi niêu nấu quanh năm bị lớp khói bám đen cũng được đem ra cạo rửa cho mới, chén đũa trong tủ cũng đem ra rửa lại, dọn mọi thứ đồ vật cho tươm tất.
Không bếp nhà nào không đầy ắp thức ăn những ngày Tết. Gạo được mua đổ vào đầy thạp, dù mấy ngày Tết chẳng ai ăn cơm. Tiếp theo là nồi thịt gà, thịt heo hay cá kho mặn để trữ ăn mấy ngày Tết. Nồi thịt kho mặng, chả lụa, nem chua, củ kiệu, tôm khô, lạp xưởng… những món gần như không thể thiếu trong các gia đình. Thật ra, ngày Tết người ta ăn không nhiều, thực phẩm dự trữ để tụ họp bạn bè, anh chị em trong gia đình cùng về tụ lại cho vui.
Bếp ngày thường đôi khi chỉ có mẹ, có chị bắc nồi cơm lên, sau đó lặt rau làm món canh, món kho, món xào… Bếp ngày Tết, nhất là bếp chiều ba mươi, cả nhà xúm xít nấu nướng. Món ăn ngày cuối năm là chút canh, món mì xào, đĩa thịt kho, tất nhiên không thiếu con gà trống thiến. Thú vị nhất là tự gói từng cuốn chả ram, bỏ vào trong chảo dầu chiên giòn, chấm vào chén nước chấm, ăn kèm với rau sống thấm đẫm mùi thơm ngon.
Ngày Tết là ngày rảnh rang, tự do. Con cái đi chơi không cần về đúng bữa, khách tới thăm nhà cũng không cần coi giờ giấc. Cứ đi về bất cứ giờ nào, đói bụng là vào bếp. Bếp Tết đầy thức ăn đó. Chỉ việc cho bếp đỏ lửa, hâm nóng thức ăn. Lấy rau ra, nhúng dăm chiếc bánh tráng, lấy củ kiệu tôm khô, chả lụa và không thể thiếu lát bánh chưng hoặc bánh tét, thế là cũng xong bữa.
Bếp Tết đầy ắp thức ăn còn chứng tỏ sự sung túc của gia đình đã có một năm làm ăn no đủ.
Khuê Việt Trường