01:01, 28/01/2017

Tư tưởng của Bác về công bộc của dân

Trong thư gửi "Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân...

Trong thư gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Lần đầu tiên, Bác dùng từ “công bộc của dân” để chỉ cán bộ, công chức nhà nước với một tư tưởng hoàn toàn mới.


Giá trị tinh hoa của nhân loại


Theo từ điển Hán - Việt, công có nghĩa là của chung, bộc có nghĩa đầy tớ, cụm từ “công bộc của dân” có nghĩa là “người đầy tớ chung của dân” hay người đầy tớ công vụ.

 


Trên thế giới, ý tưởng và khái niệm công chức nhà nước là công bộc của dân đã có từ rất lâu. Khái niệm này có lẽ đã được bắt nguồn từ nền dân chủ đầu tiên, từ thời Hy Lạp thời cổ đại. Ở phương Tây, khái niệm “người lãnh đạo là người đầy tớ phục vụ” được phổ biến đầu tiên qua sự truyền bá của đạo Thiên Chúa giáo. Trong Tân Ước có viết: “Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: Anh em biết, người được coi là thủ lĩnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em, và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. (Wikipedia tiếng Việt)


Nhà công nghiệp Mỹ Rockefeller cũng nói một câu, hiện câu nói này được khắc tại Rockefeller Centre: “Tự do ngự trị trong các giá trị (quyền) tối cao của cá nhân, trong một chính phủ là đầy tớ của mọi người, không phải chủ nhân của họ, và trong một xã hội mà trong đó mọi người đều có cơ hội để sống, nhưng trong đó không ai nợ ai (đều bình đẳng)”.  


 Ở phương Đông, Chanakya là một nhà hiền triết Ấn Độ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, đã viết trong cuốn sách Luận về bổn phận mà một số tác giả nước ngoài thường dịch là Khoa học chính trị: “Vua chúa (người lãnh đạo) là một đầy tớ được trả lương và chia sẻ tài nguyên quốc gia chung với mọi người” .


Lần tìm trong sách cổ, cách nay hơn hai ngàn năm có chuyện Liễu Tôn Nguyên thời nhà Đường mời rượu tiễn bạn là Tiết Tồn Nghĩa đi làm quan, khuyên rằng: “Phàm ra làm quan ở hạt nào, phải biết chức phận của mình là người làm việc cho dân, chứ không phải sai dân làm việc cho mình. Dân ở trong hạt đã chịu nộp thuế, để lấy tiền thuê quan giữ sự công bình cho dân...”.


Dĩ nhiên, những tư tưởng tiến bộ mang tính “mở đường” này trên thế giới chỉ là giá trị mà bao thế hệ âm thầm hướng đến. Thực tế, châu Âu trong suốt đêm trường Trung cổ, những tư tưởng tiến bộ đó bị nhà nước phong kiến cấm đoán triệt để, song vẫn không cấm được các triết gia nghiên cứu về vấn đề này, đặc biệt là trong thời kỳ Khai sáng đầu thế kỷ XVIII - đại diện chói sáng là Jean - Jacques Rousseau với tác phẩm Khế ước xã hội. Tư tưởng xuyên suốt của ông là khi khế ước xã hội hình thành, nhà nước sẽ được khai sinh và quyền tối thượng thuộc về nhân dân chứ không phải chính quyền. Khái niệm nhà nước “của dân, do dân, vì dân” lần đầu tiên xuất hiện với định nghĩa rõ ràng. Những tư tưởng tiến bộ này đã châm ngòi cho cuộc Cách mạng Tư sản Pháp 1789 lật đổ chế độ chuyên chế và sự thống trị của Giáo hội, thần dân trở thành công dân, những khái niệm “tự do, bình đẳng, bác ái” mới định hình và đặt nền móng trở thành mục tiêu đấu tranh. Còn ở phương Đông và riêng nước ta, chế độ phong kiến với nền móng Nho giáo, quan niệm vua là Thiên tử thay mặt trời cai trị thiên hạ, quan lại là cha mẹ của dân (phụ mẫu chi dân) tồn tại đến tận trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.


Tư tưởng của Bác về công bộc của dân


Khi Bác dùng chữ “công bộc của dân”, chúng ta có thể hiểu Bác đã nghiên cứu, hấp thu những tinh hoa tư tưởng tiến bộ nhất của nhân loại về nhà nước một cách nhuần nhuyễn.


Trở lại với bài báo Người viết năm 1945 trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó có nhiệm vụ điều hành bộ máy nhà nước vừa bắt đầu vào nền cộng hòa non trẻ và nặng tàn dư phong kiến, quan lại là “phụ mẫu chi dân” nên đã dùng khái niệm công bộc để hướng dẫn cán bộ, công chức phục vụ nhân dân chứ không phải là những ông quan cánh mạng.  


Trong tập “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” có một câu chuyện: Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Bác viết thư mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra làm việc. Nhận được thư, cụ Huỳnh lập tức lên tàu ra Hà Nội, đến nghỉ ở nhà khách Chính phủ chờ diện kiến vị lãnh tụ tối cao của đất nước. Với chủ đích gặp được Bác Hồ rồi là về, nên hành lý mang theo của cụ Huỳnh chỉ có một bộ quần áo. Sau buổi tiếp kiến, cụ Huỳnh có chào Bác ra về nhưng Bác nói: “Tôi mời huynh ra đây là để làm việc chứ không phải để diện kiến”. Cụ Huỳnh thành thật: “Cám ơn cụ Chủ tịch, làm việc tức là làm quan, dân ghét, dân coi thường”. Bác Hồ nói: “Cách mạng thành công rồi, cán bộ không phải là quan, mà là công bộc của dân”. Cụ Huỳnh - một chí sĩ suốt đời từ chối làm quan đã cảm động, nhận lời ở lại giúp việc Hồ Chủ tịch.


Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “công bộc” là phẩm chất đầu tiên, cần thiết nhất của người cán bộ, nó chi phối, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành các đức tính cần thiết khác của đạo đức người cách mạng. Điều này được thể hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào đều biết đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích cá nhân của bản thân mình; biết hi sinh những lợi ích vật chất, tinh thần của cá nhân, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, vất vả, thậm chí hi sinh cả bản thân vì lợi ích chung...


Ngược lại với “công bộc” là “chủ nghĩa cá nhân”. Ngày 3-2-1969, kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, Báo Nhân Dân trong mục Xã luận đã đăng bài của Hồ Chủ tịch “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Người viết: Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật kém tinh thần trách nhiệm không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.

* * *


Từ lời dạy và cuộc đời hoạt động của Bác Hồ ta có thể hiểu văn hóa công bộc là đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu; gần gũi dân và biết học hỏi từ nhân dân, biết dựa vào dân; có khuyết điểm thì phải tự phê bình trước nhân dân; gương mẫu trong công việc và trong nếp sống để nhân dân noi theo... Cán bộ xa dân, không hiểu tâm tư nguyện vọng của dân, thậm chí còn coi thường dân, hách dịch với dân là loại cán bộ quan liêu, thiếu văn hóa, nói chính xác hơn là không có văn hóa công bộc. Những người này làm cho dân xa Đảng. Công bộc của nhân dân mà không có văn hóa sẽ là chướng ngại vật, là lực cản của sự nghiệp cách mạng, lực cản của công cuộc đổi mới, phát triển.


Tư tưởng công bộc của dân, Chính phủ phục vụ dân đang là thực tế phổ biến trong các nhà nước dân chủ, chẳng qua chỉ khác nhau cách diễn đạt. Chẳng hạn các nước phương Tây chỉ rõ anh ăn lương nhà nước tức là từ tiền thuế của dân nên trách nhiệm của Chính phủ là phục vụ nhân dân. Tư tưởng này mang giá trị chung của nhân loại về bản chất nhà nước.


Bài báo của Người ra đời hơn 70 năm trước vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Tư tưởng của Người giản dị, cụ thể và luôn đi trước thời đại, dẫn dắt và định hướng cho chúng ta vươn lên.

Trần Duy