Với ngư dân Thủy Đầm, Hoàng Sa từ lâu đã trở thành chốn đi về quen thuộc trong hành trình mưu sinh, giữ biển của họ. Không biết từ bao giờ, nghề câu cá nhám ở Hoàng Sa đã ngấm sâu vào máu thịt những ngư phủ nơi đây.
Với ngư dân Thủy Đầm, Hoàng Sa từ lâu đã trở thành chốn đi về quen thuộc trong hành trình mưu sinh, giữ biển của họ. Không biết từ bao giờ, nghề câu cá nhám ở Hoàng Sa đã ngấm sâu vào máu thịt những ngư phủ nơi đây.
Một góc làng Thủy Đầm |
Truyền thống làng câu
Chúng tôi về làng biển Thủy Đầm (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) một chiều cuối năm. Trong cái nắng hanh vàng, các ngư phủ đang chuẩn bị đồ nghề cho một mùa biển mới. Tiếng là chuẩn bị đồ nghề, nhưng ngư cụ thật ra rất đơn giản. Không lưới, không mành, đi tới đâu cũng toàn lưỡi câu “khủng”. Không giống với những làng chài khác, người dân Thủy Đầm bao đời nay chỉ làm mỗi nghề câu cá nhám, loài cá được mệnh danh “hung thần của đại dương”. Làng câu được hình thành từ khi nào cũng chẳng mấy ai nhớ, chỉ biết rằng từ đời ông, đời cha, rồi đến đời con, đời cháu đều làm nghề này. Cá nhám mà ngư dân Thủy Đầm bắt được có con nặng 3 - 4 tạ, miệng rộng ngoác, hàm răng sắc lạnh. Đã có nhiều tay sưu tầm kỳ công lang thang ở Thủy Đầm gạ mua những hàm răng cá nhám để về trưng bày. Còn ngư dân Thủy Đầm thì tin rằng, đeo răng cá nhám trong người sẽ tránh được hiểm nguy khi đi biển. Ngồi buộc lại lưỡi câu bên mép sóng, lão ngư Lê Non sang sảng kể: “Làng này có từ lâu lắm rồi. Đàn ông ở đây mới 5 tuổi đã biết ra biển lặn ngụp. Tôi 12 tuổi đã theo cha ra biển. Nghề câu cá nhám đã có từ lâu, nhưng từ sau năm 1975 nghề này mới rộ và trở thành nghề kiếm sống chính cho cả làng”.
Thành quả của ngư dân làng Thủy Đầm sau chuyến biển cuối năm. |
Kể cũng lạ, một làng nhỏ với vài trăm nóc nhà nhô ra mép biển, quanh năm chịu sóng gió, hơi mặn phủ lên khắc nghiệt, vậy mà họ lại chọn cái nghề đầy nguy hiểm. Đưa tôi ra đình Thủy Đầm, anh Phan Quang, người được mệnh danh là “kình ngư Hoàng Sa” say sưa kể về nghề truyền thống của làng. Đình làng Thủy Đầm còn lưu giữ được nhiều sắc phong của nhà Nguyễn. Hàng năm, đình làng là nơi tổ chức lễ hội cầu ngư. Thật thú vị, không gian thờ phụng ở đình Thủy Đầm cũng nhiều sự khác biệt. Bên cạnh đình là các miếu mạo nhỏ hơn nằm liên kế. Hỏi ra mới biết, hóa ra những am, miếu đó là nơi để người dân thắp nhang cầu bình an cho người đi câu cá nhám.
Kéo cá nhám ra khỏi khoang |
Nói chuyện săn cá nhám, anh Quang nhớ lại mấy chục năm trước, người làng câu Thủy Đầm ra khơi trên con tàu nhỏ xíu. Có khi câu được con cá nhám voi to gần bằng chiếc tàu, phải buộc vào tàu để kéo về. Trong những chuyến đi câu, ngư dân nhiều lần chạm mặt với cá nhám trắng. Trong ký ức anh Quang, ngày xưa, chỉ cần đi vài hải lý là đã câu được cá nhám, mỗi lần câu được 1 - 2 con là phải dong tàu vào bờ rồi mới đi tiếp. Lần hồi biển khó, ngư dân Thủy Đầm phải sắm thuyền lớn để ra tận ngư trường Hoàng Sa săn cá nhám.
Vượt sóng gió
Rời đình Thủy Đầm, theo chỉ dẫn của anh Quang, chúng tôi tìm đến cảng cá Ninh Hải - nơi tàu câu cá nhám của ngư dân Thủy Đầm cập bờ. Ngày cuối năm, cảng cá Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) như hối hả hơn. Anh Phan Hoan - thuyền trưởng tàu KH94969TS, làng Thủy Đầm cho biết, chuyến biển vừa rồi, tàu anh gặp giông tố. Những đợt sóng cao liên tiếp dội xuống boong tàu, chốc chốc lại hất ngược con tàu lên không. Trong buồng lái, thuyền trưởng Phan Hoan căng mắt, ghì chặt tay lái, những người khác thì ra sức giữ cho máy tàu không bị tắt để kịp bơm nước trong tàu ra, giữ cho tàu không chìm. “Đó là một trong những lần mà tôi cùng hơn chục bạn thuyền phải rã rời trong sóng gió. Tuy đã điều khiển tàu chạy tránh thời tiết xấu nhưng không kịp nên chúng tôi đành chịu trận tả tơi” - anh Hoan chia sẻ.
Ông Lê Non với nỗi nhớ biển, nhớ những ngày rong ruổi đuổi theo đàn cá nhám |
Với ngư dân Thủy Đầm, trong những chuyến biển ra Hoàng Sa, không ít lần họ phải chạy tránh bão hoặc bị tàu Trung Quốc vây ép. Hơn chục năm câu cá nhám ở Hoàng Sa, có lẽ những ngày “sóng gió” lớn nhất mà ngư dân Phan Hạnh, thuyền trưởng tàu KH7326TS trải qua là khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. Anh Hạnh nhớ lại: “Giữa tháng 5-2014, khi tàu của chúng tôi đang ở đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì tàu Trung Quốc bất ngờ xuất hiện. Họ bắn chỉ thiên liên tục nhằm uy hiếp. Cùng với tàu của chúng tôi còn có tàu KH94969TS do anh Phan Hoan làm thuyền trưởng. Thấy nguy, chúng tôi chạy về 2 hướng. Tàu tôi tiến về phía Bắc, còn tàu của anh Hoan chạy về phía Nam. Dù chúng dùng súng uy hiếp, anh em trên tàu vẫn không hề nao núng. Chúng tôi cho tàu chạy lòng vòng để tránh sự rượt đuổi của tàu Trung Quốc. Sau hơn nửa ngày không vây ép được, họ mới chịu buông tha...”.
Sau bao gian nan, chuyến biển trở về từ Hoàng Sa của ngư dân làng Thủy Đầm thêm rộn ràng khi cá nặng đầy khoang. Anh Hạnh vui mừng cho biết, chuyến này tàu anh câu được hơn 70 con cá nhám với sản lượng hơn 6 tấn. Ngoài cá nhám, một số loại cá khác như cá hồng, cá bè... cũng được mấy chục con. Chỉ tính riêng cá nhám, bán cả vây lẫn thịt được khoảng 350 triệu đồng. Không chỉ vậy, chuyến biển này ngắn ngày, xăng dầu, phí tổn thấp nên tàu anh thu lãi gần 200 triệu đồng. Cùng chung niềm vui, bạn câu Trần Văn Lực trên tàu anh Phan Hạnh cười khà khà: “Chuyến đi vừa rồi tuy gặp giông tố nhưng hơn chục tàu câu cá nhám của ngư dân Ninh Thủy đều đầy ắp cá. Tính ra mỗi bạn câu cũng được chia chục triệu đồng, với số tiền này có thể lo được cái Tết đầm ấm rồi”.
Tiếp bước cha ông
Đến làng Thủy Đầm không khó để gặp những gia đình nhiều đời câu cá nhám. Gia đình anh Phan Cảo cũng đã có mấy đời câu cá nhám. Trong trí nhớ anh Cảo, tuổi thơ của anh là những ngày theo mẹ ra biển ngóng từng chuyến thuyền câu của cha trở về. Lớn lên một chút, anh theo cha ra biển. Mấy chục năm gắn bó với nghề, anh Cảo thuộc nằm lòng từng bước di chuyển của đàn cá, quen thuộc đường đi lối về từ Hoàng Sa. “Câu cá nhám khắp các vùng biển Việt Nam, tôi thấy không đâu nhiều cá nhám như ở Hoàng Sa. Chính vì vậy mà bao đời nay, cha ông chúng tôi đã tiếp bước nhau ra đây làm nghề. Không biết từ bao giờ, Hoàng Sa đã trở thành ngư trường truyền thống của ngư dân làng Thủy Đầm” - anh Cảo tâm sự.
Thế hệ trẻ ở Thủy Đầm vẫn tiếp nối nghề săn cá nhám của cha, ông |
Tiếp bước anh Cảo, những ngày này, những ngư dân trẻ tuổi mới mười tám, đôi mươi cũng tất bật sắm sửa đồ nghề trở lại Hoàng Sa thực hiện một mùa câu mới. Đang thoăn thoắt buộc lưỡi câu vào sợi cước to như đầu đũa, ngư dân trẻ Phan Kim hồ hởi: “Mùa biển trước, làng này trúng cá nhám, năm nay hy vọng biển cho lộc, bà con có một mùa cá bội thu. Mấy anh em trẻ tuổi như tôi đang chuẩn bị để đi Hoàng Sa. Đời cha, anh mình đã bao năm gắn bó với nghề này, giờ đây bọn tôi chính là lớp kế cận giữ nghề truyền thống của làng”. Nhìn ánh mắt sáng lấp lánh và gương mặt dạn dày sóng gió của chàng trai mới ngoài 20 tuổi, tôi như thấy được sự quyết tâm bám biển, bám ngư trường của một trong những người trẻ ở làng biển Thủy Đầm.
Sau một ngày đi khắp Thủy Đầm, chúng tôi lại trở về gia đình ngư phủ Lê Non với mong muốn góp nhặt thêm những câu chuyện câu cá nhám ở Hoàng Sa. Nhấp ngụm trà, lão ngư Lê Non khề khà: “Nghề câu cá nhám ở Thủy Đầm là nghề truyền thống, tiếp nối từ đời này sang đời khác, đến nay càng phát triển hơn với đội tàu to có thể tiến ra biển xa. Tôi vui khi các thế hệ con, cháu vẫn giữ nghề truyền thống của làng. Tôi vẫn thường nói với con cháu mình rằng: ra Hoàng Sa câu cá nhám không đơn thuần chỉ là cuộc mưu sinh mà còn là việc giữ ngư trường truyền thống của cha ông để lại, giữ từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc”.
BÍCH LA - HẠ LINH