12:02, 20/02/2015

Du kích A Cho và câu chuyện của đại ngàn

Một ngày cuối năm, tôi trở lại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa). Trong ánh nắng hanh hao, ẩn giấu cái lạnh sương núi cuối đông xạc xào lau lách chợt kéo bước chân tôi thêm một lần về vùng núi phía Tây của xứ Trầm Hương - nơi chưa bao giờ thôi ám ảnh, mời gọi những người ưa phiêu du, khám phá.

Một ngày cuối năm, tôi trở lại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa). Trong ánh nắng hanh hao, ẩn giấu cái lạnh sương núi cuối đông xạc xào lau lách chợt kéo bước chân tôi thêm một lần về vùng núi phía Tây của xứ Trầm Hương - nơi chưa bao giờ thôi ám ảnh, mời gọi những người ưa phiêu du, khám phá.

 

1
 A Cho chỉ dạy kỹ năng bắn ná cho dân quân xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn.


Đứng trên đỉnh đèo, thả cái nhìn lên phía Tây - nơi dòng Tô Hạp chảy ngược về hướng mặt trời lặn, tôi chợt nghĩ đến những chiều kích của đất và người Khánh Sơn. Mảnh đất từng là thủ phủ của loài cây tô hạp hương, cũng là quê hương của đàn đá đã sản sinh ra những người Raglai lành như đất, như cây, nhưng cũng thông minh, mạnh mẽ, từ ngàn đời nép mình vào đại ngàn để nhờ sự chở che của bà mẹ thiên nhiên mà nên hạt lúa, củ mì, làm nên những người anh hùng như Bo Bo Tới… Dẫu rừng núi nay đã không còn như xưa, nhưng vẫn còn đó không gian đậm chất sử thi của đại ngàn, vẫn tiềm ẩn những tầng chất văn hóa đặc trưng Raglai vốn đã và mãi mãi làm say lòng các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như bộ Akhàt jucar (một lối hát kể bằng văn vần) mãi mãi “chảy” theo dòng Tô Hạp mà lưu truyền trong dân gian.

Trong những lần lên Khánh Sơn, khi được đắm lòng trong giọng hát kể đều đều của bà Quang - nghệ nhân Akhàt jucar, kể về ông bà Cơi Masrĩh - Mỏq Vila cổ xưa đã trồng cây, xây núi tạo nên vùng đất, con người Raglai; Udai-Ujàc (có đề tài chiến tranh, như kiểu sử thi Xinh Nhã của người Êđê); Amã Chi Maja (Chàng Chi Maja) - chuyện một chàng trai Raglai tài giỏi xua đuổi thú dữ, giúp dân làng có cuộc sống yên lành… Bất chợt, tôi đã phải giật mình bởi giọng kể đều đều, liền mạch từng chữ: “A… ơi… ơi ơ du kích Năm A Cho chân bước nhanh như con nai rừng à mắt nhìn tinh như con sóc… ơi… ơi ơ… du kích Năm A Cho… đánh giặc như bẻ bắp, bình tĩnh như đan gùi… cái thằng giặc chết mày ơi”.

Thấy tôi ngạc nhiên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mấu Quốc Tiến rỉ rả cho biết: Đoạn vừa nghe là một đoạn trong “dây” sử thi hát kể về ông Năm A Cho (tên thật là Chamaliaq A Cho) - người du kích “huyền thoại” nhưng hiện hữu bằng xương, bằng thịt ở Khánh Sơn này. Lại thêm một ngạc nhiên, thì ra không chỉ tên cây, tên suối thành tên đất, mà đến cả tên của một người du kích bình dị cũng quyện vào dòng sử thi. Chuyện rằng, A Cho là một chàng thanh niên nghèo. Chứng kiến quê hương bị giặc Pháp đàn áp, vơ vét, bóc lột từng gùi bắp, gùi khoai, đến từng của ngon, vật lạ quý hiếm như: xương hổ, mật gấu, trầm kỳ, nhựa cây tô hạp..., A Cho tìm gặp cán bộ cách mạng xin được chiến đấu, bảo vệ buôn làng.

 

1
A Cho và người chị gái là mẹ Việt Nam anh hùng.



Báo cáo thành tích của ông ở xã Ba Cụm Bắc vẫn còn lưu nhớ hình ảnh một A Cho nhỏ nhắn, nhưng thông minh, lanh lợi khi làm nhiệm vụ liên lạc, vận chuyển vũ khí, cùng cán bộ người Kinh vận động nhân dân đánh giặc… Người du kích Raglai ấy với đội du kích huyền thoại mang tên ông đã khiến đồng đội, đồng bào đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi lập nên những chiến công từ những cách nghĩ, cách đánh giặc không giống ai nhưng vô cùng hiệu quả. Trong hàng chục chiến công của A Cho, người dân Raglai vẫn nhớ về lối đánh giặc “như bẻ bắp” của ông. Chuyện rằng, hồi ấy, nhiều lần thấy địch càn quét các buôn làng để bắt cán bộ, đốt nhà, bắt heo, gà…, A Cho rất nóng lòng tiêu diệt địch. Nhiều lần xin cấp trên trang bị vũ khí để đánh địch, ông chỉ nhận được một câu trả lời: Chiến trường Khánh Hòa chưa được phép vũ trang nên A Cho cứ về, bao giờ Trung ương cho lệnh nổ súng thì tha hồ mà đánh. Trên đường về, người du kích ấy cứ ấm ức. Nhưng ông chợt nghĩ, cán bộ nói vậy là cách mạng chỉ cấm nổ súng chứ không cấm đánh giặc, mình có thể đánh giặc mà không có tiếng nổ. Nghĩ là làm, ông cùng đội du kích của mình chuẩn bị ná thật to, mũi tên thật nhọn… để chuẩn bị đánh địch.

Dịp may đến, tháng 2-1960, địch ở Cam Ranh do tên Thiếu úy Trần Châu dẫn trung đội bảo an lên càn quét. A Cho cùng tổ du kích phục sẵn ở một hòn đá to tại Suối Giá, lựa thế bắn gục tên Châu cùng thằng lính liên lạc khiến địch rối loạn. Nhìn tên Châu miệng sùi bọt mép vì trúng tên độc, cả trung đội khiếp sợ vội vàng khiêng xác chỉ huy về Cam Ranh. Việc đội du kích Năm A Cho dùng vũ khí tự tạo bẻ gãy trận càn của địch đã gây tiếng vang lớn. Cũng bắt đầu từ đó, phong trào đánh Mỹ, ngụy bằng hầm chông, bẫy đá, cung tên… đã lan rộng khắp vùng rừng núi phía Tây Khánh Hòa, sang cả Bác Ái - Ninh Thuận. Riêng du kích A Cho với cây ná của mình đã tiêu diệt thêm 15 tên địch. Hồi đó, để thưởng công, Tỉnh đội Khánh Hòa đã tặng cho A Cho một cây súng CKC cùng 60 viên đạn. Với cây súng này, A Cho đã lần lượt diệt thêm 13 tên Mỹ, ngụy cùng một chiếc máy bay trực thăng. Từ năm 1961, với vai trò là Xã đội trưởng Ba Cụm, ông đã chỉ huy du kích địa phương phối hợp với bộ đội bắn rơi máy bay, đẩy lùi nhiều trận càn của địch… Để rồi từ đó, bản Akhàt Jucar của người Raglai được nối thêm câu chuyện kể về A Cho và đội du kích cùng tên...

Sau chiến tranh, A Cho không còn làm chỉ huy du kích. Nhưng mỗi khi có dịp, ông vẫn truyền cho con cháu kinh nghiệm về bắn ná. Di chứng chất độc hóa học mà ông nhiễm phải trong thời chiến tranh đã làm vợ chồng ông không có con. Về già, ông sống với người cháu ở căn nhà tình nghĩa ngay đầu xã Ba Cụm Bắc… cho đến năm 2003, ông lặng lẽ đi về đại ngàn.

Theo ông Mấu Thái Cư - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, khoảng năm 2000, huyện đã làm hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng ông Năm A Cho danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Thế nhưng, lúc ấy, do chuẩn bị hồ sơ chưa được kỹ lưỡng nên không thành. Theo những người từng gắn bó với Khánh Sơn, hiểu biết nhiều về du kích A Cho, việc ông không được phong tặng danh hiệu Anh hùng là một thiệt thòi đối với cá nhân ông cũng như địa phương. Nhà báo Lê Bá Dương, người từng nhiều lần gặp Năm A Cho nhận xét: “Thành tích của những người khác là thể hiện hành động anh hùng trong những khoảnh khắc cần thiết. Với ông A Cho, hành động anh hùng xuất phát từ bản chất, bộc lộ và tỏa sáng không chỉ một lần mà suốt cả chặng dài tham gia cách mạng. Đặc biệt, thành tích của ông, hành động anh hùng của ông có tác động mạnh mẽ, lan tỏa và có tác động sâu rộng đến nhiều người, đến phong trào thi đua yêu nước và trực tiếp cổ vũ cho phong trào thi đua lập công của các đơn vị, địa phương…”.  

Ông A Cho ra đi đã hơn 10 năm, nhưng tên tuổi của ông vẫn còn mãi cùng dòng sử thi hùng tráng của đại ngàn. Xét về chiều kích nào đó, du kích A Cho, chính là Đinh Núp của đồng bào Raglai. “Trong lòng người Raglai, du kích Năm A Cho đã là người anh hùng”, ông Mấu Thái Cư bày tỏ.


THÀNH NGUYỄN