07:02, 21/02/2015

"Vú nuôi"… hải cẩu

Trong suy nghĩ của nhiều người, hải cẩu phải sống dưới biển và bơi lội tung tăng bên những tảng băng lạnh giá. Nhưng nhiều năm nay, Viện Hải dương học (TP. Nha Trang) đã thuần dưỡng thành công hai con hải cẩu xám. Để chúng sống khỏe mạnh ở vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, đòi hỏi các "vú nuôi" phải chăm sóc hải cẩu trong môi trường đặc biệt…

Trong suy nghĩ của nhiều người, hải cẩu phải sống dưới biển và bơi lội tung tăng bên những tảng băng lạnh giá. Nhưng nhiều năm nay, Viện Hải dương học (TP. Nha Trang) đã thuần dưỡng thành công hai con hải cẩu xám. Để chúng sống khỏe mạnh ở vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, đòi hỏi các “vú nuôi” phải chăm sóc hải cẩu trong môi trường đặc biệt…

 

1
Một con hải cẩu tung tăng bơi lội trong hồ.


Ăn, ngủ trong phòng điều hòa


Đến Viện Hải dương học vào một buổi sáng đầu năm, chúng tôi thấy chị Đặng Trần Tú Trâm (kỹ sư Phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển) đang chuẩn bị thức ăn cho hải cẩu. Vừa làm chị vừa cho biết: “Sáng nào chúng tôi cũng phải đi chợ mua cá tươi về cho hải cẩu ăn. Mọi khi thì chỉ cần cắt đầu, cắt đuôi, bỏ ruột cá nục đi là chúng ăn ngon lành; nhưng mấy hôm nay trở trời, mưa nhiều nên chúng có vẻ mệt, phải phi lê cá ra chúng mới chịu ăn”.

 

1
Anh Hùng cho hải cẩu ăn


Chị Trâm cho biết, một con hải cẩu được đưa từ Thừa Thiên Huế về Viện vào năm 2009, còn một con được đưa từ Ninh Thuận về năm 2011. Tất cả đều là hải cẩu cái, bị dính vào lưới bắt cá của ngư dân. Hai con hải cẩu này đều thuộc họ hải cẩu xám, có tên khoa học là Phoca Largha. Từ năm 2009, khi đưa hải cẩu từ Huế về, Viện Hải dương học đã đầu tư xây dựng một phòng riêng biệt, có hồ bơi, bãi cát để hải cẩu sinh sống. Đặc biệt, trong phòng có lắp đặt máy điều hòa để phù hợp với khí hậu và môi trường sống tự nhiên của hải cẩu.


Ông Chu Anh Khánh - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển cho biết: “10 năm trở lại đây, Viện Hải dương học đã tiếp nhận nuôi thuần dưỡng nhiều con hải cẩu, nhưng chỉ nuôi được một thời gian ngắn là chết. Nguyên nhân có thể do điều kiện khí hậu không thích hợp, bởi chúng đều chết vào thời điểm Khánh Hòa có mưa dai dẳng. Từ kinh nghiệm đó, chúng tôi nhận ra rằng, hải cẩu không thể sống trong điều kiện môi trường mưa nhiều, liên tục, nhiệt độ và độ ẩm cao. Với điều kiện khí hậu của tỉnh Khánh Hòa, nhất là vào mùa mưa, muốn nuôi sống hải cẩu phải đưa nó vào môi trường đặc biệt để chăm sóc. Trong môi trường này, nhiệt độ luôn giữ từ 15 đến 18oC…”.

 

1
Hai con hải cẩu nằm phơi mình trên bãi cát trong phòng lạnh


Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, hai con hải cẩu hết tung tăng bơi lội lại bò lên bãi cát nằm phơi mình vui đùa. Mỗi khi có du khách đến tham quan, chúng lại nhoi người lên nhìn xung quanh rồi làm trò đùa giỡn…


Chăm như chăm trẻ


Chị Trâm đã tận tình chăm sóc hải cẩu ngay từ khi mới đưa về Viện. Chị kể: “Ngày mới được đưa về, lúc nào chúng cũng sợ hãi. Tôi vào cho ăn là chúng co rúm người lại hoặc hung hãn la hét, sẵn sàng tấn công; phải mất khá nhiều thời gian để làm quen và thân thiết với chúng. Nói chung, chúng cũng đỏng đảnh như trẻ con vậy; mình phải chăm chút, vuốt ve, nịnh nọt thì chúng mới ngoan…”.

 

1
Nhiều du khách, nhất là trẻ nhỏ rất thích thú khi thấy hải cẩu


Chị Trâm được giao nhiệm vụ chuyên về dinh dưỡng nên chị luôn chăm bẵm từng bữa ăn cho chúng. Khi đi chợ, chị phải lựa cá nục thật tươi về bỏ đầu, đuôi, rồi cắt khúc nhỏ cho hải cẩu ăn. Những hôm trở trời hoặc có chuyện gì làm hải cẩu không vui, chị phải phi lê lọc hết xương cá nục hoặc đổi sang mực tươi thì chúng mới chịu ăn. Việc cho ăn phải đúng giờ, nếu để đói sẽ bị chúng… giận. “Muốn biết hải cẩu buồn hay vui, tôi thường nhìn vào mắt chúng. Có hôm, mấy du khách đến vỗ cửa kính rầm rầm, thế là chúng vừa sợ vừa giận. Lúc mang cá vào, tôi thấy đôi mắt chúng đỏ ngầu. Thế là, tôi phải ngồi vuốt ve, nịnh mãi chúng mới chịu ăn…”.


Trong khi đó, anh Võ Tuấn Hùng (nhân viên Phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển) cho biết, hàng ngày, anh phải quét dọn, vệ sinh “phòng lạnh” 2 lần để tránh ô nhiễm và mùi hôi. Thỉnh thoảng, anh cũng dùng vòi xịt tắm cho hải cẩu vừa để massage vừa vui đùa với chúng. Hiện nay, hải cẩu được cho ăn ngày 2 bữa (sáng và chiều) vào giờ cố định. Lượng thức ăn trong ngày theo quy định bằng 5% trọng lượng cơ thể; tuy nhiên, do điều kiện nuôi nhốt, ít vận động nên hải cẩu ở đây được ăn ít hơn một chút. Thức ăn phải là cá đánh bắt gần bờ (cá đánh xa bờ sợ bị ướp hóa chất), chủ yếu là cá nục và mực tươi.


Từ ngày có hải cẩu, Viện Hải dương học càng trở nên đông vui, nhộn nhịp hơn bởi có nhiều du khách hiếu kỳ đến thăm.

 

NHẬT THANH