Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Khánh Hòa luôn coi trọng tiềm năng và thế mạnh của kinh tế biển. Theo đó, ngoài những ngành nghề truyền thống, đã xuất hiện nhiều ngành kinh tế biển gắn với công nghệ hiện đại như: trung chuyển dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, đánh bắt xa bờ, du lịch biển, khoa học môi trường, khí tượng thủy văn và các dịch vụ chiến lược biển…
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Khánh Hòa luôn coi trọng tiềm năng và thế mạnh của kinh tế biển. Theo đó, ngoài những ngành nghề truyền thống, đã xuất hiện nhiều ngành kinh tế biển gắn với công nghệ hiện đại như: trung chuyển dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, đánh bắt xa bờ, du lịch biển, khoa học môi trường, khí tượng thủy văn và các dịch vụ chiến lược biển… Nguồn lợi biển đã và đang phát huy được thế mạnh, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm gần đây.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Khánh Hòa luôn xác định vị trí trọng tâm của biển đảo. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra Chương trình phát triển kinh tế biển giai đoạn 2010 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển chiếm 55 - 60% GDP toàn tỉnh, tỷ trọng xuất khẩu của kinh tế biển chiếm 65 - 70%, doanh thu từ du lịch biển đạt 7.000 tỷ đồng… Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh tại vịnh Vân Phong, TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh. Trong đó, định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển là ưu tiên cho kinh tế hàng hải, bao gồm: Vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu biển, kinh tế du lịch biển - đảo, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Khánh Hòa nằm gần đường hàng hải quốc tế, có nhiều vịnh nước sâu như: Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang nên có điều kiện phát triển giao thông biển và cảng biển. Đặc biệt, khi đến giai đoạn khai thác tiềm năng, Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong có khả năng tiếp nhận tàu container sức chở 17 nghìn TEU; lượng hàng thông qua cảng khoảng 14,5 - 17 triệu TEU/năm. Trong tương lai, Khu Kinh tế Vân Phong sẽ trở thành một thành phố du lịch cảng, trung tâm phân phối hàng hóa cho Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với cảng trung chuyển container quốc tế làm chủ đạo. Để sử dụng và khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát huy mọi nguồn lực quý giá của vùng vịnh nước sâu này, phía Bắc vịnh Vân Phong sẽ được đầu tư tập trung phát triển du lịch biển ở khu vực Đại Lãnh, cảng trung chuyển quốc tế, du lịch sinh thái biển, sinh thái đầm vịnh, trung tâm thương mại - tài chính và khu dân cư phát triển tại bán đảo Hòn Gốm, Hòn Lớn. Phía Nam vịnh Vân Phong, khu đô thị bao gồm: các khu Dốc Lết, Ninh Thủy, Ninh Phước gắn kết với thị xã Ninh Hòa, Hòn Hèo, đầm Nha Phu phát triển thành đô thị loại III, với tính chất là đô thị du lịch, dịch vụ, giáo dục, đào tạo chuyên nghiệp, dạy nghề và công nghiệp. Hai khu đô thị quy hoạch trên vịnh Vân Phong (Bắc và Nam) đều được chú trọng đầu tư du lịch biển.
Khánh Hòa có nhiều vịnh nước sâu nên có điều kiện phát triển giao thông biển và cảng biển. |
Nhờ được quan tâm đầu tư nhiều mặt, nhất là cơ sở hạ tầng, ngành Du lịch Khánh Hòa có mức tăng trưởng bình quân hàng năm hơn 20%; đến nay, tỷ trọng du lịch - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đã hơn 43%. Trong năm 2010, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới, du lịch Khánh Hòa vẫn có dấu hiệu phục hồi rõ nét như: Doanh thu đạt 1.880 tỷ đồng, vượt 22,7% so với kế hoạch. Trong phát triển du lịch, có thể thấy, du lịch biển đảo là một thế mạnh và phát triển đa dạng, có cả du lịch sinh thái - một hướng đi nhiều triển vọng của Khánh Hòa. Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá trên biển, bờ biển, đảo hiện là những loại hình đang được ưa chuộng. Ngoài ra, hiện nay, Khánh Hòa có nhiều loại hình du lịch mới đang được phát triển rất tốt như: du lịch lặn biển ở các khu vực Hòn Mun, Hòn Tre và vịnh Vân Phong.
Hiện nay, Khánh Hòa đang phát triển 3 khu vực tập trung các dịch vụ - du lịch dọc bờ biển gồm: Cụm TP. Nha Trang và phụ cận; cụm TP. Cam Ranh và khu đô thị Cam Lâm cùng các vùng phụ cận và cụm khu vực Dốc Lết, vịnh Vân Phong. Tỉnh đang tập trung các điều kiện và tăng cường tổ chức những sự kiện văn hóa lớn; xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, bãi đỗ xe, trung tâm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, điểm vui chơi, giải trí… tạo điểm đến cho khách du lịch; đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện tốt dự án phát triển du lịch tại Nha Trang, Vân Phong, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh và các khu vực khác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, nghề nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản đang là thế mạnh của Khánh Hòa. Toàn tỉnh có hơn 10.100 tàu, thuyền lắp máy; trong đó có gần 500 tàu công suất 100CV trở lên, có khả năng đánh bắt dài ngày trên biển. Đặc biệt, với 44 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản, Khánh Hòa đang là tỉnh đứng thứ 4 cả nước với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt hơn 300 triệu USD. Hiện nay, Khánh Hòa là trung tâm cung cấp tôm post giống cho cả nước, mỗi năm sản xuất 3,5 tỷ con tôm giống. Toàn tỉnh có gần 5.000ha đìa nuôi trồng thủy sản, năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha. Những năm gần đây, ngư dân Khánh Hòa đã khai thác triệt để vùng mặt nước ven biển để phát triền nghề nuôi tôm hùm lồng, cá mú, vẹm xanh, ốc hương…; toàn tỉnh hiện có gần 30.000 ô lồng nuôi tôm hùm với sản lượng bình quân 1.500 tấn/năm.
Không thể phủ nhận, phát triển kinh tế biển ở Khánh Hòa bước đầu đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và thực hiện an sinh xã hội. Tuy nhiên, xét về tổng thể tiềm lực và sự cạnh tranh quốc tế trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển đang quá tải; trang thiết bị và trình độ quản lý yếu kém; năng lực xếp dỡ hàng hóa thấp, giải phóng tàu chậm so với khu vực. Sản phẩm kinh tế biển về lĩnh vực cảng biển, dịch vụ hàng hải, dịch vụ du lịch có thương hiệu rất hạn chế. Trong khai thác hải sản, phần lớn tàu thuyền có công suất nhỏ; thiết bị khai thác thô sơ, trang thiết bị hàng hải trên tàu còn thiếu, chưa đồng bộ, trình độ cơ giới hóa còn thấp. Trong nuôi trồng thủy sản, tiềm năng chưa được khai thác sử dụng hợp lý; hạ tầng phục vụ nuôi trồng, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng…
Để khai thác lợi thế kinh tế biển một cách có hiệu quả, Khánh Hòa cần đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển với tầm nhìn lâu dài. Bên cạnh việc hoàn chỉnh quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn, dải ven biển cần tập trung phát triển nhanh, bền vững các ngành công nghiệp, dịch vụ du lịch, nuôi trồng và đánh bắt hải sản; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; kết hợp chặt chẽ giữa du lịch biển với du lịch núi và du lịch di tích, danh thắng; xây dựng, tôn tạo các điểm tham quan du lịch trong đất liền và trên các đảo trong khu vực, nhất là quan tâm đầu tư xây dựng và tu bổ, khai thác các danh lam thắng cảnh mang nét độc đáo của từng địa phương. Mặt khác, khi đầu tư khai thác những lợi thế kinh tế biển cần lựa chọn đề án thích hợp, tránh sự chồng chéo, đầu tư manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng những chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp, cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, để đủ sức thu hút đầu tư, khai thác các lợi thế từ biển. Ngoài ra, tỉnh cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư chiều sâu, cải tiến đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống quản lý các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, đảm bảo đủ sức cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế.
CHÂN AN KHÁNH