“Bên thác nước một người ngồi chơi đá/Quên trên mình rêu đã mọc xanh xao…”. Đây là những câu thơ mà ông Lê Công Quý (phường Vĩnh Phước, Nha Trang, người đã 18 năm sưu tầm đá cảnh) thốt lên trong lần tìm được viên đá đẹp tại một con suối ở Khánh Vĩnh cách đây 10 năm.
“Bên thác nước một người ngồi chơi đá/Quên trên mình rêu đã mọc xanh xao…”. Đây là những câu thơ mà ông Lê Công Quý (phường Vĩnh Phước, Nha Trang, người đã 18 năm sưu tầm đá cảnh) thốt lên trong lần tìm được viên đá đẹp tại một con suối ở Khánh Vĩnh cách đây 10 năm. Viên đá có hình dáng như một người ngồi ung dung, tự tại, mặc cho mưa nắng thời gian đã làm mọc rêu trên mình. Đá vốn vô ngôn, nhưng ẩn chứa sức sống diệu kỳ, kiên định, thể hiện linh khí của đất trời, tạo hóa, vì vậy, nó có sức quyến rũ kỳ diệu với nhiều người.
. Duyên với đá
Chúng tôi đến nhà ông Lê Công Quý vào một ngày cuối năm. Khi chúng tôi đến, ông đang tỉ mẩn lau chùi những viên đá vừa nhặt được tại suối Khánh Vĩnh. Ông nhẹ nhàng nâng một viên đá lên rồi cười sảng khoái: “Quan tham đấy!”, và giải thích thêm: “Viên đá giống hình người ngồi với khuôn mặt vênh váo, há miệng rất to nên tôi đặt tên là… quan tham”. Mỗi lần nhặt được một viên đá mới, ông đều đun nước sôi, ngâm một lúc rồi dùng khăn nhẹ nhàng lau chùi thật sạch. Ông chỉ rửa những tạp chất bám vào đá, chứ không bao giờ “can thiệp” vào đá. Đối với những người chơi đá cảnh, cái đẹp của đá là sự mộc mạc do thiên nhiên mài giũa, đẽo gọt, phong hóa mà nên. Cũng vì vậy mà đá cảnh không viên nào giống viên nào. Và những người chơi đá cảnh như ông Quý rất ít khi bán đá, bởi khi đã bán đi, không bao giờ tìm lại được một tác phẩm tương tự. Trong nhà, đá được ông bày ở những chỗ trang trọng nhất. Nhưng rồi theo thời gian và sự góp nhặt, dần dà, đá phải xếp cả ở gầm cầu thang. Ông cho biết, để như vậy là chưa “đúng bài” và có tội với đá nhưng hoàn cảnh nhà chật chội, chẳng thể làm sao được.
Những viên đá sống động với đủ hình thù. |
Cùng là đá do thiên nhiên ban tặng nhưng những viên đá bị bào mòn bởi nước biển đẹp kiểu gai góc, còn đá bị bào mòn bởi sông suối lại mềm mại, mịn màng. Những người chơi đá ở Khánh Hòa thường rủ nhau lên các con sông, suối ở huyện Khánh Vĩnh để tìm đá. Theo nhiều nghệ nhân đá nghệ thuật trong nước, vùng đất Khánh Vĩnh ẩn giấu những tuyệt tác đá có giá trị rất cao cả về mặt nghệ thuật và kinh tế, được gọi là dòng đá đen tuyền.
Tại Khánh Hòa, phong trào chơi đá cảnh đã có từ mấy chục năm nay nhưng phổ biến nhất khoảng 5 năm trở lại đây. Những người mê sưu tầm đá cảnh ở Khánh Hòa từng bước cập nhật kiến thức và phong cách chơi ngày một chuyên nghiệp hơn. Chính vì thế, Chi hội Đá nghệ thuật Trầm Hương thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã ra đời. Ngay cái tên đặt cho Chi hội cũng được những người chơi đá cân nhắc, ngụ ý sự quý giá, “tỏa hương” của đá, nét đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng cho xứ Trầm Hương. Hiện Chi hội có 16 thành viên, đều là những người đam mê sưu tầm đá. Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Quốc Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng, Chi hội trưởng Chi hội Đá nghệ thuật Trầm Hương cho biết: “Môn nghệ thuật nào cũng có điểm đến giống nhau là hướng tới chân - thiện - mỹ, đòi hỏi con người phải hết lòng với nó, vui thích với nó, cống hiến cho nó. Nhưng nét đặc trưng của đá cảnh nghệ thuật là phải xem đá không chỉ bằng mắt mà bằng cả tấm lòng mới thấy hết được cái đẹp của đá”. Mới 5 năm chơi đá nhưng bác sĩ Hùng đã sở hữu khoảng 100 tác phẩm. “Ngoài công việc, niềm vui lớn nhất của tôi là vào những ngày nghỉ, được “cưỡi” trên chiếc xe máy rong ruổi đến các vùng miền lượm đá” - bác sĩ Hùng chia sẻ.
. Vô ngôn nhưng hữu tình
Đá được ông Quý bài trí khá trang trọng. |
Trong không gian tràn ngập đá của ông Quý, nếu không được hướng dẫn, chúng tôi khó mà hình dung ra những viên đá mang hình dạng mặt người khi thì cười tươi, khi lại trầm tư suy nghĩ, khi lại ngồi trang nghiêm, tùy góc nhìn. Ông Quý nhìn thấy viên đá giống tượng Phật ngồi thiền, còn với dân ngoại đạo như chúng tôi, lại thấy giống thiền sư, ông địa…, có người lại thấy giống hình tháp… Hiện ông Quý sưu tầm được một bộ linh thú đá ở biển gồm 5 con: rùa, bọ biển, cá heo, hải mã và chim cánh cụt - cũng là theo sự tưởng tượng của ông Quý. Theo quan niệm của dân chơi nghệ thuật, một viên đá đẹp phải theo tiêu chí: “Nhất nhân, nhị vật, tam vân, tứ cảnh” (thứ nhất hình người, thứ hai hình con vật, sau đó mới đến đường nét, phong cảnh). Ngoài ra, còn phải xét đến màu sắc và độ cứng của đá. Viên đá nào càng cứng càng quý, bởi độ cứng giúp cho đá không biến hình, không nứt… “Khi ngắm một tác phẩm đá nghệ thuật, chúng ta cảm nhận nó không phải ở một điểm nào đó cụ thể mà là ở tổng quan tác phẩm” - bác sĩ Hùng cho biết.
Chơi đá cũng là rèn tính người. Bởi vậy, ông Quý rất tâm đắc với khối đá vàng chanh có viết 4 chữ Hán: “Thuận vật du tâm”. Khi đã hiểu đá, yêu đá, con người có thể thả tâm hồn mình thuận theo lẽ trời đất để tìm thấy sự bình an đích thực. Ông Quý còn đưa đá vào hình tượng con người “sương triệu năm ngấm đá; đá ứa lệ từ bi” - ví những giọt sương lăn trên đá là những giọt lệ từ bi. “Khi đối diện với đá, có ai lại không cảm nhận rõ lẽ vô thường của đời người ngắn ngủi so với tạo hóa. Vì vậy, tôi tự thấy xấu hổ với đá, dần dần điều chỉnh tính nóng nảy của mình và trở nên điềm đạm hơn” - ông Quý tâm sự.
CẨM VÂN