05:02, 02/02/2011

Nghịch lý của thành công

Lần đầu tiên trong lịch sử, đội bóng “đại biểu” - theo cách gọi của giới hâm mộ Khánh Hòa - cán đích ở vị trí thứ 4 V-League. Còn ở giải phong trào, năm 2010 chứng kiến những cột mốc chói sáng mà các cầu thủ nghiệp dư Khánh Hòa đã đạt được trên đấu trường toàn quốc cũng như tầm thế giới. Giữa một năm đầy khó khăn của thể thao nói chung, ...

Khatoco Khánh Hòa đã vượt qua khó khăn để lần đầu tiên "chạm ngưỡng" thứ tư chung cuộc

Lần đầu tiên trong lịch sử, đội bóng “đại biểu” - theo cách gọi của giới hâm mộ Khánh Hòa - cán đích ở vị trí thứ 4 V-League. Còn ở giải phong trào, năm 2010 chứng kiến những cột mốc chói sáng mà các cầu thủ nghiệp dư Khánh Hòa đã đạt được trên đấu trường toàn quốc cũng như tầm thế giới. Giữa một năm đầy khó khăn của thể thao nói chung, bóng đá Khánh Hòa xứng đáng được tôn vinh cùng với những thành công ngoài sức mong đợi. Với đội bóng Khatoco Khánh Hòa, tuy liên tiếp “chảy máu nhân tài”, cùng với rất nhiều khó khăn giữa thời buổi “tiền đá tiền”, thế nhưng câu lạc bộ vẫn trụ vững bằng lối đi rất riêng của mình.

Bóng đá phong trào phát triển mạnh mẽ

Cuối mùa giải 2008, bóng đá Khánh Hòa đã phải hứng chịu đợt “binh biến” lớn nhất từ trước đến nay. Ở một địa phương tưởng chừng như “miễn nhiễm” với những “nhốn nháo” trên thị trường chuyển nhượng, phố biển đã mất đến 4 cầu thủ. Đức Hùng, Hữu Chương, Tấn Điền và Trọng Bình ra đi. Đó toàn là trụ cột ở khu vực phòng ngự. Năm 2009, đến lượt Duy Nam - trái tim của đội bóng cũng bị rơi rớt. Năm 2010, trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề, lần lượt Văn Phong, Hữu Phước cho đến Tấn Tài, Issifu chấn thương liên miên. Thế nhưng, Khatoco Khánh Hòa vẫn cán đích ở vị trí thứ 4 khi mùa giải kết thúc. Giải nghĩa cho thành quả cao nhất mà bóng đá Khánh Hòa có được kể từ trước tới nay, Chủ tịch Câu lạc bộ Lê Tiến Anh chia sẻ: “Mùa giải 2010, tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ xây dựng được một đội hình có tính ổn định cao qua nhiều mùa giải, cùng với công tác tổ chức đội bóng theo hướng của một Công đoàn và đề cao tính kỷ luật, Khatoco Khánh Hòa đã vượt qua những trận đấu khó khăn nhất để có được thành tích như vậy. Tuy nhiên, vị trí thứ 4 của Khatoco Khánh Hòa còn có sự góp sức của yếu tố may mắn. Bóng đá Khánh Hòa còn cần rất nhiều thứ nữa mới có thể xứng đáng với top 4 của bóng đá Việt Nam hiện tại. Trong đó phải kể đến sự chung tay của các doanh nghiệp khác, sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo bằng những quyết sách cụ thể và cả sự tin yêu, cổ vũ của người hâm mộ. Mùa giải tới, Khatoco Khánh Hòa sẽ không còn Quang Hải, Hữu Phước, Ánh Cường, Văn Thạch, Trọng Thông nhưng đội bóng vẫn quyết tâm có mặt ở nửa trên bảng xếp hạng khi kết thúc”.

Khi bóng đá đỉnh cao thăng hoa giữa gian khó, thì cũng là lúc bóng đá phong trào ở Khánh Hòa “đơm hoa kết nhụy”. Đầu năm 2010, 2 đội bóng của Khánh Hòa là Sana Khánh Hòa và Quang Huy Mobile đã giành quyền chơi vòng chung kết Giải bóng đá quốc tế 6v6 Cúp Budweiser năm 2010 sau khi vượt qua vòng loại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tại vòng chung kết, Quang Huy Mobile của Khánh Hòa đã xuất sắc giành chiếc cúp vô địch toàn quốc, qua đó chính thức giành quyền đến Nam Phi tham dự Giải bóng đá quốc tế 6v6 thế giới - Cúp Budweiser. Giữa ngày hội bóng đá của tất cả các cầu thủ nghiệp dư trên toàn thế giới, thầy trò Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Đang đã lần lượt vượt qua những đối thủ sừng sỏ và chỉ chịu thất thủ 0-1 trước Brazil trong trận chung kết. Ngôi vị Á quân thế giới chính là niềm tự hào của bóng đá Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đội bóng Quang Huy Mobile đã làm rạng danh bóng đá phong trào Khánh Hòa

Với bóng đá bãi biển, tuy chỉ đứng thứ 3 toàn quốc, nhưng Khánh Hòa lại được chọn đại diện cho Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 2 tổ chức tại Muscat - Oman. Đến cuối năm 2010, bóng đá Khánh Hòa một lần nữa khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của bóng đá phong trào thông qua Larue Cup 2010 lần đầu tiên tổ chức ở thành phố biển. Ngay khi phát động giải bóng đá mini trên mặt sân cỏ nhân tạo này, Ban tổ chức đã rất “đau đầu” trước hàng loạt hồ sơ xin tham gia giải. Con số dự kiến 32 đội thi đấu đã nhanh chóng bị vượt qua, để rồi cuối cùng Ban tổ chức đã phải chốt lại ở con số 50 đội bóng - một con số vượt trội so với các tỉnh, thành khác khi tổ chức giải đấu này. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi ở một nơi mà hàng chục điểm sân với trên 20 sân cỏ nhân tạo đang ngày đêm hoạt động hết công suất như ở Khánh Hòa, thì việc tổ chức một giải đấu bóng đá trên mặt sân cỏ nhân tạo với quy mô toàn tỉnh sẽ thu hút được hầu hết các đội bóng đá phong trào. Điều này không chỉ phản ánh sức phát triển mạnh mẽ của phong trào tập luyện thể thao qua môn bóng đá, mà nó còn là bước khẳng định, cụ thể hóa và nâng tầm phong trào bóng đá của Khánh Hòa.

Dẫu biết rằng, không ít khó khăn đang đợi chờ bóng đá Khánh Hòa ở phía trước, nhất là sức mạnh của đội bóng “đại biểu” đã sứt mẻ đi ít nhiều. Nhưng tất cả những ai yêu mến bóng đá Khánh Hòa đều có quyền tự nào về một năm 2010 đầy thành công.

CÔNG ĐỊNH