10:12, 11/12/2022

Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV

Năm 2022, chủ đề về Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ ngày 10-11 đến ngày 10-12) của Việt Nam là "Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng".

Năm 2022, chủ đề về Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ ngày 10-11 đến ngày 10-12) của Việt Nam là “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”.


Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS được Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động từ năm 2008 đến nay. Đây là sự kiện quan trọng nhằm thu hút sự quan tâm của lãnh đạo, người dân và huy động cộng đồng vào cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS.

 

Hội nghị tổng kết 10 năm Đề án bảo đảm tài chính  cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Hội nghị tổng kết 10 năm Đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.


Mục tiêu tháng hành động năm nay đặt ra là: Huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV; xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm; đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm; cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm và người ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường trách nhiệm của người nhiễm HIV và sự hỗ trợ của gia đình, xã hội đối với họ; huy động sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan vi rút, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân.


Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Theo đó, kết thúc dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Các tiêu chí kết thúc dịch AIDS Việt Nam đặt ra vào năm 2030 là: Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm; tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS dưới 1/100.000 dân (hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân); tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới  2% (hiện nay 6%).


Theo Bộ Y tế, 9 tháng năm 2022, Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV. Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,7% năm 2019) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 3,1% năm 2020). Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện nay ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)