10:11, 16/11/2022

Tăng cường xử phạt vi phạm trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

Mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá là giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. 

Mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) là giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Qua đó, nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra. Để thực hiện mục tiêu đề ra, Chính phủ quy định mức xử phạt cụ thể đối với những hành vi vi phạm trong PCTHTL.  

Mục tiêu cụ thể của chiến lược là hướng đến giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên từ 15 đến 24 tuổi còn 18%; đối với nam giới là 39% và nữ giới là 1,4%. Ngày 16-8-2012, Quốc hội đã thông qua Luật PCTHTL với những quy định mạnh mẽ về các giải pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, giải pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để PCTHTL. Đây là văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh toàn diện về lĩnh vực PCTHTL. Ngày 28-9-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có những quy định cụ thể về PCTHTL.

 

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cho người tới khám bệnh.

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cho người tới khám bệnh.


Theo đó, Nghị định số 117 quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Nghị định quy định phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành. Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá. Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; bán, cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.


Nghị định số 117 quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá. Nghị định quy định phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá. Nghị định quy định phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; cung cấp thông tin không có cơ sở khoa học, không chính xác về thuốc lá và tác hại của thuốc lá; không đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hàng năm, không đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ; không hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh theo quy định của pháp luật. Nghị định quy định phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng tên, nhãn hiệu và biểu tượng của sản phẩm thuốc lá với sản phẩm, dịch vụ khác; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; để cho tổ chức, cá nhân tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng tại cơ sở thuộc quyền quản lý, điều hành; chậm nộp khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của pháp luật; khai sai dẫn đến nộp thiếu khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của pháp luật; sử dụng kinh phí hỗ trợ của Quỹ PCTHTL không đúng quy định của pháp luật; doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, thông báo về việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá.


Với những quy định và mức xử phạt nói trên đã giúp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt hơn công tác PCTHTL, tiến tới đảm bảo tốt hơn cho sức khỏe người dân.


Nguyễn Thị Quế Lâm  
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)