Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2020 tại 34 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá là 42,3%, giảm so với điều tra năm 2015 (45,3%). Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa đạt mục tiêu đề ra của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) là giảm dưới 40%.
Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2020 tại 34 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá là 42,3%, giảm so với điều tra năm 2015 (45,3%). Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa đạt mục tiêu đề ra của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) là giảm dưới 40%.
Giáo sư Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng (Hà Nội), trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó giảm tỷ lệ hút thuốc. Theo đó, thuốc lá là sản phẩm có chứa nicotine, là chất gây nghiện nên người hút thuốc lá rất khó bỏ ngay cả khi biết rất rõ về tác hại của việc hút thuốc. Cùng với đó, thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, dẫn đến giá thuốc lá rẻ, làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh, thiếu niên và người nghèo, dẫn tới giảm hiệu quả của công tác PCTHCTL. Tại Việt Nam, khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá còn rất dễ dàng, thuốc lá được bày bán khắp nơi.
Một nguyên nhân khác đáng lưu ý là, hiện nay, xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Shisha), được quảng cáo và bán nhiều nhất là trên mạng xã hội. Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mới này tại các nước trong đó có Việt Nam, các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia đã đưa ra những quảng cáo giới thiệu sản phẩm thuốc lá này ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường, giúp cai nghiện thuốc lá điếu,… Điều này gây hiểu nhầm cho người sử dụng, dẫn tới tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng trong nhóm tuổi trên 15 tuổi.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện nên PCTHCTL là chương trình lâu dài và cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc, truyền thông hiệu quả, cùng với sự can thiệp phù hợp đối với những sản phẩm thuốc lá mới và cấm hoàn toàn các chiêu thức quảng cáo, khuyến mại của ngành công nghiệp thuốc lá... Các hoạt động này phải được thực hiện thường xuyên và bền bỉ mới có thể giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá và giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng sản phẩm này.
Theo Giáo sư Hoàng Văn Minh, Việt Nam cần xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá, bảo đảm đạt mức thuế theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới mới có thể đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá; xây dựng các chính sách và quy định về việc cấm sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới; tiếp tục tăng cường giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định của pháp luật về PCTHCTL, trong đó ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất việc sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm hỗ trợ cai nghiện; việc chi trả cho các hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá từ quỹ bảo hiểm y tế.
Song song với đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định để mở rộng các khu vực cấm hút thuốc lá hoàn toàn; quy định tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì các sản phẩm thuốc lá và tiêu chuẩn kỹ thuật đối với bao bì các sản phẩm thuốc lá; quy định về cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức và cấm tài trợ của các công ty kinh doanh, sản xuất thuốc lá. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng như: Youtube, Facebook… vì đối tượng quảng cáo này tiếp cận chủ yếu là giới trẻ. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra ở tất cả các cấp; trong đó tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra các địa điểm công cộng không được hút thuốc lá, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán thuốc lá trong việc chấp hành quy định mua bán, trưng bày, quảng cáo sản phẩm thuốc lá; bố trí kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra của các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành để đánh giá và chia sẻ các bài học kinh nghiệm.
Nguyễn Thị Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)