11:11, 30/11/2021

Tăng cường điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho nhóm MSM

Báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng nhanh trong vài năm trở lại đây từ 5,1% năm 2015 lên 12,2% năm 2017 và lên tới 13,3% năm 2020.

Báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng nhanh trong vài năm trở lại đây từ 5,1% năm 2015 lên 12,2% năm 2017 và lên tới 13,3% năm 2020.


Nhóm MSM nguy cơ lây nhiễm HIV cao


Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 164 trường hợp nhiễm mới HIV, tăng 43 trường hợp so với năm 2020. Tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống của tỉnh là 1.351. Nhóm tuổi 20-29 chiếm tỷ lệ 56,4%. Phân loại theo đối tượng nhiễm HIV, nhóm MSM chiếm cao nhất với 49,4%; nhóm tiêm chích ma túy chiếm 5,8%; nhóm vợ, chồng, bạn tình người nhiễm chiếm 11%. Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Hình thái lây nhiễm HIV của tỉnh vẫn là các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM; đường lây truyền chủ yếu là đường tình dục”.  

 

Tuyên truyền lưu động phòng, chống HIV/AIDS.

Tuyên truyền lưu động phòng, chống HIV/AIDS.


Ước tính tỷ lệ nhiễm HIV mới hàng năm trong nhóm MSM toàn quốc tăng gấp 4 lần (0,62% năm 2012 lên 2,5% năm 2020). Năm 2020, Cần Thơ có tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM cao nhất lên tới 22,7%, tiếp đó là TP. Hồ Chí Minh và Kiên Giang 14,7%, An Giang 13,5% và Khánh Hòa 12%. Tỷ lệ nhiễm giang mai trong nhóm MSM cũng tăng nhanh từ 2,6% năm 2015 lên 9,3% năm 2017 và 12,5% năm 2020. Kết quả phân tích số liệu giám sát trọng điểm về các chỉ số hành vi của nhóm MSM cho thấy: tỷ lệ sử dụng bao cao su (BCS) trong lần quan hệ tình dục đồng giới chỉ khoảng 65%; tỷ lệ quan hệ tình dục tập thể tăng từ 8% năm 2015 lên 13,5% năm 2020. Về các chỉ số tiếp cận chương trình dự phòng của nhóm MSM: tỷ lệ được xét nghiệm HIV tăng từ 60,1% năm 2015 lên 77,2% năm 2020; tỷ lệ nhận được BCS miễn phí và chất bôi trơn miễn phí trong 6 tháng tăng từ 21% năm 2015 lên 42% năm 2020.


Nhiều giải pháp can thiệp


Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, nhằm hạn chế số ca nhiễm HIV trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát tại Khánh Hòa, nhiều hoạt động tiếp cận để can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho những đối tượng nguy cơ, trong đó có nhóm MSM cũng thay đổi để thích ứng. Theo đó, trước kia, việc tiếp cận được thực hiện trực tiếp thì nay chuyển sang trực tuyến; các thuốc điều trị ARV được cấp phát theo hình thức dài ngày, từ 30 ngày lên tới 60 ngày hoặc 90 ngày tùy từng địa phương. Các mô hình ở cộng đồng được thực hiện theo hình thức như: online, lưu động hoặc tự xét nghiệm. Việc truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS dành cho nhóm MSM chuyển đổi sang sử dụng các trang mạng xã hội (các nhóm trên facebook, đặc biệt là các nhóm kín: livestream, video hoặc các bài viết), các trang web của cộng đồng hay trang cá nhân của những người có ảnh hưởng trong cộng đồng. Đồng thời, tổ chức lồng ghép trong các sự kiện, hoặc kết hợp với các nhóm tiếp cận cộng đồng, phòng khám để truyền thông. Ngành Y tế tăng cường và đa dạng hóa các hình thức xét nghiệm HIV bằng cách để các nhóm cộng đồng, các phòng khám tư nhân thực hiện, hoặc người nghi nhiễm tự xét nghiệm. Việc cung ứng BCS và chất bôi trơn chuyển từ cấp phát trực tiếp sang chuyển phát nhanh; Methadone cũng được cấp phát nhiều ngày cho những MSM sử dụng hoặc nghiện ma túy thay vì tới cơ sở uống hằng ngày. Ngành Y tế triển khai khám bệnh từ xa, lấy mẫu tại nhà…


Anh Nguyễn Văn H. (TP. Nha Trang), một MSM cho biết: “Tôi tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) từ đầu năm. Giữa năm, dịch Covid-19 bùng phát, thời gian dài cả tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, tôi không ra ngoài đường được nhưng vẫn nhận đầy đủ thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm thông qua bưu điện”.


Bác sĩ Toàn cho biết: “Theo số liệu thống kê, nhóm khách hàng sử dụng PrEP hiện nay khá đa dạng, trong đó tới 80% là MSM. PrEP được triển khai tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa từ cuối năm 2019 và mở rộng độ bao phủ đến Cam Ranh và Ninh Hòa từ năm 2020. Hiện tại, toàn tỉnh có 37 người tham gia điều trị PrEP. Qua thời gian ngắn cho thấy, phương pháp điều trị cũng như khả năng thích ứng với PrEP của người sử dụng rất khả quan. Vì thế, trong thời gian tới, chương trình điều trị PrEP cho MSM sẽ được đẩy mạnh hơn nhằm góp phần hạn chế thấp nhất số ca nhiễm trong nhóm đối tượng này, tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS của cả nước nói chung vào năm 2030”.


C.Đan