Sau khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các nhóm đối tượng với nhiều nội dung và hình thức khác nhau. Tuy hoạt động này đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế.
Sau khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực, Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các nhóm đối tượng với nhiều nội dung và hình thức khác nhau. Tuy hoạt động này đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế.
Ngay khi Luật PCTHTL có hiệu lực vào giữa năm 2013, các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo PCTHTL cấp tỉnh, huyện. Thành viên của ban chỉ đạo gồm lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, ngành Tư pháp được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn các nội dung trọng tâm thực hiện công tác tuyên truyền; tài liệu tuyên truyền phổ biến các quy định về PCTHTL; hướng dẫn các đơn vị, địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định. Ngành Y tế là đơn vị đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến đến từng người dân. Song song đó, các tỉnh chỉ đạo các đơn vị lồng ghép, phổ biến các nội dung PCTHTL trong một số hoạt động ở đơn vị.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, trên toàn quốc, các hoạt động tuyên truyền về tác hại thuốc lá, phổ biến Luật PCTHTL và các văn bản quy định đã được tuyên truyền đến người dân kịp thời, đầy đủ, đa dạng hình thức, nội dung, có chú trọng đến vùng miền, nhất ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Kết quả, có nhiều người dân biết và thực hiện đúng các quy định của Luật PCTHTL và các văn bản liên quan.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng chỉ ra những hạn chế, đó là, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCTHTL chủ yếu vẫn tập trung vào tháng diễn ra Tuần lễ quốc gia không khói thuốc. Nội dung, hình thức tuyên truyền vẫn còn chưa hấp dẫn, lôi cuốn nên hiệu quả chưa cao. Một số ban, ngành, đoàn thể, địa phương thiếu nguồn lực, điều kiện thực hiện nên công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả. Một số nơi chỉ tổ chức những hoạt động tuyên truyền đặc thù cho những đối tượng dễ bị tác động, ảnh hưởng của thuốc lá. Công tác tuyên truyền PCTHTL phần lớn được lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền chung của đơn vị nên không sâu.
Ngoài ra, vẫn có địa phương chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền PCTHTL, việc bố trí nguồn lực, con người, cơ sở vật chất, kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này còn sơ sài, qua loa, làm cho có. Nhiều địa phương chưa tổ chức tổng kết riêng việc thực thi Luật PCTHTL mà chỉ lồng ghép chung vào hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm nên chưa nhìn nhận được hiệu quả và hạn chế trong triển khai hoạt động. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi chưa thực sự chặt chẽ. Do Luật PCTHTL quy định các yếu tố dự phòng nguy cơ đối với sức khỏe nên khi triển khai chưa nhận được sự quan tâm, chú trọng như các văn bản luật khác. Nhiều nơi, công tác tuyên truyền chưa đến được với người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi; các bài viết chưa có chuyên đề về ngôn ngữ tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức và việc thực thi theo quy định của Luật PCTHTL của người dân ở nơi này chưa cao. Hoạt động truyền thông lưu động, nói chuyện trực tiếp chưa được triển khai mạnh mẽ tại các thôn, bản. Cùng với đó, công tác tuyên truyền luật tại các nhà máy, cơ sở kinh doanh, dịch vụ còn nhiều khó khăn; thiếu sự quan tâm, chưa tạo điều kiện cho người lao động tham gia. Các thủ tục liên quan đến sử dụng kinh phí từ nguồn hỗ trợ của Quỹ PCTHTL - Bộ Y tế cho địa phương còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác triển khai kế hoạch…
Nguyễn Thị Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)