Cuối tháng 5-2019, Bộ Y tế đã nghiệm thu kết quả Dự án thí điểm thả muỗi vằn mang Wolbachia phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue tại xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang. Kết quả dự án cho thấy dấu hiệu khả quan về hiệu quả làm giảm lây truyền sốt xuất huyết ở địa bàn thả muỗi.
Cuối tháng 5-2019, Bộ Y tế đã nghiệm thu kết quả Dự án thí điểm thả muỗi vằn mang Wolbachia phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue tại xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang. Kết quả dự án cho thấy dấu hiệu khả quan về hiệu quả làm giảm lây truyền SXH ở địa bàn thả muỗi.
Số ca mắc sốt xuất huyết giảm
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bình Nguyên - Điều phối viên Dự án hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam cho biết, từ ngày 6-3-2018, dự án bắt đầu thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ở xã Vĩnh Lương. Theo đó, có 8/10 thôn gồm: Lương Sơn 1, 2, 3, Văn Đăng 1, 2, 3 và Võ Tánh 1, 2 được chọn thả. 2 thôn còn lại (Lương Hòa và Cát Lợi) không nằm trong khu vực thả muỗi thí điểm do có mật độ dân cư tương đối thấp và tách biệt khỏi cụm dân cư trung tâm xã. Dự án đã lập bản đồ phân chia hơn 300 ô thả muỗi trong khu vực, mỗi ô có kích thước 50m x 50m (diện tích 2.500m2). Mỗi tuần, dự án thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi ô. Ngày 26-6-2018, dự án kết thúc thả muỗi.
Từ kết quả nghiệm thu cho thấy những dấu hiệu khả quan về hiệu quả làm giảm lây truyền SXH ở địa bàn thả muỗi. Qua 1 năm theo dõi kể từ khi ngừng thả muỗi, tỷ lệ mắc SXH ở khu vực thả muỗi xã Vĩnh Lương giảm đi rõ rệt so với trung bình 5 năm trước khi thả muỗi. Trong khi đó, tỷ lệ mắc SXH ở 26 xã, phường còn lại của TP. Nha Trang (chưa được thả muỗi) tăng rất cao, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019.
Ông Phan Văn Lợi - Trưởng thôn Văn Đăng 2 cho biết: “Trước đây, năm nào ở thôn cũng có ca mắc SXH, bình quân mỗi năm có từ 3 - 4 ca mắc. Sau khi dự án ngừng thả muỗi, từ đầu năm đến nay, thôn chưa ghi nhận ca mắc SXH nào. Người dân ở đây ai cũng mừng”. Kết quả này khiến nhiều người dân nơi đây vốn trước đây không tin tưởng vào chương trình, hiện nay đã thay đổi quan điểm. “Mấy năm trước, ở thôn cũng có nhiều chiến dịch phun thuốc, diệt lăng quăng, nhưng tôi thấy không hiệu quả. Với dự án thả muỗi này, năm 2019, ở thôn chưa thấy có ca mắc nào”, bà Đặng Thị Thúy Hương (thôn Văn Đăng 3) nói.
Theo số liệu từ Đội Y tế dự phòng TP. Nha Trang, năm 2018, toàn xã Vĩnh Lương ghi nhận 47 ca mắc SXH. 7 tháng đầu năm 2019, xã ghi nhận 32 ca, trong đó 2 thôn Lương Hòa và Cát Lợi (chưa được thả muỗi) chiếm 20 ca; 8 thôn đã thả muỗi chỉ ghi nhận 12 ca.
Đề xuất mở rộng địa bàn thả muỗi ở Nha Trang
Tiến sĩ Nguyên cho biết: “Hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang tham vấn, trao đổi với các cơ quan, đơn vị ở địa phương về đề xuất mở rộng địa bàn thả muỗi ở TP. Nha Trang trong giai đoạn 2019 - 2022. Mặt khác, Chương trình Muỗi thế giới cũng đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở Việt Nam để chuẩn bị cho khả năng triển khai ở một số tỉnh khác”.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển - Phó Giám đốc dự án cho biết, Wolbachia là một loại vi khuẩn sống cộng sinh trong khoảng 60% các loài côn trùng có trong tự nhiên. Tuy nhiên, muỗi vằn (trung gian truyền bệnh SXH và Zika) lại không có sẵn vi khuẩn này. Các nhà khoa học cấy vi khuẩn Wolbachia vào trứng muỗi vằn, từ đó nở ra muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia. Trong cơ thể muỗi, vi khuẩn Wolbachia sẽ ức chế (ngăn chặn) sự xâm nhập và nhân lên của một số loại vi rút, bao gồm vi rút gây bệnh SXH và vi rút Zika. Do đó, các vi rút gây bệnh này hầu như không còn khả năng truyền từ muỗi sang người. Có thể ví phương pháp này giống như “tiêm vắc xin” cho muỗi. Muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia là muỗi vằn có nguồn gốc tại địa phương, mang Wolbachia theo phương thức giao phối và sinh sản tự nhiên, hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gen. Hiện nay, bệnh SXH và Zika chưa có vắc xin phòng ngừa, đây là phương pháp mới giúp phòng 2 bệnh trên một cách chủ động, lâu dài, vừa góp phần bảo vệ sức khỏe người dân vừa tiết kiệm chi phí cho xã hội.
THẢO LY