Sáng 5-2 (mùng 6 tháng Giêng âm lịch), ở Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa), dường như mùa xuân vẫn đứng ngoài cửa…
Sáng 5-2 (mùng 6 tháng Giêng âm lịch), ở Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa), dường như mùa xuân vẫn đứng ngoài cửa…
3 phòng Lưu bệnh và Tiếp nhận bệnh nhân (BN) của khoa đều kín giường. Rất ít tiếng nói, vắng tiếng cười, chỉ có những tiếng “tút, tút, tít, tít” đều đặn của hệ thống máy móc. Các bác sĩ (BS), y tá đều bận rộn lo cấp cứu người bệnh. Ngoài hành lang, nét mặt người nhà đầy lo âu, căng thẳng...
Những người không có Tết
Ở phòng Hậu phẫu bệnh nặng, điều dưỡng viên Huỳnh Phúc Hậu (Khoa Ngoại Thần kinh) đang chăm chú đọc thông tin trên monitor để kiểm tra tình trạng bệnh của ông Đinh Phàn (72 tuổi, ở Diên An, Diên Khánh). Anh cho biết, đây là một trong những ca bệnh nặng nhất phòng. Con gái của BN, chị Đinh Thị Thảo, buồn bã: “Hôm 23 tháng Chạp, xã tổ chức phát quà cho người cao tuổi. Ba tôi một mình đi bộ ra UBND xã, nhưng chưa kịp nhận quà thì đã bị một thanh niên say rượu tông xe máy vào. Khi gia đình tới nơi, chỉ còn mình ông bất tỉnh nằm trên lề đường!”. Được biết, ông Đinh Phàn có 6 người con, nhưng 2 người thần kinh không ổn định. Vợ ông cũng mới mổ ruột thừa tháng trước, sức khỏe còn yếu nên không thể vào chăm ông. 4 chị em Thảo cùng 1 người cháu hàng ngày thay nhau túc trực chăm ông, nhưng tâm trạng rất lo lắng. Nhìn chậu cúc vàng rực rỡ ở phía ngoài hành lang, chị Thảo da diết: “Năm nay chẳng còn Tết nhất gì nữa. Cả nhà tôi căng mình chăm sóc ba, chỉ mong ba tôi hồi phục được thì mất Tết vẫn vui”.
Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Ngoại Thần kinh. |
Anh Phạm Văn Lon (Phước Đồng, Nha Trang), vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trông ba vợ bị tai nạn giao thông (TNGT) cũng chung nỗi niềm ấy. Ba vợ anh, ông Lê Sinh (57 tuổi) mới nhập viện chiều 4-2 (mùng 5 Tết) do bị một đôi nam nữ đi xe máy cùng chiều tông phải. Cũng may họ còn chở ba anh vào BV 87 Hải quân cấp cứu rồi về báo cho gia đình anh biết. Do bị chấn thương nặng, cần cố định vùng cổ nên ba anh được chuyển về BV Đa khoa tỉnh xử lý. Anh than thở: “Tôi lấy vợ đã 17 năm, chưa khi nào thấy ông đi xe không cẩn thận, vậy mà vẫn không tránh khỏi TNGT. Thế mới biết, chỉ cần một người đi ẩu là tai nạn vẫn xảy ra! Các BS, nhân viên ở đây rất nhẹ nhàng, tận tình, quan tâm nên gia đình tôi yên tâm phần nào”. Anh cho biết, Tết vui không trọn đã đành, ngay cả chuyến biển đầu năm của 2 anh em cũng phải đình lại để lo cho ba.
Có lẽ, chỉ ở khu vực hành lang, sân chung BV là còn có tiếng cười của mấy em nhỏ phải theo cha mẹ vào chăm sóc người thân. Và cũng có nụ cười tươi của mấy bà mẹ trẻ vừa sinh con. Sửa lại chiếc khăn quấn cho bé trai vừa sinh mổ ngày 1-1 (mùng 2 Tết), chị La’ Rim (24 tuổi, người dân tộc T’Rin, ở Cầu Bà, Khánh Vĩnh) nói, chị vào BV tuyến huyện chiều 30-1 (30 tháng Chạp), nhưng đau bụng suốt 2 ngày không sinh được nên được chuyển lên BV Đa khoa tỉnh. Nhờ các BS tận tình cấp cứu, cậu con trai thứ kháu khỉnh (chị đã có con gái đầu) nặng 3,7kg đã chào đời khỏe mạnh. Nựng bé trên tay trong lúc chờ xe về, bà ngoại cháu cười vui: “Bây giờ cả nhà mới về ăn Tết đây! Ăn Tết muộn nhưng mà to, vì “mẹ tròn con vuông”.
Mong mỏi đầu năm
Ngày 5-2, tại Khoa Cấp cứu, cả 16 giường đều kín BN. Tuy là ngày Tết nhưng các BS, nhân viên BV vẫn trực ca như ngày thường. Khoa Cấp cứu còn làm việc căng hơn bởi Khoa Khám nghỉ, mọi ca bệnh “đầu vào” đều qua Khoa Cấp cứu trước khi về các khoa. Khoa Ngoại Thần kinh có 9 giường ở phòng Cấp cứu và 4 giường ở phòng Hậu phẫu cũng kín hết. Ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, trung bình tiếp nhận mới 9 - 10 ca/ngày nên 35 giường bệnh luôn có người. Để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, lãnh đạo BV không giải quyết nghỉ phép cho bất cứ ai trong những ngày này. Đồng thời tăng cường lực lượng BS trực “vòng ngoài” (không có mặt tại BV khi chưa đến ca trực nhưng phải sẵn sàng tinh thần ứng cứu cho đồng nghiệp khi có yêu cầu).
Nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán điều dưỡng viên Huỳnh Phúc Hậu, chúng tôi hiểu hơn nỗi cực nhọc của người làm nghề y. Về làm việc tại BV được một năm rưỡi nhưng điều dưỡng viên này đã kịp đón 2 cái Tết trong BV. Nhưng anh vui vẻ bảo: “Đã chọn nghề này rồi thì đó là chuyện thường!”. Còn với BS Lý Thế Huy (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc), sau 8 năm trực Tết, anh chỉ xao xuyến một chút vào phút giao thừa. Nhưng cảm giác đó cũng qua rất nhanh, bởi BN cứ vào dồn dập, chỉ còn lo cứu chữa hết mình. Thậm chí có lần qua giao thừa cũng chẳng hay bởi lúc đó đang ở trong phòng mổ. BS Huy trải lòng: “Với thầy thuốc, không khí Tết chỉ có khi sức khỏe, tính mạng người bệnh được cứu chữa”. Nhưng anh cũng nhớ như in lần đầu tiên trực Tết đúng giao thừa và được chính người nhà BN tặng hoa, chúc Tết và cảm ơn vì đã cứu được người thân của họ qua cơn nguy kịch. Anh bảo, giao thừa, lãnh đạo BV luôn tổ chức chúc Tết toàn thể y, BS, nhân viên BV; nhưng được cả người nhà BN chúc Tết lại càng thấy công việc mình làm ý nghĩa hơn.
Ra về, chúng tôi vẫn vấn vương với câu nói vui của một nữ điều dưỡng viên trẻ: “Năm mới, người ta chúc nhau đủ điều hay, nhưng đã vào BV, lời chúc đáng quý nhất chỉ là “Chúc hồi phục sức khỏe và mau ra viện!”. Ngày Tết, BS, nhân viên BV luôn ao ước có ít BN, bởi như thế, Tết mới vui hơn với tất cả”.
THIỀU HOA - THẢO LY
Theo số liệu của Sở Y tế, trong 9 ngày nghỉ Tết (từ 29 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Ngọ), các BV trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận khám cấp cứu, tai nạn 5.822 trường hợp. Trong đó, số BN nhập viện vì TNGT là 973 ca, có 5 trường hợp bị chấn thương sọ não phải phẫu thuật. Nguyên nhân các vụ TNGT phần lớn do người tham gia giao thông uống rượu, bia nên không làm chủ được tốc độ. Rượu bia cũng khiến hơn 4.000 người nhập viện vì các tai nạn sinh hoạt khác. Do tình trạng bệnh nặng nên có 3.465 BN phải ở lại BV điều trị nội trú. Các bác sĩ đã thực hiện 293 ca phẫu thuật. Riêng trong 2 ngày 30 tháng Chạp và mùng 1 tháng Giêng, các BV đã khám cấp cứu, tai nạn cho 1.340 trường hợp, trong đó có 279 ca TNGT, số BN phải nhập viện điều trị nội trú là 743 ca.
Năm nay, toàn tỉnh không xảy ra tình trạng ngộ độc tập thể hoặc các chùm dịch bệnh. Có 293 công dân của năm Giáp Ngọ đã chào đời tại các BV, trong đó công dân chào đời đầu tiên ở Khánh Hòa là một bé gái, sinh vào lúc 0 giờ 50 phút ngày mùng 1 Tết, tại BV Đa khoa tỉnh - con của sản phụ Đặng Thị Ngọc Thanh (Vạn Thắng, Nha Trang).
T.L