Qua kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm tại các nhà máy, cơ sở cấp nước sinh hoạt, giếng khoan, giếng đào trên toàn tỉnh Khánh Hòa từ tháng 1 đến tháng 10-2020, kết quả cho thấy, nguồn nước từ hệ thống cấp nước quy mô vừa và nhỏ hầu như chưa đáp ứng các thông số đánh giá để được xem là nước sạch.
Qua kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm tại các nhà máy, cơ sở cấp nước sinh hoạt, giếng khoan, giếng đào trên toàn tỉnh Khánh Hòa từ tháng 1 đến tháng 10-2020, kết quả cho thấy, nguồn nước từ hệ thống cấp nước quy mô vừa và nhỏ hầu như chưa đáp ứng các thông số đánh giá để được xem là nước sạch.
Hệ thống cấp nước quy mô lớn đạt chuẩn
Ông Lê Quang Thi - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Sức khỏe môi trường - y tế trường học của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, đơn vị vừa hoàn thành đợt đánh giá chất lượng nước theo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) trên địa bàn toàn tỉnh. Cán bộ chuyên môn đã thực hiện lấy mẫu nước tại các nhà máy nước (có công suất trên 1.000m3/ngày đêm) để kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT) của Bộ Y tế.
Kết quả, toàn bộ 44 mẫu nước tại 19 nhà máy nước trên toàn tỉnh được lấy mẫu để kiểm nghiệm đều đạt QCVN 01:2009/BYT. Các nhà máy này đang ngày đêm cung cấp nước sạch cho hơn 248.000 hộ trên toàn tỉnh. Thậm chí có 3 nhà máy nước còn đạt quy chuẩn mới nhất (QCVN 01-1:2018/BYT) là: Nhà máy nước Xuân Phong, Nhà máy nước Võ Cạnh và Xí nghiệp cấp nước Khánh Sơn (đều thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa). Trong đó, Nhà máy nước Võ Cạnh và Xuân Phong (TP. Nha Trang) có tổng công suất 114.000m3/ngày đêm đang đảm nhận nhiệm vụ cấp nước cho 140.000 hộ.
Kết quả kiểm tra còn cho thấy, 19 nhà máy nước có công suất trên 1.000m3/ngày đêm đều đã thực hiện việc theo dõi, quản lý chất lượng nước; thực hiện chế độ nội kiểm; công khai thông tin và báo cáo chất lượng nước đầy đủ, định kỳ theo đúng quy định.
Nhiều chỉ tiêu ở công trình nhỏ chưa đạt
11 công trình có chất lượng nước chưa đạt QCVN 02:2009/BYT gồm các trạm cấp nước: 3 thôn Suối Lau (Suối Lau 2, Suối Cát, Cam Lâm); Cam Lập (Cam Lập, Cam Ranh); Suối Diên (Xuân Sơn, Vạn Ninh); Ninh Vân (Ninh Vân, Ninh Hòa); Sơn Thái (Bố Lang, Sơn Thái, Khánh Vĩnh), Suối Nhím (Cà Thiêu, Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh), thôn Axay (Axay, Khánh Nam, Khánh Vĩnh); Diên Tân (Đá Mài, Diên Tân, Diên Khánh); Suối Tiên (Tân Khánh, Suối Tiên, Diên Khánh); Sơn Lâm (Ko Róa, Sơn Lâm, Khánh Sơn) và Ba Cụm Bắc (Dốc Trầu, Ba Cụm Bắc, Khánh Sơn). |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng lấy mẫu nước ở 13 cơ sở cấp nước có công suất dưới 1.000m3/ngày đêm trên địa bàn tỉnh và lấy mẫu ngẫu nhiên tại giếng khoan, giếng đào ở một số cơ quan, hộ gia đình để kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT) của Bộ Y tế. Kết quả, chỉ có 2/13 cơ sở cấp nước có công suất dưới 1.000m3/ngày đêm đạt chất lượng nước theo quy chuẩn. Đó là Nhà máy nước Diên Đồng (huyện Diên Khánh) do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý và Trạm cấp nước Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) do Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Vạn Ninh quản lý.
Theo ông Lê Quang Thi, 11 cơ sở cấp nước không đạt tiêu chuẩn đều có hàm lượng Clo dư quá thấp (chất dùng để khử trùng nước); tỷ lệ vi khuẩn Coliform và E.Coli vượt quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, nhiều mẫu nước tại các cơ sở này đều có độ đục, màu sắc chưa đạt so với quy chuẩn. Cả 11 cơ sở cấp nước này cũng chưa thực hiện công tác theo dõi, quản lý chất lượng nước cũng như chế độ nội kiểm, công khai thông tin và báo cáo chất lượng nước theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Riêng đối với nguồn nước được lấy ngẫu nhiên tại 14 công trình giếng khoan, giếng đào ở một số hộ gia đình, cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh, kết quả kiểm nghiệm cho thấy chỉ có nguồn nước ở giếng khoan tại Trạm Y tế xã Diên Tân (huyện Diên Khánh) đạt các chỉ tiêu theo QCVN 02:2009/BYT. Chất lượng nước ở 13 giếng còn lại đều không đạt, nhiều mẫu nước có tỷ lệ vi khuẩn Coliform và E.Coli gấp nhiều lần ngưỡng cho phép. Ví dụ tại 1 giếng đào ở xã Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn), cơ quan chuyên môn đo được trong 100ml nước có đến 240 vi khuẩn E.Coli, trong khi giới hạn tối đa chỉ cho phép đến 20 vi khuẩn này. Mẫu nước ở giếng nước tại Trạm Y tế Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh) có tới 430 vi khuẩn E.Coli/100ml nước, cao gấp 21,5 lần giới hạn cho phép. Giếng khoan tại Trạm Y tế xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh), tổng số Coliform đạt tới 750 trong khi giới hạn tối đa là 150 vi khuẩn/100ml nước.
Như vậy, chỉ có hơn 248.000 hộ/332.697 hộ (thống kê năm 2019) được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn về nước sạch; hàng chục nghìn hộ còn lại, chủ yếu ở khu vực nông thôn đang phải sử dụng nước sinh hoạt chưa đảm bảo chất lượng. Điều này chỉ có thể được cải thiện thông qua việc đầu tư thêm các công trình cấp nước tập trung, quy mô lớn trên toàn tỉnh; sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành có trách nhiệm và thẩm quyền trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng nước mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn về nước sạch của người dân hiện nay.
Hồng Đăng