10:06, 01/06/2020

Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học vịnh Nha Trang

Nhờ tăng cường các biện pháp tuyên truyền, tuần tra, bảo vệ môi trường, lo sinh kế cho người dân, nghiên cứu khoa học…, hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học vịnh Nha Trang đã có nhiều chuyển biến.

Nhờ tăng cường các biện pháp tuyên truyền, tuần tra, bảo vệ môi trường, lo sinh kế cho người dân, nghiên cứu khoa học…, hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) vịnh Nha Trang đã có nhiều chuyển biến.


Tăng cường bảo vệ môi trường


Theo khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang,  thời điểm năm 2016, vịnh Nha Trang với diện tích hơn 812ha có các hệ sinh thái tiêu biểu như: 6 loài cây ngập mặn thực thụ, 7 loài cỏ biển, 115 taxa (đơn vị phân loại) động vật đáy, 504 loài sinh vật rạn san hô. Điều này cho thấy, vịnh Nha Trang có tiềm năng ĐDSH cao so với nhiều vùng khác ven bờ Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động nhiều mặt của phát triển kinh tế - xã hội, ĐDSH trong vịnh bị suy giảm, cụ thể là mật độ rạn san hô, một số loài sinh vật đáy, cá rạn… giảm so với trước.

 

Phối hợp các lực lượng thả rùa biển.

Phối hợp các lực lượng thả rùa biển.


Mới đây, khảo sát của Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang tại Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun cho thấy, ĐDSH trong vịnh đã được tăng cường, độ phủ san hô chiếm 82% các hợp phần đáy khác và thuộc mức đầu thang xếp hạng tuyệt vời của tiêu chuẩn sức khỏe rạn; mật độ các loài cá rạn san hô, động vật thân mềm cỡ lớn tăng trở lại. Cụ thể, nhóm cá chỉ thị như: cá bướm có 8 - 9 cá thể, cá mó 10 - 11 cá thể, cá hồng 3 - 4 cá thể trong 500m3 nước biển; động vật thân mềm như: hải sâm 1,5 cá thể, tôm bác sĩ 1 cá thể, trai tai tượng 1 cá thể, nhiều nhất là cầu gai đen với 12 cá thể trên 100m2.


Có được kết quả trên là nhờ thời gian gần đây, BQL vịnh Nha Trang đã có nhiều hoạt động tích cực bảo vệ môi trường vịnh. Theo đó, đội tuần tra trang bị phương tiện cơ động có sự tham gia của cộng đồng, hoạt động 24/24 giờ, bảo vệ hệ sinh thái trong khu bảo tồn biển; thành lập tổ lặn bảo quản phao, neo định hình vị trí các phân khu bảo tồn để các phương tiện thủy không làm ảnh hưởng đến rạn san hô; đội công tác tuyên truyền phối hợp với các lực lượng, ban, ngành tuyên truyền ĐDSH cho người dân, doanh nghiệp; phối hợp với 16 trường học (cấp 1, 2) thực hiện chương trình giáo dục môi trường biển; trồng rừng ngập mặn; tổ chức bắt sao biển gai; thả cá khoang cổ, cá ngựa…


BQL vịnh còn phối hợp với các xã, phường ven biển giám sát rác thải, cống thải đổ ra vịnh; kiểm tra hoạt động lồng bè nuôi trồng thủy sản xả thải; tổ chức vớt rác trên sông, thu gom thức ăn thừa từ lồng bè, xử phạt việc đổ nước thải chưa qua xử lý… Đồng thời, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học khảo sát chất lượng nước; tính ĐDSH; bảo vệ bãi rùa đẻ; nghiên cứu sức tải đối với hoạt động du lịch; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun… Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp thực hiện mô hình sinh kế cho cư dân ven vịnh, trợ giúp vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới thực hiện Hợp phần sinh kế giúp tổ hợp tác mành ốc Nguyên Hòa (đảo Trí Nguyên), tạo việc làm cho chị em phụ nữ các đảo; thành lập đội thuyền thúng đáy kính; hỗ trợ bè nổi phát triển du lịch; hỗ trợ phát triển nghề truyền thống (mành ốc, lưới thể thao…); đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho con em ngư dân ven vịnh…


Ông Đàm Hải Vân - Trưởng phòng Bảo tồn, BQL vịnh Nha Trang cho hay, các hoạt động nói trên ngày càng được củng cố và tăng cường, đặc biệt là hoạt động tuần tra, kiểm soát những tác động xấu đến môi trường cũng như hệ sinh thái vùng vịnh… Nhờ đó, môi trường được đảm bảo tốt, các loài sinh vật có điều kiện phát triển trở lại.


Còn nhiều thách thức


Theo lãnh đạo BQL vịnh Nha Trang, tuy công tác bảo tồn ĐDSH vịnh Nha Trang hiện nay có nhiều chuyển biến song vẫn còn không ít thách thức, nhất là các hoạt động du lịch, xây dựng công trình, đường sá, cầu cảng, nạo vét luồng lạch, đổ đất lấn biển trong và ngoài khu vực vịnh đang ngày càng gia tăng, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nguồn nước ven bờ và tạo ra lượng trầm tích đáng kể. Bên cạnh đó, các khu vực rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn đang bị thu hẹp do địa phương triển khai các dự án đầu tư trong khu vực, nhiều loài có giá trị kinh tế ngày càng khan hiếm, tạo ra một số thay đổi về ĐDSH trong khu vực. Việc tuân thủ các quy định quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, di sản văn hóa, thu gom chất thải, trang thiết bị ứng phó sự cố môi trường chưa được thực hiện một cách đầy đủ.


Ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, nguồn thải đổ vào vịnh từ hoạt động chế biến, nuôi trồng thủy sản, đánh cá… nhưng hầu hết chưa qua xử lý vẫn xảy ra. Tuy mức độ ô nhiễm vùng vịnh chưa đáng kể nhưng đang có dấu hiệu gia tăng về một số chỉ tiêu như: Coliform, dầu, hạt trầm tích lớn và đặc biệt là độ phì dưỡng (giàu dinh dưỡng). Hiện nay, văn bản pháp luật có quy định về hành vi xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường nhưng rất khó có chứng cứ vi phạm để xử lý. Đối tượng thường lợi dụng đêm tối, vắng vẻ hay đang hành trình ngoài biển xa để thực hiện hành vi vi phạm. Vì vậy, giải pháp chung đặt ra là cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực và công nghệ hiện đại cho các ngành sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh tế biển để hạn chế ô nhiễm; đồng thời nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực quản lý bảo vệ môi trường biển cho lực lượng chức năng và người dân.


V.L

 


 

Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang thành lập năm 2005, tiền thân là Khu Bảo tồn biển Hòn Mun (thành lập năm 2001). Đây là dự án bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam do Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), UBND tỉnh và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) thành lập. Hợp phần sinh kế của dự án hỗ trợ Quỹ xóa đói giảm nghèo 350 triệu đồng giúp phụ nữ vay vốn, tạo việc làm tại 5 đảo xung quanh khu bảo tồn biển.