HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa tiến hành giám sát chuyên đề tình hình chấp hành pháp luật trong việc cấp phép xây dựng và các biện pháp an toàn khi thi công trên địa bàn TP. Nha Trang, từ năm 2015 đến ngày 31-7-2019.
HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa tiến hành giám sát chuyên đề tình hình chấp hành pháp luật trong việc cấp phép xây dựng và các biện pháp an toàn khi thi công trên địa bàn TP. Nha Trang, từ năm 2015 đến ngày 31-7-2019.
Tập trung lập lại trật tự xây dựng
Ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đặt vấn đề quản lý trật tự đô thị hiện nay rất phức tạp, không phải đơn giản “cứ cái gì cao là chặt”. Đơn cử như tình trạng xây dựng không đúng giấy phép, sai quy hoạch ở dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang (phường Vĩnh Trường) kéo dài lâu, chính quyền thành phố có nắm được không. Với những công trình vi phạm đang thi công dở dang dễ xử lý nhưng những nhà xây đã lâu, ở ổn định thì thành phố có phương án xử lý như thế nào? Lãnh đạo UBND TP. Nha Trang cho biết, đối với các công trình xây dựng sai quy hoạch tại Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang, thành phố đang chỉ đạo các ngành nghiên cứu báo cáo tỉnh. Các công trình đang xây dựng dở dang đều đã đình chỉ. Theo đại diện Sở Xây dựng, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về những sai phạm ở dự án này. Sở Xây dựng phối hợp với UBND TP. Nha Trang xây dựng kế hoạch cưỡng chế 13 công trình, trong đó có 7 công trình đang xây dựng dở dang. Được biết, theo quy hoạch, dự án này cho phép mật độ xây dựng 40 - 60% nhưng các công trình đã xây dựng 100% diện tích.
Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, trong năm 2019, thành phố quyết liệt lập lại trật tự xây dựng, trong đó tập trung buộc khôi phục hiện trạng đối với các công trình xây dựng trái phép. Còn bà Nguyễn Thị Mỹ Trang - Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết, sau khi thực hiện cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép ở xã Vĩnh Thái và phường Phước Long, UBND thành phố đã chỉ đạo thành lập 2 tổ công tác chốt chặn, phối hợp với tổ liên ngành kiểm tra, phát hiện kịp thời để hạn chế tái lấn chiếm. Phòng cũng đã đề xuất UBND thành phố thực hiện các biện pháp ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý trật tự xây dựng như lắp đặt camera tại các khu vực đã cưỡng chế và sử dụng flycam để kịp thời phát hiện các trường hợp xây dựng trái phép. Trong tháng 10, sẽ tiếp tục cưỡng chế 34 công trình xây dựng trái phép ở xã Phước Đồng; tiếp đến là các khu vực trọng điểm khác.
Tại buổi giám sát, có nhiều ý kiến liên quan đến tình trạng lộn xộn ở Khu nhà ở gia đình quân đội K98-NT (phường Phước Hòa). Theo đại diện chủ đầu tư, dự án xây dựng nhà ở cho gia đình quân nhân với 187 căn nhà, trong đó có 10 căn phục vụ tái định cư. Chủ đầu tư chỉ chịu trách nhiệm đầu tư hạ tầng và móng nhà, còn lại chủ nhà sẽ chịu trách nhiệm hoàn thiện. Do các hộ tự xây dựng nên khá phức tạp. Theo quy hoạch, các công trình xây dựng nhà ở từ 3 đến 5 tầng, không được xây khách sạn. Lãnh đạo HĐND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư đôn đốc xây dựng để sớm bàn giao cho địa phương quản lý.
Tăng cường kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm
Theo báo cáo của UBND TP. Nha Trang, từ năm 2015 đến tháng 7-2019, thành phố đã tiếp nhận 18.534 hồ sơ xin cấp phép xây dựng; trong đó đã cấp giấy phép cho 17.524 trường hợp. Thành phố đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra, qua đó phát hiện hơn 95 trường hợp xây dựng sai giấy phép, 2.677 trường hợp xây dựng không phép. Thành phố đã ra quyết định xử phạt vi phạm đối với 1.498 trường hợp; trong đó thi hành 1.204 quyết định với số tiền gần 17,7 tỷ đồng; buộc tháo dỡ 1.693 công trình, trong đó đã tổ chức tháo dỡ 606 trường hợp. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, từ năm 2015 đến ngày 31-7-2019, sở đã cấp 753 giấy phép xây dựng dân dụng. Trong năm 2017 đã xảy ra 3 sự cố trong thi công xây dựng làm 2 người chết và bị thương 3 người. |
Qua giám sát, TP. Nha Trang đã nêu ra những bất cập trong áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, nhất là liên quan đến Quyết định 21 ngày 5-6-2011 của UBND tỉnh ban hành quy định phân cấp, phối hợp quản lý và xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh (đang có hiệu lực pháp luật). Ngày 20-9, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản đề nghị UBND tỉnh bãi bỏ Quyết định 21 vì các văn bản được viện dẫn trong phần căn cứ ban hành của Quyết định 21 đều đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần.
Tại buổi giám sát, nhiều vấn đề về công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đã được nêu ra như: Hoạt động của Ban chỉ đạo xử lý vi phạm trật tự xây dựng và đất đai của tỉnh chậm trễ; tình trạng gần 400 nhà ở đơn lẻ biến tướng chuyển đổi công năng thành cơ sở lưu trú chưa có hướng giải quyết; hướng xử lý sau sự cố sạt lở nghiêm trọng tại dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú... Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác như: Các công trình thi công dựng rào chắn, tập kết vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; có công trình dừng thi công đã lâu nhưng cần trục tháp vẫn vươn ra đường gây nguy cơ mất an toàn; quá trình thi công không thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động, không che chắn; chưa thông tin đầy đủ về công trình…
Thay mặt đoàn giám sát, ông Lê Xuân Thân yêu cầu các sở, ngành và UBND TP. Nha Trang tăng cường kiểm tra, xử phạt những sai phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn, kiên quyết không để tình trạng xử phạt rồi cho tồn tại; nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong quản lý trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm về an toàn lao động, không thực hiện che chắn, tập kết vật liệu tràn hết vỉa hè và lòng đường gây cản trở giao thông…
NAM DU