Những năm gần đây, tại các khu vực ven đô của TP. Nha Trang và Cam Ranh, hiện tượng gia súc thả rông đã gây nhiều phiền toái cho cuộc sống của người dân. Các địa phương cần quyết liệt hơn để chấn chỉnh tình trạng này.
Những năm gần đây, tại các khu vực ven đô của TP. Nha Trang và Cam Ranh, hiện tượng gia súc thả rông đã gây nhiều phiền toái cho cuộc sống của người dân. Các địa phương cần quyết liệt hơn để chấn chỉnh tình trạng này.
Vất vả đối phó
Tuy là phường nhưng Vĩnh Hòa (TP. Nha Trang) có nhiều đồi núi, thích hợp chăn nuôi gia súc như bò, dê. Hiện nay, người dân vẫn chăn nuôi để có thêm thu nhập, song việc quản lý rất lỏng lẻo, có khi không bố trí người chăn dắt. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và quản lý đô thị. Mới đây, chúng tôi chứng kiến đàn bò hàng chục con ung dung gặm cỏ trên bãi đất trống cạnh đường Phạm Văn Đồng (khu vực Bãi Tiên) nhưng không thấy người trông coi. Một lát sau, đàn bò kéo nhau sang dải phân cách và thoải mái gặm những búp non ở đây. Đây cũng là lý do vì sao những cây con, búp non trên dải phân cách khu vực Vĩnh Hòa bị ngắt trụi.
Ông Trần Văn Tuyên - Phó Chủ tịch UBND phường cho hay, phường rất đau đầu về nạn gia súc thả rông nhiều năm nay. Phường mời chủ hộ lên làm việc nhưng họ không đến, bắt bò đưa về nhốt thì không có người trông coi, nhốt một thời gian bò phóng uế hôi hám nên phải thả, chưa kể nếu bò chết thì rất phiền phức. Hiện nay, vấn đề khó nhất là chưa có chế tài xử lý... Theo ông Tuyên, phường vận động người dân giảm đàn, chuyển nghề, nhưng vẫn còn 2 hộ nuôi với tổng đàn 35 con. Phường đề nghị các hộ ký cam kết không được thả rông gia súc, khi lùa qua đường phải rọ mõm... nhưng các hộ không chấp hành.
Thời gian gần đây, lãnh đạo các phường nội thị TP. Cam Ranh cũng đau đầu vì nạn gia súc thả rông. Bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Phú cho biết, tuy là phường nội thị nhưng trên địa bàn vẫn còn nhiều hộ nuôi bò, dê để kiếm thêm thu nhập. Toàn phường có 31 hộ nuôi bò tại 7 tổ dân phố, tổng đàn 111 con. Khi lùa bò qua đường, người nuôi không rọ mõm, không dây mũi nên việc bắt bò rất khó. Khi bắt được rồi thì lại phải thả vì không có người trông coi. Có trường hợp chủ bò ở tận Phan Rang, lâu lâu mới ra xem tình hình bò nên chính quyền gặp khó khăn trong xử lý.
Tại phường Cam Lộc, tình hình có khá hơn vì chính quyền xử lý quyết liệt. Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch UBND phường cho biết, trên địa bàn có công viên 22-8, người nuôi thường lùa bò đi qua, có khi để bò phá cây cối, ăn búp non. Năm 2018, chính quyền vào cuộc quyết liệt, phối hợp với đội bảo vệ công viên bắt giữ bò. Từ đầu năm 2019 đến nay, phường bắt 2 trường hợp, thông báo cho chủ bò lên ký cam kết, nộp phạt nên tình hình tạm ổn.
Cần quyết liệt hơn
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị Cam Ranh, do quá trình phát triển đô thị diễn ra nhanh nên nhiều hộ chưa kịp chuyển đổi nghề, vẫn mưu sinh bằng cách chăn nuôi gia súc. Do hầu hết bò, dê không được nuôi nhốt, buộc dây nên chúng đi lại tự do, phóng uế bừa bãi, ra các tuyến đường chính, nơi có mật độ phương tiện lưu thông cao. UBND TP. Cam Ranh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn... Thành phố đã yêu cầu các địa phương triển khai cho hộ chăn nuôi gia súc ký cam kết, không thả rông gia súc tại các khu vực công cộng; không đưa gia súc vào phần đường dành cho xe cơ giới, dải phân cách; không sử dụng gia súc kéo xe trên đường; thành lập 2 điểm nhốt bò tại Cam Phú và Ba Ngòi; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu hộ để xảy ra vi phạm phải bồi thường thiệt hại; họp tổ dân phố kiểm điểm chủ hộ vi phạm; xem xét không bình xét danh hiệu văn hóa đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm… Nhờ đó, hiện nay, tình hình tạm ổn.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, tình hình thả rông gia súc hiện nay tuy vẫn còn nhưng đã giảm so với trước do chăn nuôi không có lãi, nhiều hộ bán bò. Việc này rộ lên tại phường Vĩnh Hòa là do địa phương chưa quyết liệt trong xử lý nạn bò thả rông. Thời gian tới, thành phố sẽ chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu, tìm phương án tối ưu giải quyết tình trạng này.
V.LẠC