09:08, 18/08/2022

Thay đổi cách đánh giá học sinh trung học: Tiếp tục tuyên truyền đến học sinh

Thông tư 22/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với nhiều thay đổi trong đánh giá học sinh (HS) THCS, THPT đã được áp dụng đối với lớp 6 trong năm học 2021-2022, song song với lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018...

Thông tư 22/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với nhiều thay đổi trong đánh giá học sinh (HS) THCS, THPT đã được áp dụng đối với lớp 6 trong năm học 2021-2022, song song với lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong năm học 2022-2023, quy định này sẽ được thực hiện thêm đối với lớp 7 và lớp 10. 
 
Nhiều thay đổi 
 
Thông tư 22 đưa ra 2 hình thức đánh giá các môn học là đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số. Trong đó, đánh giá bằng nhận xét (2 mức: đạt và chưa đạt) áp dụng đối với các môn học và hoạt động giáo dục gồm: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Những môn còn lại được đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số, trong đó môn 35 tiết/năm học đánh giá 2 lần; môn có trên 35 tiết đến 70 tiết đánh giá 3 lần; môn có trên 70 tiết đánh giá 4 lần. 
 
 
Học sinh và phụ huynh học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (Nha Trang) tại buổi tư vấn, phổ biến một số điểm mới năm học 2022-2023 cho khối 10.
Học sinh và phụ huynh học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (Nha Trang) tại buổi tư vấn, phổ biến một số điểm mới năm học 2022-2023 cho khối 10.
 
Thông tư 22 cũng bỏ việc cộng điểm trung bình tất cả các môn học để xếp loại HS; HS được giữ nguyên bảng điểm các môn. Kết quả học tập của HS từng kỳ và cả năm học được đánh giá theo 4 mức gồm: tốt, khá, đạt, chưa đạt. Về khen thưởng cuối năm học, chỉ có danh hiệu “HS xuất sắc” (đối với HS có kết quả rèn luyện/ học tập ở mức tốt, có ít nhất 6 môn học đạt 9 điểm trở lên) và danh hiệu “HS giỏi” (dành cho HS có kết quả học tập, rèn luyện ở mức tốt và có 6 môn đạt 8 điểm trở lên, các môn còn lại trên 6,5 điểm). Ngoài ra, còn có khen HS có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học, khen HS có thành tích đặc biệt được nhà trường đề nghị cấp trên khen thưởng.
 
Thầy Trần Thiện Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (TP. Nha Trang) cho rằng, sau 1 năm thực hiện Thông tư 22 đối với lớp 6, có thể thấy ưu điểm là các môn học (kết hợp nhận xét và cho điểm) được xem như nhau, không có môn học nào được coi là môn khống chế (Ngữ văn, Tiếng Anh, Toán) như Thông tư 26 năm 2020. Việc đánh giá kết quả học tập của HS thuận lợi hơn khi không phải cộng điểm trung bình các môn học; danh hiệu “HS xuất sắc” cuối năm có tác dụng động viên HS. Tuy nhiên, thông tư cũng có bất cập mà nhà trường mong muốn sửa đổi. Trong đó, điều 14 quy định đối với những HS chưa đủ điều kiện lên lớp, HS phải làm bài kiểm tra lại tất cả các môn dưới trung bình là không hợp lý mà chỉ cần kiểm tra một số môn (do HS chọn), sao cho sau khi kiểm tra lại, kết quả có đủ 6 môn từ 5 điểm trở lên, các môn còn lại từ 3,5 điểm là được. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm danh hiệu khen thưởng “HS tiên tiến” dành cho HS có kết quả rèn luyện đạt loại tốt và kết quả học tập đạt loại khá. 
 
Áp dụng đối với lớp 7 và 10
 
Theo thầy Trần Văn Bảy - Hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn (Nha Trang), sau 1 năm học thực hiện đánh giá HS lớp 6 theo chương trình, sách giáo khoa mới, nhìn chung phần lớn HS đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra, phát triển được về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản. Tuy nhiên, do ở tiểu học đang học chương trình cũ, bước vào lớp 6 học chương trình mới nên nhiều em gặp khó khăn trong việc làm quen với phương pháp học tập mới. Vì vậy, giáo viên phải linh hoạt trong đánh giá theo mục tiêu hướng tới sự tiến bộ của các em. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của HS nên đã giảm áp lực hồ sơ sổ sách để giáo viên dành nhiều thời gian quan tâm đến HS và đổi mới phương pháp dạy học. 
 
Trong năm học 2022-2023, ngoài việc tiếp tục áp dụng ở cấp THCS đối với lớp 6, lớp 7, Thông tư 22 sẽ được triển khai lần đầu ở cấp THPT, bắt đầu từ lớp 10. Theo thầy Phạm Ngọc Ninh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa), Thông tư 22 được triển khai theo lộ trình rõ ràng nên không gây bất ngờ cho nhà trường, HS và cha mẹ HS. Thông tư có tính kế thừa thông tư cũ (Thông tư 26/2020) trong một số nội dung đánh giá như: việc quy định các hình thức đánh giá, quy định số cột kiểm tra thường xuyên, cách tính điểm trung bình môn học kỳ và cả năm… Tuy nhiên, thông tư có nhiều điểm thay đổi so với cách thức đánh giá cũ, trong đó một số nội dung gần như thay đổi căn bản như: xóa bỏ sự phân biệt môn chính và môn phụ, việc khen thưởng danh hiệu HS, tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và năm học… Để triển khai Thông tư 22, nhà trường đã tổ chức quán triệt, phổ biến cho cán bộ, giáo viên từ cuối năm học 2021-2022. Trong đó, tập trung vào những điểm mới, điểm khác biệt so với cách đánh giá cũ. Trường cũng sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho HS và cha mẹ HS lớp 10 năm học 2022-2023 dưới nhiều hình thức nhằm giúp HS và phụ huynh nắm bắt được cách thức đánh giá kết quả rèn luyện và học tập, đồng thời giúp các em có định hướng và phấn đấu trong quá trình học tập, rèn luyện. 
 
Theo Thông tư 22, kết quả học tập của HS đạt mức tốt nếu tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức đạt; tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét và điểm số có điểm từ 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt 8 trở lên. Mức khá là tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét ở mức đạt; điểm các môn từ 5 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn có điểm trung bình đạt 6,5 trở lên. Mức đạt áp dụng đối với HS có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức chưa đạt, ít nhất 6 môn có điểm từ 5 trở lên, không có môn nào dưới 3,5 điểm. Mức chưa đạt là các trường hợp còn lại. 
 
H.NGÂN