09:06, 14/06/2020

Để ngành Sư phạm có sức hút

Giữa rất nhiều ngành nghề hiện nay, nghề giáo vẫn luôn được xã hội tôn vinh và kính trọng. Đây là nghề nghiệp rất đặc thù vì họ góp phần giáo dục và đào tạo con người có tri thức, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp.

Giữa rất nhiều ngành nghề hiện nay, nghề giáo vẫn luôn được xã hội tôn vinh và kính trọng. Đây là nghề nghiệp rất đặc thù vì họ góp phần giáo dục và đào tạo con người có tri thức, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp.


Thực học gắn với thực hành


Để học sinh lựa chọn ngành Sư phạm, ngoài việc quan tâm đến chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, chế độ học bổng cho sinh viên (SV)… thì chất lượng đào tạo của nhà trường là yếu tố hàng đầu. Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều đưa ra điểm sàn đối với ngành Sư phạm để đảm bảo chất lượng đầu vào. Điều đó đồng nghĩa với việc trường đào tạo sư phạm phải có sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy song song với việc đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ dạy và học để có chất lượng đầu ra.

 

Sinh viên Lê Thị Hoàng Vy - lớp Sư phạm Ngữ văn K1 Trường Đại học Khánh Hòa,  1 trong 100 sinh viên của cả nước nhận giải thưởng “Sao Tháng Giêng” năm 2019 và 1 trong 67 “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” toàn quốc năm 2020.

Sinh viên Lê Thị Hoàng Vy - lớp Sư phạm Ngữ văn K1 Trường Đại học Khánh Hòa, 1 trong 100 sinh viên của cả nước nhận giải thưởng “Sao Tháng Giêng” năm 2019 và 1 trong 67 “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” toàn quốc năm 2020.


Thạc sĩ Thái Thị Phương Thảo - phụ trách Khoa Sư phạm Trường Đại học Khánh Hòa cho biết, quan điểm đào tạo hiện nay là “thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệp”. Đào tạo sư phạm cũng không phải ngoại lệ, đòi hỏi lý thuyết phải gắn với thực hành để SV ra trường không bỡ ngỡ trước những hoạt động thực tế giảng dạy phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, các nhà trường cần tăng cường rèn luyện kỹ năng nghề cho SV, tạo điều kiện cho SV vận dụng lý thuyết vào thực tiễn. Vì vậy, ngoài việc truyền dạy kiến thức chuyên môn chủ yếu bằng hình thức tự học, tự nghiên cứu - một hình thức dạy học đặc thù của bậc đại học, Khoa Sư phạm của trường còn xây dựng các hoạt động nghiệp vụ, thực hành sư phạm; các câu lạc bộ chuyên môn, câu lạc bộ kỹ năng sống, kỹ năng mềm; các hoạt động thiện nguyện, giao lưu... Năm học 2019 - 2020, khoa tổ chức hội nghị học tốt, hội thi giảng tại các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Nha Trang, hội thi nghiệp vụ sư phạm, thi thiết kế đồ dùng dạy học Toán... SV cũng được thực tập giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm lớp, đoàn đội, tìm hiểu thực tiễn giáo dục tại các trường.


Theo Thạc sĩ Thái Thị Phương Thảo, cơ hội việc làm của SV ngành Sư phạm không chỉ bó hẹp trong việc dạy học. Sau khi tốt nghiệp, SV có thể giảng dạy tại các trường THPT và THCS, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học… Họ cũng có thể nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học; quản lý chuyên môn và giáo dục ở các nhà trường hoặc cơ quan quản lý nhà nước…


Thắp sáng ngọn lửa yêu nghề

 

Hiện nay, Khoa Sư phạm Trường Đại học Khánh Hòa có 3 ngành đào tạo đại học gồm: Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý và 1 ngành cao đẳng Giáo dục tiểu học. Đội ngũ giảng viên có 2 phó giáo sư - tiến sĩ, 7 tiến sĩ và 7 giảng viên đang học nghiên cứu sinh… Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo trường với Khoa Sư phạm mới đây, khoa đề xuất lãnh đạo trường quan tâm việc mở ngành Giáo dục tiểu học bậc đại học và đào tạo thạc sĩ ngành Toán học, Ngữ văn và Vật lý.

“Giáo dục không phải là đong cho đầy thùng mà là thắp lên ngọn lửa”, câu nói của William Butler Yeats - nhà biên kịch Ailen cho thấy, trong việc đào tạo ngành sư phạm không chỉ cần trang bị cho SV kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn chú trọng thắp sáng ngọn lửa của lòng yêu nghề, yêu trẻ, của tinh thần nhiệt huyết. Với sự tiếp nối và phát triển truyền thống 40 năm xây dựng và trưởng thành của Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang trước đây, Khoa Sư phạm Trường Đại học Khánh Hòa hiện nay có đội ngũ giảng viên được đào tạo từ các trường đại học lớn trên khắp 3 miền của Tổ quốc như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn... Hơn 40 năm qua, khoa đã đào tạo nhiều thế hệ SV vững vàng về chuyên môn, kỹ năng sư phạm, nhiệt huyết với học sinh. Nhiều người đã và đang đảm nhận những trọng trách lớn của ngành.


Được biết, ngoài các chính sách tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với các ngành đào tạo giáo viên, năm nay, Trường Đại học Khánh Hòa tiếp tục tuyển thẳng đối với các thí sinh đã tốt nghiệp THPT vào các ngành phù hợp nếu đáp ứng điều kiện: 3 năm học THPT trường chuyên đạt học sinh giỏi, hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức; có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại Khánh Hòa. Phương án tuyển thẳng riêng của trường không chỉ nhằm thu hút học sinh giỏi mà còn nhằm gây dựng đầu ra “mũi nhọn” cho những năm tới.


T.V