Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời phóng viên Báo Khánh Hòa xung quanh điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019 - 2020 vừa được sở công bố.
Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trả lời phóng viên Báo Khánh Hòa xung quanh điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019 - 2020 vừa được sở công bố.
- Thưa bà, bà có đánh giá gì xung quanh điểm chuẩn và phổ điểm vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2019 - 2020?
- Điểm chuẩn vào các trường không đồng đều, có sự phân hóa rõ rệt. Các trường THPT ở vùng xa, vùng khó khăn có điểm chuẩn thấp như: Tôn Đức Thắng, Trần Quý Cáp, Tô Văn Ơn, Đoàn Thị Điểm. Tuy nhiên, mức điểm chuẩn thấp cũng chỉ ở một vài em. Như trường Trần Quý Cáp, Tô Văn Ơn mức điểm chuẩn 4,0 chỉ có 1 em. Điểm bình quân của Trần Quý Cáp là 17,56 điểm, Tô Văn Ơn là 16,74 điểm. Trường Đoàn Thị Điểm mức điểm chuẩn 4,2 điểm chỉ có 3 em, điểm bình quân là 16,17 điểm. Ở những khu vực này không có trường tư thục. Việc lấy điểm chuẩn thấp đối với những trường này nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh (HS) và chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.
Riêng Trường THPT Lý Tự Trọng, mức điểm chuẩn 27,7 chỉ có 2 em, điểm cao nhất là 43,8, điểm bình quân là 35,24 điểm. Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi mức điểm chuẩn 23,9 chỉ có 5 em, điểm cao nhất là 43,4, điểm bình quân là 30,86 điểm. Trường THPT Nguyễn Trãi mức điểm chuẩn 7,6 chỉ có 1 em, điểm cao nhất là 44,5, điểm bình quân đạt 27,76. Điểm 44,5 của HS Trường THPT Nguyễn Trãi cũng là điểm thi vào lớp 10 cao nhất toàn tỉnh. Qua đó cho thấy HS thi vào các trường THPT công lập thuộc top đầu vẫn đảm bảo chất lượng HS đầu vào.
Ngoài ra, nếu tính điểm bình quân xét tuyển nguyện vọng 1 thì sẽ hình dung rõ hơn kết quả ở từng địa phương. Tỷ lệ này ở TP. Nha Trang là 29,14 điểm, cao hơn các địa phương khác. Ở huyện Diên Khánh là 23,18 điểm, TP. Cam Ranh 22,4 điểm, thị xã Ninh Hòa 20,02 điểm, huyện Vạn Ninh 19,47 điểm, huyện Cam Lâm 18,57 điểm. Toàn tỉnh có 1.718 HS đạt điểm khá, giỏi trở lên (mức điểm từ 32,5 đến 44,5 điểm), chiếm tỷ lệ 14,7%.
Có 50% số HS đạt từ 25 điểm trở lên (trung bình 5 điểm/môn tính theo hệ số).
- Đối với các HS tham gia mô hình Trường học mới (VNEN), kết quả thi tuyển vừa qua như thế nào, thưa bà?
- Qua thống kê kết quả điểm thi tuyển sinh 10 của HS tham gia mô hình Trường học mới thì tỷ lệ cũng tương đương so với HS các lớp khác. Cụ thể, tỷ lệ chung HS đạt điểm trên trung bình các môn: Ngữ văn, Toán, tiếng Anh lần lượt là 33,6%, 47,6%, 25,9% thì tỷ lệ của HS mô hình Trường học mới là 43,5%, 46,7%, 24,8%. Trong tổng số 668/13.272 bài môn Toán bị điểm 0, có 8/214 bài của HS học theo mô hình Trường học mới (VNEN).
- Đề thi được nhận định là ở mức độ cơ bản, bám sát chương trình học. Nhưng tỷ lệ HS điểm thấp rất nhiều, trong đó môn Toán có tới 668 bài thi bị điểm 0. Xin bà cho biết, nguyên nhân của kết quả này là do đâu?
- Đề thi không quá khó, nội dung xoay quanh chương trình lớp 9 và có sự phân hóa đối với HS. Trước khi bước vào kỳ thi, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường cho HS ôn luyện, giải các dạng đề theo chương trình đang học và có đề thi minh họa nhằm định hướng cho giáo viên và HS ôn tập, dự thi.
Việc nhiều thí sinh bị điểm thấp có nhiều nguyên nhân. Cách đánh giá chưa sát với trình độ và chưa thấy được thực lực của từng HS. Một số giáo viên dạy chưa sâu sát với từng đối tượng HS, nhất là HS yếu kém, có khó khăn trong việc học. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan từ phía gia đình sau mấy năm xét tuyển. Ngoài ra, có một số em mất căn bản, học yếu và không thích học.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc nhiều thí sinh bị điểm 0 là do thí sinh đã chọn trước trường nghề nên không có tâm lý làm bài tốt. Cụ thể, toàn tỉnh có hơn 1.000 HS đã đăng ký vào các trường nghề. Nhiều thí sinh chỉ ghi tên và số báo danh, hoặc chỉ viết lại đề bài; có nhiều em không đăng ký dự tuyển nên phụ huynh phải đăng ký bổ sung thay cho con em mình. Rõ ràng các em không chuẩn bị tâm thế dự thi nên cũng không làm bài. Số HS bị điểm 0 tập trung chủ yếu ở Cam Lâm, Vạn Ninh và Cam Ranh; các địa bàn khó khăn vùng bãi ngang, vùng xa… gồm các trường vốn nhiều năm nay tỷ lệ đăng ký nhập học lớp 10 không đạt chỉ tiêu tuyển sinh như: Tô Văn Ơn, Tôn Đức Thắng, Trần Quý Cáp.
- Trong 6 năm xét tuyển vào lớp 10, tỷ lệ HS khá, giỏi cao nhưng kết quả thi tuyển lại rất thấp. Bà có ý kiến gì về vấn đề này và cụ thể tỷ lệ HS khá, giỏi năm học 2018 - 2019 là bao nhiêu?
- Việc thực hiện xét tuyển vào lớp 10 có nhiều ưu điểm; những năm đầu thực hiện xét tuyển đã chứng minh rõ những ưu điểm đó. Tuy nhiên, một vài năm gần đây tỷ lệ HS khá, giỏi ở cấp THCS khá nhiều. Vì lý do nào đó mà vẫn có thầy cô “nhẹ tay” khi kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ. Năm học 2019 - 2020, sở thực hiện thi tuyển thay vì xét tuyển; việc tổ chức kỳ thi tuyển vào lớp 10 vừa qua đã tạo được sự đồng thuận của xã hội.
Nếu như tỷ lệ HS lớp 9 năm học 2017 - 2018 đạt khá là 35,66%, giỏi là 33,34% thì năm học 2018 - 2019 tỷ lệ này có giảm đi, loại khá là 35,8%, giỏi là 24,86%. Kỳ thi vừa qua đã đánh giá khách quan, chính xác chất lượng HS ở các môn cụ thể theo từng trường, từng địa bàn.
- Như bà đã nói ở trên, một số trường có số đăng ký thấp so với chỉ tiêu nên phải tuyển hết những em điểm thấp. Trong khi đó, ở một số trường, nhất là ở TP. Nha Trang lại “quá tải” số lượng đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Bà có ý kiến gì về việc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh ở một số trường hoặc địa bàn cho phù hợp với tình hình thực tế?
- Trong những năm tới, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các địa phương và sở, ngành liên quan để giao chỉ tiêu sát với thực tế hơn. Tuy nhiên, việc giao chỉ tiêu này cũng phải căn cứ vào yếu tố cơ sở vật chất trường học, đội ngũ giáo viên và định hướng phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS theo chủ trương phân luồng HS. Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh cho triển khai thực hiện 2 dự án trường THPT ở TP. Nha Trang là Phạm Văn Đồng (giai đoạn 2) và Vĩnh Lương. Bên cạnh đó, sở sẽ định hướng tăng chỉ tiêu học nghề, nhất là tại các địa bàn khó khăn.
Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 17.361 HS tốt nghiệp THCS; tuy nhiên, có 3.295 HS không đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm học 2019 - 2020. Ngoài ra, có 2.177 em không trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập sẽ tăng nguồn tuyển cho các trường nghề, các trường tư thục, các trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp.
- Có thể nói, kết quả thi tuyển vừa qua đặt ra nhiều vấn đề trong dạy và học cũng như đánh giá đúng năng lực HS. Xin bà cho biết giải pháp của Sở GD-ĐT nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường trong thời gian tới?
- Để nâng cao chất lượng dạy và học phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: phương pháp dạy học, điều kiện kinh tế, xã hội từng địa bàn, ý thức tự giác học tập của HS… Sở sẽ rà soát việc đánh giá của các nhà trường đối với HS để từ đó điều chỉnh phương pháp dạy học và có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học tới, sở sẽ chỉ đạo các phòng GD-ĐT tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá HS các trường THCS. Việc đánh giá phải sát với đối tượng HS, nhất là HS yếu kém. Đồng thời, việc dạy và ôn tập phải sát đối tượng, tập trung vào việc bồi dưỡng cho HS yếu kém và HS có hoàn cảnh khó khăn trong việc học. Bên cạnh đó, cũng cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện trong việc thực hiện chức năng phân cấp, tham mưu, giúp UBND quản lý nhà nước về GD-ĐT ở địa phương.
- Xin cảm ơn bà!
H.NGÂN (Thực hiện)