10:04, 27/04/2018

Dạy thêm ngoài nhà trường ở Nha Trang: Khó quản lý

Hiện nay, UBND TP. Nha Trang đã ủy quyền cho Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ở cấp THCS theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa. Thực tế cho thấy, việc quản lý dạy thêm ngoài nhà trường là khá khó khăn.

 

Hiện nay, UBND TP. Nha Trang đã ủy quyền cho Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Nha Trang cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ở cấp THCS theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa. Thực tế cho thấy, việc quản lý dạy thêm ngoài nhà trường là khá khó khăn.


Chưa cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường


Tại cuộc làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa qua, ông Trần Nguyên Lập - Trưởng phòng GD-ĐT TP. Nha Trang cho biết, đầu mỗi năm học, phòng GD-ĐT tổ chức cấp phép hoạt động dạy thêm, học thêm cho các trường THCS trên địa bàn, thời gian từ ngày 1-10 đến 31-5 hàng năm. Phòng yêu cầu các trường THCS phải trộn lẫn học sinh (HS) các lớp và phân chia theo trình độ, lựa chọn giáo viên (GV) năng lực phù hợp để tổ chức các lớp dạy thêm trong nhà trường để tránh tiêu cực GV lớp nào ép HS lớp đó học thêm. Về thu chi tiền dạy thêm, học thêm, từ năm 2014 đến 2017, các trường thực hiện theo hướng dẫn của phòng GD-ĐT. Từ tháng 4-2018, phòng giao hiệu trưởng các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xây dựng định mức thu, chi và đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

 

Đối với dạy thêm ngoài nhà trường, từ năm 2014 đến 2017, Phòng GD-ĐT TP. Nha Trang chưa cấp phép cho bất kỳ trường hợp nào do tất cả các cơ sở xin cấp phép đều không đáp ứng đủ yêu cầu về cơ sở vật chất. Riêng ở cấp tiểu học thì đã cấm tổ chức dạy thêm từ nhiều năm nay và chỉ cho phép bồi dưỡng năng khiếu chứ không dạy chữ.

 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

 

Khó quản lý


Quy định là vậy, song nhiều trường cho biết, hiện nay mới chỉ quản lý được dạy thêm trong nhà trường, còn ngoài nhà trường thì ngoài tầm kiểm soát. Theo báo cáo, tại phường Tân Lập, hiện có 11 cơ sở dạy thêm, học thêm. Trong đó, cấp tiểu học có 3 cơ sở luyện viết chữ đẹp. Việc xử phạt đối với các cơ sở này rất khó vì người tổ chức dạy chỉ đề bảng luyện viết chữ đẹp và cho biết việc luyện chữ dành cho tất cả các đối tượng. Cấp THCS và THPT, có 8 cơ sở đang hoạt động, trong đó 4 cơ sở có phép và 4 cơ sở không phép. Trong số 4 cơ sở không phép, có 2 cơ sở tuy có giấy phép nhưng lại hoạt động tại địa chỉ khác so với địa chỉ trong giấy phép. Một cán bộ phường Tân Lập cho biết: “Sau một thời gian UBND phường kiểm tra, vận động, nhóm dạy thêm này nghỉ thì nhóm khác lại xuất hiện, chủ yếu là các GV về hưu. Để kiểm tra các trường hợp này, tổ công tác phải nắm được lịch dạy cụ thể, nhưng thực tế các cơ sở mỗi lúc dạy một giờ…”.


Thầy Trần Thiện Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản thừa nhận, khó quản lý việc tổ chức HS học bên ngoài nhà trường vì đó là nhu cầu của người học. Hiện nay, trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, nhưng tâm lý HS vẫn muốn theo học thầy cô dạy lớp mình, trong khi quy định là phải phân lớp theo năng lực. Đa số phụ huynh cũng muốn cho con em mình học theo nhóm một vài em, hơn là học trong một lớp với số lượng đông…


Theo lãnh đạo UBND TP. Nha Trang, khó khăn trong quản lý dạy thêm, học thêm là công tác quản lý và kiểm tra của các cấp, trong đó có việc quản lý của hiệu trưởng đối với hoạt động ngoài giờ lên lớp của GV có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm ở các trường chưa triệt để. Hiệu trưởng các trường mặc dù đã tổ chức cho GV ký cam kết không tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường ngay từ đầu năm học, nhưng thực tế không thể quản lý hết GV của trường mình có vi phạm hay không. Công tác quản lý của phòng GD-ĐT đối với hoạt động này chủ yếu thông qua việc ban hành các công văn, tổ chức các đợt kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Còn đối với hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, phòng chỉ tham mưu cho UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra các xã, phường nhưng cũng không đều đặn và thường xuyên vì số lượng GV nhiều, công việc quá tải, không đủ thời gian và nhân sự. Bên cạnh đó, việc quản lý hành chính tại các xã, phường về vi phạm dạy thêm trái quy định chưa thường xuyên và chặt chẽ…


Tăng cường trách nhiệm các xã, phường


Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Diệp - Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, dạy thêm là lao động chính đáng của các thầy cô giáo; học thêm cũng là nhu cầu của phụ huynh, HS. Ngoài ra, cách đánh giá HS các trường hiện nay tuy đã có linh hoạt trong quá trình học tập, nhưng chỉ đối với một số môn, còn nhìn chung vẫn gây áp lực cho HS và phụ huynh, dẫn đến nhu cầu phải đi học thêm. Bản thân các thầy cô cũng muốn có những giải pháp quản lý chung sao cho hiệu quả để có thể sử dụng chất xám của mình một cách chính đáng, trong điều kiện thu nhập của nhà giáo còn thấp hiện nay. Vấn đề là quản lý như thế nào để không tràn lan và nảy sinh tiêu cực.


Để quản lý tốt hơn vấn đề này, TP. Nha Trang đã đề ra một số giải pháp như: tuyên truyền cho phụ huynh HS thông qua nhiều hình thức; tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm việc tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng quy định; phối hợp với đài truyền thanh và các phương tiện thông tin khác để tuyên truyền, phản ánh tình hình dạy thêm, học thêm trái quy định. Thành phố cũng sẽ chỉ đạo các xã, phường báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn trong cuộc giao ban bí thư, chủ tịch xã, phường hàng tháng. Đồng thời, tăng cường thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để cùng chính quyền xã, phường kiểm tra, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.


Tại đợt giám sát của HĐND tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP. Nha Trang vừa qua, đồng chí Hồ Văn Mừng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã ghi nhận những phản ánh của địa phương và các đơn vị, đồng thời yêu cầu thành phố cần kiên quyết chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý đối với vấn đề này. Trong đó, cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của UBND các xã, phường trong việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.


H.NGÂN