10:03, 29/03/2017

Phát triển toàn diện về giáo dục

40 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, ngành giáo dục (GD) TP. Nha Trang từng bước khẳng định mình, có nhiều đóng góp vào thành quả chung của sự nghiệp GD và là ngọn cờ đầu của ngành GD tỉnh Khánh Hòa.

40 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, ngành giáo dục (GD) TP. Nha Trang từng bước khẳng định mình, có nhiều đóng góp vào thành quả chung của sự nghiệp GD và là ngọn cờ đầu của ngành GD tỉnh Khánh Hòa.


Tăng quy mô và chất lượng giáo dục


Ông Trần Nguyên Lập - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Nha Trang cho biết: Trong quá trình phát triển của ngành GD TP. Nha Trang, quy mô trường lớp ngày càng được mở rộng theo hướng kiên cố và hiện đại hóa; chất lượng GD được nâng lên. Tỷ lệ học sinh (HS) tốt nghiệp THCS đạt 99,4%; tỷ lệ HS lên lớp đạt từ 98 đến 100%; tỷ lệ HS khá giỏi cấp THCS đạt bình quân trên 70%. Nha Trang luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào dạy tốt học tốt, vở sạch chữ đẹp; nhiều năm liền đạt giải nhất toàn đoàn trong hội thi HS giỏi, giáo viên giỏi cấp tỉnh...


Đối với GD mầm non, số lượng cháu tăng từ  8.339 cháu sau ngày giải phóng lên 22.523 cháu vào năm 2016. Đặc biệt , từ năm 2010 trở lại đây, GD mầm non phát triển mạnh về số lượng cũng như chất lượng. Bên cạnh các trường mầm non công lập, các trường mầm non ngoài công lập cũng được thành lập ngày càng nhiều. TP. Nha Trang được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2012 và liên tục giữ vững cho đến nay.


Về GD tiểu học, từ nhiều năm nay, Nha Trang duy trì có hiệu quả “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” với tỷ lệ HS nhập học/dân số độ tuổi đạt 99,9%. Liên tục từ năm 1994 đến nay, thành phố đã giữ vững chuẩn phổ cập GD tiểu học và xóa mù chữ.


Về GD THCS, quy mô HS THCS tăng dần theo thời gian. Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường lồng ghép các nội dung GD kỹ năng sống, giá trị sống trong các môn học/hoạt động GD; thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học tích cực; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên sử dụng thường xuyên và hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học... Thành phố duy trì và giữ vững chuẩn phổ cập GD THCS.


Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xã hội hóa giáo dục


Để đáp ứng quy mô phát triển GD theo hướng chuẩn quốc gia, trong nhiều năm qua thành phố đã tích cực đầu tư, xây dựng nhiều trường mới, phòng học mới phục vụ việc dạy và học. Kinh phí đầu tư xây dựng tăng lên hàng năm, nếu như năm 1991 là 900 triệu đồng, năm 2006 là 26 tỷ đồng thì đến năm 2016 là hơn 75 tỷ đồng (chưa kể các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh hơn 6 tỷ đồng).


Trong những năm qua, hưởng ứng chủ trương xã hội hóa GD, từ thành phố đến các xã, phường đều triển khai thực hiện phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp GD, thực hiện xã hội học tập, tạo cơ hội cho người dân thành phố được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.


Sự chuyển biến rõ nét nhất của công tác xã hội hóa GD của Nha Trang là sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về tầm quan trọng, vị trí của GD đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nên đã chú ý đầu tư cho GD. Từ chỗ trước năm 2000, Nha Trang chưa có trường chuẩn quốc gia, đến nay, thành phố có 46 trường chuẩn, 27 trung tâm học tập cộng đồng, 22 trường mầm non ngoài công lập (ngoài ra còn có 137 nhóm, lớp mầm non tư thục đã được cấp phép). Công tác khuyến học, khuyến tài ngày càng được đẩy mạnh. Trong năm 2016, Hội Khuyến học TP. Nha Trang đã vận động được gần 3,5 tỷ đồng dùng để khen thưởng HS giỏi, HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn.


Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo


Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, thời gian tới, với yêu cầu về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Nha Trang mà nòng cốt là ngành GD tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ dạy chữ, rèn người, nâng cao chất lượng, hiệu quả GD-ĐT.

 

Năm học 1975 - 1976, toàn thành phố chỉ có 249 lớp mẫu giáo, 27 trường cấp 1 và 9 trường cấp 2 với tổng số 48.143 HS. Đến năm 2016, thành phố đã phát triển được 66 trường mầm non (công lập 44, ngoài công lập 22), 41 trường tiểu học và 25 trường THCS. Ngoài ra, còn có 137 nhóm, lớp mầm non tư thục đã được cấp phép với 4.294 cháu nhà trẻ, 18.229 HS mẫu giáo, 32.468 HS tiểu học và 23.221 HS THCS.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên của ngành luôn được tăng cường, năm 1975 mới có 1.035 cán bộ, giáo viên, năm 2016 có 3.540 cán bộ quản lý, giáo viên, trong đó 100% đạt chuẩn và 85% trên chuẩn.

Để thực hiện được mục tiêu đó, trước hết cần nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; thực hiện chính sách ưu đãi về vật chất, tinh thần cho nhà giáo và cán bộ quản lý. Đồng thời, đổi mới căn bản công tác quản lý GD-ĐT, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường học.


Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực đầu tư, triển khai các dự án, đề án, chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn xã hội hóa… đáp ứng các điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ tốt các mục tiêu phát triển GD. Đầu tư xây dựng thêm phòng học, xây dựng bếp ăn cho các trường mầm non, tiểu học kết hợp với các biện pháp xã hội hóa để nâng cao chất lượng bữa ăn trưa cho HS, thực hiện đồng thời 2 mục tiêu chống suy dinh dưỡng và chống lưu ban, bỏ học; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các trường theo yêu cầu và quy định của trường học đạt chuẩn quốc gia; quan tâm đầu tư cho các trường thuộc các xã ngoại thành để thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng và rút ngắn khoảng cách chênh lệch với khu vực nội thành. Triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường cơ sở vật chất cho các trường mầm non giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đến năm 2020, có 50% số trường đạt chuẩn quốc gia.


Hoàn thành mục tiêu phổ cập GD các cấp một cách bền vững. Theo đó, duy trì mục tiêu đạt chuẩn quốc gia về phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi ; tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, nhất là ở các xã, phường việc huy động còn thấp hoặc sát chuẩn; xây dựng các biện pháp duy trì, phát huy vững chắc hơn nữa kết quả phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập GD THCS; tăng cường phân luồng HS sau THCS.


KHÁNH NINH