10:11, 29/11/2022

Liên quan đến việc xử lý trái phiếu doanh nghiệp: Người dân cần cảnh giác, đừng để bị lợi dụng, lôi kéo

Đầu tháng 10, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), dẫn đến hiện tượng người dân kéo đến ngân hàng rút tiền trước hạn, trong đó có SCB Chi nhánh Khánh Hòa.

Đầu tháng 10, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), dẫn đến hiện tượng người dân kéo đến ngân hàng rút tiền trước hạn, trong đó có SCB Chi nhánh Khánh Hòa. Sau khi vấn đề tiền gửi của khách hàng được SCB xử lý kịp thời, tiếp tục có hiện tượng người dân kéo đến SCB Chi nhánh Khánh Hòa để yêu sách liên quan đến việc xử lý trái phiếu doanh nghiệp. Đáng chú ý, ngày 3-11, tại SCB Chi nhánh Khánh Hòa ghi nhận 1 trường hợp khách hàng xô xát với nhân viên ngân hàng.


Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, đây là vụ việc phức tạp, có mối quan hệ dân sự, doanh nghiệp phát hành trái phiếu ủy quyền cho công ty chứng khoán để phát hành trái phiếu, SCB là đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp và công ty chứng khoán phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các hộ dân đã ký kết hợp đồng với công ty chứng khoán và doanh nghiệp (không ký kết trực tiếp với SCB). Do vậy, người trực tiếp giải quyết quyền lợi cho các hộ dân đã ký hợp đồng là doanh nghiệp phát hành trái phiếu. SCB, công ty chứng khoán có liên quan chỉ có trách nhiệm một phần khi giải quyết các kiến nghị của công dân.


Tìm hiểu được biết, hiện nay, trong các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông. Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông. Công ty này đang bị phong tỏa tài khoản và tài sản nên tại thời điểm này chưa thể có kinh phí để hoàn trả các hộ dân. Do vậy, Nhà nước không thể chi ngân sách để giải quyết kiến nghị của công dân. Bộ Công an cần có thời gian điều tra, xử lý vụ án, thu hồi tiền, phát mại tài sản của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông để hoàn trả cho nhân dân.


Theo ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, từ ngày 18-11, SCB đã triển khai địa điểm đón tiếp khách hàng để tiếp nhận thông tin liên quan đến việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp tại trụ sở SCB (số 242 Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Tại các tỉnh, thành khác ngoài khu vực TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị kinh doanh của SCB sẽ là đầu mối tiếp đón, ghi nhận các ý kiến, đề xuất của khách hàng để chuyển về hội sở tổng hợp phản hồi, đây cũng là cơ sở để SCB làm việc với các bên liên quan. Đại diện SCB khẳng định vẫn đang tiếp tục nỗ lực làm việc với Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI), doanh nghiệp phát hành trái phiếu và báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Công an… để trình bày các yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người mua trái phiếu, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng.


Ông Đinh Văn Kiên - Giám đốc SCB Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: Đơn vị rất thông cảm và hiểu rõ mong muốn của khách hàng là nắm được thông tin về hướng giải quyết và thời gian xử lý cụ thể liên quan đến các lô trái phiếu doanh nghiệp mà khách hàng đã tham gia. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đang trong quá trình xử lý, đơn vị chưa nhận được phản hồi cụ thể về các nội dung mà khách hàng quan tâm, dẫn đến tình trạng khách hàng thường xuyên kéo đến trụ sở tập trung đông người, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Đơn vị cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng để giải thích vấn đề này tới khách hàng. SCB Chi nhánh Khánh Hòa sẽ liên tục cập nhật đến khách hàng sớm nhất khi có thông tin từ cơ quan chức năng và các bên liên quan.


Liên quan đến việc nhiều người dân kéo đến trụ sở SCB Chi nhánh Khánh Hòa trong thời gian qua, lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, các đơn vị nghiệp vụ đã tích cực phối hợp với các bên liên quan để nắm tình hình, đồng thời phối hợp với lãnh đạo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cùng các bên liên quan trực tiếp đối thoại với người dân. Tuy vậy, nhằm gây áp lực lên phía ngân hàng, buộc ngân hàng phải có trách nhiệm trong việc giải quyết, xử lý trái phiếu doanh nghiệp, cứ sau vài ngày, người dân lại kéo đến SCB Chi nhánh Khánh Hòa, gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương. Trong trường hợp này, người dân đã vô tình vi phạm các quy định của pháp luật. Vì vậy, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh khuyến cáo, người dân cần cảnh giác, đừng để bị lợi dụng, lôi kéo, vô tình vi phạm pháp luật.

 

Vừa qua, trả lời báo chí liên quan đến điều hành kinh tế vĩ mô cũng như các vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là trái phiếu doanh nghiệp, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Vừa qua, có một số doanh nghiệp chứng khoán đã vi phạm pháp luật khi đưa ra thông tin lừa dối khách hàng và bị xử lý hình sự. Chúng tôi cho rằng, việc bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc vì người đảm bảo về quyền lợi của nhà đầu tư là các nhà phát hành. Khi các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn và phát hành bị xử lý về pháp luật thì chúng tôi đã làm việc với các nhà phát hành để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Các công ty phát hành đều cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ. Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và bảo đảm minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.

_________________________________________


Pháp luật Việt Nam đã có những văn bản pháp quy điều chỉnh hành vi “tập trung đông người tại nơi công cộng”, cụ thể tại Nghị định số 38/2005 quy định một số biện pháp đảm bảo trật tự công cộng và Thông tư số 09/2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 38. Theo đó, mọi hoạt động tập trung đông người đều phải đăng ký trước với UBND cấp huyện hoặc UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký. Trình tự thủ tục đăng ký tập trung đông người được quy định cụ thể tại Điều 6 Thông tư số 09. Trong trường hợp không tuân thủ các quy định của pháp luật nêu trên sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm...


Thành Long